(QBĐT) - Xác định mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, huyện Quảng Trạch đã có những chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh thành lập các mô hình HTX. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế HTX ở các lĩnh vực, như: Dịch vụ nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp.... ra đời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Quảng Tiến là một trong những xã miền núi thuộc diện khó khăn của huyện Quảng Trạch. Cuộc sống người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi cộng thêm nguồn nước hạn chế nên giá trị sản xuất nông nghiệp không cao. Để hỗ trợ người dân có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập, năm 2016, HTX Mây tre đan Quảng Tiến đã được thành lập.
“Để khôi phục nghề đan lát truyền thống của địa phương và tạo việc làm cho người dân trong vùng vào những lúc nông nhàn, tôi cùng một số anh em trong xã đã quyết định thành lập HTX Mây tre đan Quảng Tiến. HTX hiện có 16 thành viên. Ngoài tạo nguồn thu ổn định cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng”, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến cho biết.
Các mô hình HTX trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay, ngoài sản phẩm nón lá, HTX đang tập trung phát triển nhận làm gia công các sản phẩm từ mây tre cho các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
Cùng với HTX Mây tre đan Quảng Tiến, nhiều HTX ở các lĩnh vực khác, như: Dịch vụ nông nghiệp, thủy sản... trên địa bàn huyện cũng đã phát huy được vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong việc tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều HTX năng động, sáng tạo trong việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như kết nối xây dựng chuỗi tiêu thụ để đưa các sản phẩm mới ra thị trường, như: HTX Hưng Loan, HTX Mây tre xiên Quảng Phương, HTX Muối Quảng Phú...
Năm 2017, HTX Nông sản Trường Thủy được thành lập. Sau thời gian phát triển, hiện nay, sản phẩm dầu lạc của HTX đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chị Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc HTX Nông sản Trường Thủy cho biết: Để tạo dựng thương hiệu cho một sản phẩm nông nghiệp như dầu lạc Trường Thủy, HTX đã không ngừng tìm tòi, cải tiến phương thức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã kết nối với nhiều bà con nông dân trồng lạc trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch để xây dựng đầu vào cho HTX với tổng diện tích lên đến 25ha.
Nhiều mô hình kinh tế HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho quá trình sản xuất, như: Máy ép lạc, nồi chưng cất, máy đóng gói bao bì sản phẩm... Nhờ áp dụng máy móc, kỹ thuật nên hàng năm, HTX sản xuất 2.100 lít dầu lạc, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm. Nhờ những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2020, sản phẩm dầu lạc của HTX Nông sản Trường Thủy đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch cho hay: "Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Để khuyến khích việc thành lập và phát triển mô hình kinh tế HTX, huyện đã huy động nhiều nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư cho các HTX phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm của HTX, huyện cũng đã khuyến khích các HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện".
Huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp-PTNT và UBND huyện để tiếp tục hỗ trợ các HTX chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các HTX và hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Huyện Quảng Trạch hiện có 36 mô hình kinh tế HTX với vốn kinh doanh trên 130 tỷ đồng; trong đó, có 25 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 HTX thủy sản; 8 HTX tiểu thủ công nghiệp; 3 HTX giao thông vận tải và thương mại; 1 HTX môi trường nước sạch.
(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khó khăn. Trước tình hình đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã tích cực đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
(QBĐT) - Thông tin từ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) cho biết, đơn vị vừa triển khai đội hình về giúp đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) thu hoạch lúa hè-thu năm 2021.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Đồng thời sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan đến TPDN và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.