(QBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu hàng hóa, huyện Bố Trạch đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ áp dụng quy trình quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua đó, người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả và yên tâm lựa chọn, sử dụng sản phẩm.
![]() |
Năm 2021, Bố Trạch có 1 cơ sở được tỉnh hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP (tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Đến nay, toàn huyện đã có 10 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP. Trong đó có 7 cơ sở trồng trọt, gồm: Công ty TNHH Dream Farm QB, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Nông, HTX nông nghiệp sinh thái Dũng Na, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tâm An, cơ sở trồng trọt Bế Văn Mai, HTX sản xuất nấm sạch và KDNN Tuấn Linh, cơ sở trồng trọt Dương Quốc Toàn; 3 cơ sở chăn nuôi, gồm: HTX Hiền Nguyên, trang trại Nguyễn Văn Bồn, trang trại Nguyễn Thanh Hải.
2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã được cấp chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm bảo đảm ATTP). Đó là: Công ty TNHH TMDV Thanh Quang (sản xuất chế biến và tiêu thụ hải sản), Chi nhánh Công ty BIO KOREA tại Quảng Bình (sản xuất muối tre).
Bên cạnh đó, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hết sức quan tâm. Năm 2021, Bố Trạch có thêm 9 cơ sở thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 40 sản phẩm nông sản thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Hương Trà