(QBĐT) - Thời gian qua, cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' trên địa bàn tỉnh đã thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, trở thành cầu nối, đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng Việt.
Phụ nữ là những người có vai trò lớn trong việc chọn lựa hàng tiêu dùng cho mỗi gia đình, chính vì vậy, vận động được chị em ưu tiên mua sắm hàng Việt sẽ góp phần quan trọng cho thành công của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam".
Tại Quảng Bình, để cuộc vận động có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hội LHPN các cấp chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, tích cực vận động hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn thực hiện có hiệu quả CVĐ gắn với nhiệm vụ trọng tâm của hội, các phong trào thi đua và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo đó, các cấp hội đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi sinh hoạt hội...nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của cá nhân, gia đình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước, hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trong tiêu dùng cá nhân, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh và các địa phương.
Hội LHPN huyện Quảng Trạch tổ chức diễn đàn "Phụ nữ sáng tạo-Khởi nghiệp" gắn với phiên chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” cũng được Hội LHPN các cấp tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động, như: Kết nối, mở rộng, xây dựng chuỗi liên kết hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp”; tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của Quảng Bình trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội; hỗ trợ phụ nữ sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…
Năm 2021, toàn tỉnh có 8.208 phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; 139 phụ nữ được các cấp hội hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền 525 triệu đồng; 32 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ được hội hỗ trợ hiện thực hóa; 7 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ thành lập mới; tiếp tục hỗ trợ 46 hợp tác xã (HTX), 62 tổ hợp tác (THT), 15 tổ liên kết do phụ nữ quản lý, lãnh đạo; tổ chức nhiều cuộc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm nông nghiệp sạch...
Trên thị trường hiện nay vẫn còn nhiều mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, chăn ga, gối nệm… kém chất lượng, nông sản và các loại trái cây ngoại nhập sử dụng hóa chất bảo quản có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan…Vì vậy, các cấp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện 12 cuộc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm để xem xét, xử lý; thông tin kịp thời cho hội viên phụ nữ trên địa bàn biết những doanh nghiệp, đơn vị có hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, thông tin về hàng giả, hàng nhái trên thị trường để người tiêu dùng biết và lựa chọn trong việc mua sắm hàng hóa.
Đồng thời, các cấp hội cũng tuyên truyền đến chị em khi mua sắm hàng hóa, cần xem kỹ nhãn mác của sản phẩm (xuất xứ hàng hóa, ngày sản xuất và hạn sử dụng…); không sử dụng hàng hóa ngoại nhập kém chất lượng, hàng nhái, hàng tồn kho có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng; ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm thể hiện lòng yêu nước, xây dựng nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp hội; tăng cường công tác vận động cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tiêu dùng hàng ngày, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước làm ra, góp phần đưa CVĐ ngày càng thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh đó, hội tiếp tục triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nữ, HTX, THT do phụ nữ quản lý; phát huy vai trò của của các cấp hội trong việc giám sát việc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh sẽ chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền các nội dung của CVĐ đến hội viên phụ nữ nhằm nâng cao tính hiệu quả; lồng ghép nội dung CVĐ vào các phong trào thi đua và nhiệm vụ của hội; nắm tình hình và kịp thời phát hiện những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, phân phối lưu thông của THT, HTX, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa.
Để thực hiện hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh bạn đến người tiêu dùng trong tỉnh. Năm 2021, các cấp hội đã kết nối, phối hợp tiêu thụ được 260 tấn vải thiều, dưa hấu và các loại nông sản của các tỉnh, thành gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch Covid-19.
(QBĐT) - Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển du lịch năm 2022, sáng nay, 11/2, Sở Du lịch và Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2022-2025.
(QBĐT) - Chiều nay, 11/2, UBND tỉnh có buổi tiếp, làm việc với đoàn công tác của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Bình. Tiếp đoàn có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(QBĐT) - Là loại cây "thường xanh", phù hợp với rừng phòng hộ ven biển, cây phi lao đã và đang sinh trưởng và phát triển ổn định, góp phần chắn sóng, chắn gió và nạn cát lấp, cát bay, duy trì màu xanh trù phú của dải đất ven biển Quảng Bình. Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và người dân đã không ngừng nỗ lực để trồng và bảo vệ những khu rừng phi lao "thường xanh", trong đó có rừng phòng hộ ven biển tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới), khẳng định ý nghĩa chiến lược của việc trồng cây gây rừng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, quốc gia nói chung.