(QBĐT) - Những ngày này, người dân làng Tân An (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch) đang hối hả làm bánh tráng để phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây là thời điểm để người làm bánh tăng thu nhập sau một năm chật vật vì Covid-19.
Làng Tân An nằm bên bờ sông Gianh, vốn nổi tiếng với thương hiệu bánh tráng hàng trăm năm nay. Đến Tân An vào thời điểm giáp Tết, không khí sản xuất bánh tráng nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Dù là làm máy hay thủ công, việc tráng bánh của các hộ dân cũng bắt đầu sớm và sẽ kết thúc muộn hơn so với thường lệ. Sản phẩm được các hộ dân đem phơi khắp vườn nhà, đường làng, ngõ xóm, đi đâu cũng thấy bánh tráng.
![]() |
Ông Phạm Văn Tý, một người làm bánh tráng ở Tân An cho biết: "Đợt này, chúng tôi đang nỗ lực, chạy đua với thời gian để làm bánh tráng phục vụ Tết. Mỗi ngày, gia đình tôi bắt đầu làm từ sáng sớm đến tối muộn mới xong việc. Năm nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều nên chúng tôi chỉ trông chờ vào vụ Tết ".
Bà Nguyễn Thị Yến (vợ ông Tý) chia sẻ: “Để làm ra chiếc bánh tráng đậm đà hương vị quê hương Tân An, thoạt nhìn rất giản đơn. Nhưng người làm bánh phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ".
Theo ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh, làng bánh tráng Tân An hiện có hơn 260 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn gạo nguyên liệu. Những năm gần đây, nhiều hộ làm bánh tráng đã nắm bắt được thị trường từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường.
Lâm An