Triển vọng mô hình trồng nấm kết hợp rau sạch

  • 07:10, 28/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng nấm kết hợp rau sạch công nghệ cao của Hợp tác xãdịch vụ nông nghiệp Ngân Hà (HTX Ngân Hà), phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới còn cho thấy những giá trị ưu việt trong việc bảo vệ môi trường sinh thái nhờ đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
 
Cơ duyên đến với nghề
 
Chị Cao Đàm Họa My, Giám đốc HTX cho biết: "Trước khi đến với nghề trồng nấm, tôi từng làm nghề kế toán. Gần nhà tôi có 2 xưởng gỗ thải loại nhiều mùn cưa và vỏ bào, người dân xung quanh lấy về đốt lửa không xuể, khi xem trên sách báo thấy nhiều người sử dụng loại phế liệu này để trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đã nung nấu ý tưởng học cách làm theo và “nghiện” từ lúc nào không hay".
 
Lúc mới bắt đầu làm, do chưa biết cách để làm phôi nấm hoàn chỉnh cho năng suất cao cùng với việc bận đi làm công sở nên chị My phải mua sẵn phôi nấm từ Hà Tĩnh về chăm sóc. Tuy nhiên, sau 5 tháng trồng, trừ chi phí chỉ còn 3 triệu đồng tiền lãi, thấy hiệu quả kinh tế thấp nên chị đã nghỉ công việc kế toán, quyết tâm tìm hiểu và học cách làm phôi nấm, nung nấu ý định làm giàu từ mô hình này. Ban đầu, do còn thiếu kinh nghiệm nên phôi nấm lỗi, bị hư hỏng nhiều, nấm trồng bị bệnh, năng suất thấp…
 
Không nản chí, chị My vào tận Vĩnh Longvà tham khảo thêm sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2020, chị My đã mạnh dạn thành lập HTX Ngân Hà, kêu gọi 10 thành viên tham gia nhằm mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị công nghệ cao vào sản xuất. Hiện sản phẩm chính của HTX chủ yếu là nấm sò nâu.
Điểm khác biệt và sáng tạo trong việc trồng nấm sò nâu của HTX là nấm sò không treo theo kiểu truyền thống mà xếp hàng theo kệ.
Điểm khác biệt và sáng tạo trong việc trồng nấm sò nâu của HTX là nấm sò không treo theo kiểu truyền thống mà xếp hàng theo kệ.
Thăm mô hình, chúng tôi nhận thấy, mô hình sản xuất nấm sò nâu của HTX không mới, nhưng điểm khác biệt và sáng tạo là phôi nấm không treo theo kiểu truyền thống mà xếp hàng theo kệ nhằm giảm chi phí lao động, giảm diện tích nhà xưởng, điều tiết được lượng nấm thành phẩm theo nhu cầu thị trường, giảm thiểu tình trạng phôi nấm nhiễm bệnh, nấm khi thu hoạch có thể bảo quản được 1 tuần trong tủ lạnh… Cùng với đó, mô hình cũng đã đưa thiết bị máy móc tự động vào sản xuất, như: Máy sấy nấm, máy hấp bịch phôi nấm tự động và máy đóng bịch phôi nấm bán tự động...
 
Nói về kỹ thuật trồng, chị My cho biết, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường, như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, sạch sẽ, chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn.
 
Một trong những kinh nghiệm để sản phẩm nấm có vị ngọt, ngon, nhiều dinh dưỡng là khi phối trộn nguyên liệu trồng nấm phải cho thêm bột ngô, cám gạo.Từ thời điểm ban đầu sản xuất 2.000 bịch nấm/vụ, đến nay, HTX xuất xưởng 20.000 bịch nấm/vụ, đưa ra thị trường hơn 1 tấn nấm thành phẩm/năm với giá bán từ 35.000-40.000 đồng/kg. Nấm được thương lái thu mua tại cơ sở sản xuất.
 
Dùng phế phẩm để trồng rau an toàn
 
Đặc biệt, sau một thời gian trồng nấm với quy mô lớn, nhận thấy phế phụ phẩm sau trồng nấm cũng ngày càng nhiều, chủ yếu bị thải bỏ và trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ do bã nấm vẫn còn dinh dưỡng tồn dư khá cao mà không được tái sử dụng hợp lý.
 
Chính vì vậy, năm 2020, HTX đã đầu tư xây dựng nhà màng công nghệ cao, sử dụng phế phẩm sau trồng nấm ủ với chế phẩm sinh học làm phân vi sinh để trồng rau, quả. Kết quả cho thấy thấy rau xanh, dưa lưới, dưa chuột tươi tốt, tăng trưởng nhanh và sản phẩm đạt an toàn thực phẩm.
 
Theo chị My, khi so sánh với cách sử dụng phân bón thông thường, việc sử dụng phụ phẩm trồng nấm để trồng rau, quả không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn mà cây trồng sinh trưởng phát triển rất tốt. Phế phẩm trồng nấm chỉ cần ủ với chế phẩm sinh học trong khoảng 2 tháng mà không cần sử dụng hóa chất diệt trừ sâu bệnh và kích thích cây trồng. Vì vậy, rau quả của HTX bán ra được khách hàng tin tưởng, thương lái về tận nơi thu mua trong ngày. Các sản phẩm của HTX đều đã có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc, có nhãn mác…
 
Đến nay, thị trường tiêu thụ của HTX luôn ổn định, riêng nấm sò nâu thì sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cách làm mới của HTX cần được nghiên cứu để nhân rộng ra các địa phương khác, bởi không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý cho biết: "Trồng nấm đang là hướng đi mới trong định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, mô hình trồng nấm sò nâu kết hợp rau sạch công nghệ cao của HTX Ngân Hà là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đang được địa phương tuyên truyền, vận động người dân học tập và mở rộng, nhất là các hộ dân đang trồng nấm. Đặc biệt, sản phẩm của HTX được phường Bắc Lý lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP cấp thành phố và cấp tỉnh trong thời gian tới".
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân
Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân
(QBĐT) - Ngày 28-10, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh cho biết, đơn vị vừa tổ chức 9 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 180 người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy và Tuyên Hóa.
 
Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến-Quảng Bình  2021
Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến-Quảng Bình 2021

(QBĐT) - Ngày 28-10, Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến - Quảng Bình 2021. Tham dự có các khách mời từ các điểm cầu: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Phú Yên và đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh.

Khuyến khích chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật
Khuyến khích chăn nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật

(QBĐT) - Giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu. Để đạt mục tiêu đặt ra, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.