(QBĐT) - 19 năm qua, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có gần 20.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được “tiếp sức”. Thông qua nguồn vốn ưu đãi này, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Với hộ gia đình anh Cao Tiến Viễn, thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa (Minh Hóa), nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình anh vượt qua khó khăn. Năm 2019, thông qua chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Minh Hóa, gia đình anh Viễn đã vay 50 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi.
Từ nguồn vốn vay ban đầu, anh Viễn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống để nuôi bò lai và lợn rừng. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi 4 con bò lai và 13 con lợn rừng, cho thu nhập ổn định gần 50 triệu đồng/năm. Vui mừng với thành quả đạt được, anh Viễn chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng quy mô chuồng trại”.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Cao Tiến Viễn, xã Yên Hóa (Minh Hóa) đã phát triển mô hình nuôi bò lai, đem lại thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình anh ông Văn Quang, bản Bang, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất chăn nuôi của địa phương. Trước đây, gia đình ông Quang thuộc diện hộ nghèo của xã Kim Thủy.
Năm 2016, ông vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy để trồng rừng phát triển kinh tế. “Xác định keo tràm sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù ban đầu mới bắt tay vào làm gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn không chán nản, bỏ cuộc”, ông Quang chia sẻ.
Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo tràm của gia đình ông phát triển rất nhanh. Vụ đầu tiên, ông Quang thu về 160 triệu đồng từ 2ha keo tràm. Nhờ có số tiền này, ông Quang đã sửa chữa lại ngôi nhà kiên cố.
Nhận thấy được hiệu quả từ mô hình trồng rừng, năm 2019, ông Quang tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng thêm diện tích keo tràm và chăn nuôi trâu. Hiện tại, rừng keo tràm của gia đình ông đang sinh trưởng và phát triển tốt, đàn trâu đang trong quá trình sinh sản.
Dự kiến, thời gian tới, mỗi năm, gia đình ông Quang sẽ thu về hơn 70 triệu đồng từ tiền bán trâu và keo tràm. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo đến nay gia đình ông Quang đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống dần cải thiện.
Từ nguồn vốn bàn giao ban đầu 200 tỷ đồng, đến cuối tháng 9-2021, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh đã đạt 3.672 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 2002. NHCSXH tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình cho hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tiết kiệm-vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã, NHCSXH tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 151 điểm giao dịch xã hoạt động rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh.
Các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn là "cầu nối" để người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Cùng với NHCSXH, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác đã làm tốt công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức, cách làm, quản lý vốn tín dụng chính sách của cán bộ hội trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác. Hiện nay, toàn tỉnh có 523 tổ chức chính trị-xã hội các cấp nhận ủy thác đang tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Văn Tài, vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã thật sự trở thành “phao cứu sinh” cho người nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế. NHCSXH tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng đã triển khai; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả…
Theo hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi có triệu chứng ho, sốt, đau họng... hoặc cần điều tra dịch tễ đến từ vùng cấp độ 3 hoặc 4, khách du lịch mới phải xét nghiệm COVID.
(QBĐT) - Ngày 16-10-2021, tại TP. Đồng Hới, đại diện chủ đầu tư (CĐT) Liên danh Công ty cổ phần xây dựng số 1 Việt Phong và Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP cùng đơn vị phát triển dự án Công ty cổ phần NewHomes đã ký kết hợp tác phân phối độc quyền với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đà Thành (DDI) dự án Sunora Quảng Bình (Phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình).
(QBĐT) - Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay học sinh, sinh viên (HSSV) của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bố Trạch, hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã được "tiếp sức" đến trường.