Kỳ vọng từ những bến cá

  • 01:11, 23/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ nguồn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển, huyện Lệ Thủy đã đầu tư 45 tỷ đồng để xây dựng 15 bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Ngư Thủy Bắc và xã Ngư Thủy. Việc xây dựng các bến cá kỳ vọng sẽ giúp cho ngư dân thuận lợi hơn trong việc mua bán, vận chuyển cá từ thuyền lên bờ cũng như cất giữ thuyền tránh trú bão.
 
Được triển khai từ tháng 6-2021, dự kiến các công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, gồm: 15 bến cá, 23 tuyến đường có tổng chiều dài gần 10km nối từ các trục đường thôn ra tới bến cá. Trong đó, xã Ngư Thủy có 10 bến cá, 18 tuyến đường. Xã Ngư Thủy Bắc có 5 bến cá và 5 tuyến đường. Công trình do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Lệ Thủy (gọi tắt là BQL dự án) làm chủ đầu tư. Đến thời điểm này, dự án đã triển khai đạt gần 90% khối lượng công việc, có 9/15 bến đã cơ bản hoàn thành, một số tuyến đường giao thông đã đi lại được.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc BQL dự án cho biết: “Theo thiết kế, mỗi bến cá có chiều dài khoảng 120m, rộng 20m, có tường chắn cát bằng bê tông cốt thép, dưới chân tường được kết đá hộc, mặt trên đổ bê tông nên rất thuận tiện cho xe ra vào để bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Đường nối ra bến cá thiết kế như đường giao thông nông thôn. Mỗi tuyến có chiều dài từ 100 đến 500m, được rải nhựa hoặc đổ bê tông nên rất thuận lợi cho việc đưa thuyền lên, xuống biển và bốc xếp hàng hóa”.
 
Bến cá ở thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc gấp rút hoàn thành.
Bến cá ở thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc gấp rút hoàn thành.
Tại công trường xây dựng bến cá và tuyến đường ra bến thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc, hàng chục công nhân của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Khánh Huyền đang hoàn tất những công đoạn cuối của công trình. Các hạng mục, như: Sân bến, tường chắn cát và sóng, đường đưa cá và thuyền lên xuống biển cơ bản đã hoàn thành. Một số hạng mục khác, như: Rọ đá dưới chân tường, đường giao thông nối từ bến lên các trục đường chính của thôn cũng đang được gấp rút thi công.
 
Ông Phạm Hữu Cải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Khánh Huyền cho hay: “Xác định đây là một trong những dự án lớn của huyện nên chúng tôi đã huy động máy móc, nhân lực để triển khai thi công. Nếu thời tiết thuận lợi, cả ba công trình đơn vị nhận thầu sẽ hoàn thành trong tháng 12 để bàn giao cho địa phương và người dân sử dụng”.
 
Xã Ngư Thủy Bắc có 450 thuyền đánh cá thu hút gần 1.000 lao động. Trước đây chưa có bến cá và đường giao thông xuống biển nên công việc mua bán, vận chuyển cá, thuyền của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ khi có dự án xây dựng bến cá và đường giao thông ra bến, bà con ai cũng mừng. Chị Nguyễn Thị Huyền, ở thôn Bắc Hòa, một tiểu thương chuyên mua hải sản tại vùng biển xã Ngư Thủy Bắc phấn khởi: “Khi bến đi vào hoạt động, tôi sẽ đầu tư mua xe ô tô tải ra tận nơi để nhập các loại hải sản. Đồng thời, tôi sẽ tích cực liên kết với các thương lái, cơ sở chế biến để tiêu thụ hết sản phẩm đánh bắt của bà con”.
 
Hiện cả 5 bến cá tại xã Ngư Thủy Bắc cũng được gấp rút hoàn thành. Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Khi các công trình bến cá, đường giao thông nối với bến đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương sẽ động viên bà con tiếp tục vươn khơi đánh bắt, phát triển thêm các nghề chế biến thủy hải sản ngay tại địa phương để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các công trình bến cá còn là nơi để bà con tắm biển, phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn”.
 
Xã Ngư Thủy có gần 700 thuyền với 1.400 người dân làm nghề đánh cá trên biển. Bình quân mỗi năm, bà con trong xã khai thác từ 2.500-3.000 tấn hải sản. Trước đây, việc đưa thuyền lên xuống biển hoặc mua bán, vận chuyển cá từ biển lên của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ông Trần Xuân Đức, ở thôn Liêm Bắc, chủ thuyền đánh cá chia sẻ: “Lâu nay, mỗi khi đưa cá vào bờ, chúng tôi phải đổ ra cát, phân loại rồi gánh trên quãng đường từ 100-300m mới đến đường ôtô. Còn khi giông bão thì phải nhờ hàng chục người khiêng thuyền đi trú tránh. Nhưng sau này có bến cá, chúng tôi chỉ cần cho thuyền cập bến, bốc cá lên xe là chở đi tiêu thụ luôn. Khi có bão cũng chỉ cần vài người đưa xe đẩy theo đường xuống bến rồi kéo thuyền lên, rất nhẹ nhàng!”.
 
Hiện cả 10 thôn của xã Ngư Thủy đều được xây dựng bến cá và đường giao thông. Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay: “Hệ thống bến cá đi vào hoạt động sẽ giúp thương lái dễ dàng mua, bán cá. Thời gian tới, xã sẽ vận động bà con tiếp tục đóng thuyền, sắm thêm ngư cụ đánh bắt, mở rộng các cơ sở chế biến thủy hải sản để tạo việc làm cho người dân, giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm”.
 
Hiện tại, huyện Lệ Thủy đang triển khai và chuẩn bị triển khai một số dự án lớn từ nguồn vốn của ngân sách Trung ương. Dự án đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1 đến di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang triển khai thực hiện. Nếu bố trí đủ vốn, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 7-2022. Dự án đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói xây lắp. Dự án cầu Lộc Thủy-An Thủy và đường hai đầu cầu đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết...
 
Xuân Vương

tin liên quan

Tổ chức nhiều hoạt động chào đón năm mới 2022
Tổ chức nhiều hoạt động chào đón năm mới 2022

(QBĐT) - Thực hiện chương trình du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch năm 2021, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức chương trình Chào đón năm mới 2022.

Lưu giữ bài thuốc cổ truyền
Lưu giữ bài thuốc cổ truyền

(QBĐT) - Với nguồn dược liệu phong phú mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình đã tạo ra nhiều bài thuốc nam quý được lưu truyền qua bao thế hệ. Tuy nhiên, trước thực trạng y học cổ truyền đang dần bị "phai nhạt", những người trẻ không còn "mặn mà" với việc theo nghề làm thuốc nam của cha ông để lại, ông Đinh Tự Trọng (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), người con của đồng bào dân tộc Chứt đã quyết định đầu tư phát triển những bài thuốc này thành các sản phẩm đặc trưng riêng có của quê hương.

Mật ong Nghĩa Ninh
Mật ong Nghĩa Ninh

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đây là mô hình mới góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương theo hướng nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm, giúp người dân tận dụng thời gian nhàn rỗi, cải thiện thu nhập.