Tuyên Hóa: Nỗ lực đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng

  • 12:01, 06/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực, qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen lựa chọn hàng hóa, ngày càng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
 
CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã lan tỏa khắp địa bàn tỉnh, Tuyên Hóa cũng không ngoại lệ. Ủy ban MTTQVN huyện và các tổ chức thành viên phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của CVĐ tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Nội dung tuyên truyền được các đoàn thể, tổ chức thành viên lồng ghép vào các phong trào, cuộc vận động, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng…
 
Qua đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước để mua sắm tài sản công cũng như tiêu dùng cá nhân.
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Tuyên Hóa cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường phân phối hàng Việt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
 
Trong đó, huyện đã triển khai thực hiện các quyết sách của Quốc hội và Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025; hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. 
Hàng Việt Nam chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Hàng Việt Nam chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Ngoài ra, huyện tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, thúc đẩy cải cách hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp…
 
Huyện Tuyên Hóa cũng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; phối hợp với các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, nhãn hiệu tập thể, góp phần giới thiệu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, huyện có 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, gồm: Mật ong Tuyên Hóa, mật ong Thanh Hóa, mật ong Quyết Thắng, đồ thủ công mỹ nghệ trang trí (mây tre đan Vân Sơn), măng khô Mã Liềng, lạc rang sả ớt Cao Quảng.
 
Với những giải pháp thiết thực, CVĐ đã và đang làm thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng theo chiều hướng tích cực. Trên thị trường huyện Tuyên Hóa, số lượng hàng Việt được tiêu thụtăng lên rõ rệt, chiếm trên 80% số lượng hàng hóa đang lưu thông trên địa bàn. Các mặt hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, hàng Trung Quốc kém chất lượng ngày càng được hạn chế, nhất là tại các khu vực nông thôn.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ. Ngoài sự cạnh tranh về giá, khó khăn lớn nhất của người dân là chưa biết cách, hoặc chưa đủ thông tin để nhận diện hàng thật, hàng chất lượng; các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn ít, một số địa phương không có địa điểm tổ chức hội chợ. Công tác tuyên truyền vận động vẫn chưa được thường xuyên; hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên thị trường vẫn khó kiểm soát; hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng vẫn còn được bày bán nhiều ở các chợ truyền thống, như: Quần áo, chăn màn, đồ chơi trẻ em…
 
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuyên Hóa cho biết: Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện CVĐ. Trong đó, huyện tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân, khuyến khích giảm giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng; tiếp tục tuyên truyền nhận biết về nhãn hiệu hàng hóa trong nước, phát hiện hàng nhái, hàng giả để trình báo cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý nhằm lành mạnh hóa thị trường…
 
Năm 2021, tổ kiểm tra liên ngành tuyến huyện do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuyên Hóa chủ trì đã tổ chức 2 đợt cao điểm kiểm tra 37 cơ sở, trong đó phát hiện 13 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa… Các tổ liên ngành tuyến xã cũng tổ chức kiểm tra 432 cơ sở, trong đó phát hiện 115 cơ sở chưa chấp hành tốt quy định sản xuất, kinh doanh. Việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát đã làm tăng lòng tin của nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt Nam.
Thanh Hoa
 

tin liên quan

Từ 1/1/2022, du lịch Quảng Bình giảm 20-50% giá vé tham quan
Từ 1/1/2022, du lịch Quảng Bình giảm 20-50% giá vé tham quan

(QBĐT) - Thực hiện theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Bình, từ ngày 1/1/2022, một số sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ được giảm giá vé tham quan.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể

(QBĐT) - Ngày 6/1, UBND tổ chức họp Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển kinh tế tập thể (KTTT) để đánh giá tình hình KTTT trong năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022. 

Nét đẹp mang tên WB8
Nét đẹp mang tên WB8

(QBĐT) - Ông Phạm Chính Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp-PTNT Quảng Bình cho hay: "Qua 2 năm, nguồn vốn từ dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã hỗ trợ Quảng Bình 10 công trình hồ chứa nước thủy lợi. Đến nay, bên cạnh phát huy hiệu quả, mỗi công trình còn khoác lên mình diện mạo mới, mang nét đẹp hiện đại".