Quảng Bình đồng hành cùng doanh nghiệp

  • 08:09, 23/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, cũng như cả nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn và thiệt hại nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp.
 
Theo báo cáo của Sở kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Quảng Bình có hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng gần 3.900 doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu, chiếm hơn 55%.
 
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam từ tháng 4-2021 đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới toàn tỉnh giảm khoảng 22%. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải ngừng hoạt động.
Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất trở lại từ ngày 16-9-2021
Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất trở lại từ ngày 16-9-2021.
Ước tính chỉ trong quý III-2021, có khoảng 7.750 người lao động tạm ngừng việc làm hoặc mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động.
 
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước cũng như diễn biến dịch phức tạp tại Quảng Bình, để ngăn chăn dịch lây lan, chính quyền địa phương phải triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch theo đúng các chỉ thị của Chính phủ. Do đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người lao động.
 
Đáng chú ý là, việc lưu thông, đi lại giữa các vùng cách ly theo các mức độ phòng chống dịch khác nhau vẫn còn nhiều bất cập, nhiều khác biệt giữa các đơn vị hành chính.
 
Việc triển khai sản xuất kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” tính khả thi về lâu dài là không cao, do đáp ứng yêu cầu phòng dịch thì chi phí sản xuất rất cao, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp…
 
Ông Nguyễn Trường Tiêu, Cố vấn Tổng Công ty may 10, trực tiếp theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp may Hà Quảng (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới) cho biết: “Để giữ chân bạn hàng và thực hiện các đơn hàng buộc chúng tôi phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 16-9. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất theo phương án này cho thấy chỉ là giải pháp tình thế thôi, vì rất tốn kém, càng làm càng lỗ, đồng thời cũng không thể kéo dài vì sức khỏe công nhân không bảo đảm”. 
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH TM may Thăng Long đã gần khôi phục theo các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất của tỉnh.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH TM may Thăng Long đã gần khôi phục theo các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất của tỉnh.
Ông Ngô Xuân Vỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần gỗ Quảng Phát (Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) cho biết: Khó khăn mà công ty chúng tôi phải đối mặt đó là nguy cơ bị cắt các đơn hàng, nhất là các đơn hàng lớn.
 
Mặt khác, nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng, việc vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn. Nếu tình hình dịch còn kéo dài, không thể sản xuất được thì chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều tổn thất.
 
Trước khó khăn của doanh nghiệp, căn cứ diễn biến dịch bệnh, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nới dần từng bước theo lộ trình phục hồi các hoạt động kinh tế, trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp may Hà Quảng
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp may Hà Quảng
Từ đó, vừa đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Đối với địa phương lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn như tỉnh Quảng Bình thì dịch Covid-19 thực sự là thách thức lớn khi mà ngành lưu trú và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Tính chung 9 tháng, lượt khách du lịch đến Quảng Bình giảm 66% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 42,3% so với cùng kỳ. Việc giảm lượng khách cũng đi kèm với các khó khăn khác trong lĩnh vực du lịch.
 
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất chia sẻ: “Dịch Covid-19 thực sự tác động rất lớn đến ngành du lịch, cơ sở vật chất xuống cấp do việc không sử dụng; nhân lực du lịch bị giảm sụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng đã gây ảnh hưởng rất lớn. Tôi đề nghị tỉnh thành lập Tổ công tác phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và lập kế hoạch khởi động du lịch theo từng giai đoạn, quy định luồng xanh, “hộ chiếu vắc xin” đối với du khách đã tiêm 2 mũi vắc xin, tiếp đó tăng cường kết nối để mở cửa dần hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty CP Focosev Quảng Bình.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty CP Focosev Quảng Bình.
Một trong những nội dung mà các doanh nghiệp quan tâm hiện nay, đó là công tác tiêm vắc xin cho công nhân lao động, để tạo ra “lá chắn” an toàn cho các doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Ông Đặng Xuân Huề, Giám đốc Công ty XNK Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình cho biết: “Để thực hiện tốt mục tiêu kép, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này, tôi cho rằng bên cạnh các cơ chế chính sách phù hợp, tỉnh cần quan tâm triển khai tiêm vắc xin cho người lao động của doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".
Mô hình nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch với sản phẩm dưa vàng và dưa lưới đã xuất bán được 500kg sau khi địa phương hết giãn cách.
Mô hình nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch với sản phẩm dưa vàng và dưa lưới đã xuất bán được 500kg sau khi địa phương hết giãn cách.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ: Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, tỉnh cần xem xét việc áp dụng các mức độ phòng chống dịch bệnh phù hợp, nên hạn chế phong tỏa, hoặc phong tỏa thì ở phạm vi hẹp nhất, nhỏ nhất. Đặc biệt, đối với người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì khi đến các địa phương đang có dịch không phải cách ly tập trung, có như vậy doanh nghiệp mới có thể gặp gỡ đối tác, đàm phán, giao lưu và làm việc.
 
Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh lần này đã tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, KKT, nơi tập trung một lượng lớn lao động, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất.
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Trong thời gian Quảng Bình thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tại các KKT, KCN của tỉnh có gần 30 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, gần 3.000 lao động phải nghỉ việc.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra mô hình nông nghiệp sạch tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra mô hình nông nghiệp sạch tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch.
“Các doanh nghiệp ở các khu kinh tế, khu công nghiệp rất khó khăn trong nguồn nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, triển khai phương án sản xuất, do dịch nên doanh thu, việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sụt giảm. Tuy nhiên, rất đáng mừng là sau khi tỉnh ban hành các cơ chế mới trong phục hồi sản xuất kinh doanh, đến ngày 24-9, hầu hết các doanh nghiệp đã triển khai sản xuất trở lại. Chúng tôi sẽ theo sát tình hình để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Khánh nói.
 
Để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 22-9-2021, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp và một số sở, ngành, địa phương liên quan về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 
 
Tại hội nghị quan trọng này, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; cùng chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; lắng nghe các ý kiến đóng góp, các ý tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội để cùng nhau xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty CP gỗ Quảng Phát
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty CP gỗ Quảng Phát.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đề nghị các sở ngành, địa phương cần tiếp thu tối đa các kiến nghị của doanh nghiệp để sớm đề xuất lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những “điểm  nghẽn” của các doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh để tìm ra những giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn.
 
Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, Quảng Bình đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể là, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về miễn, giảm phí, lệ phí, thuế, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
 
Tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ kịp thời và đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành tỉnh Quảng Bình, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
“Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình luôn lắng nghe, ghi nhận và thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn, thách thức; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết.
A.Tuấn
 
 
 
 

tin liên quan

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
(QBĐT) - Để thực hiện xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đồng Trạch (Bố Trạch) đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần cùng với địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,74% (8-2021).
 
Tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động
Tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động

(QBĐT) - Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). 

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Minh Hóa: Phòng, chống dịch tốt, giải ngân hiệu quả
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Minh Hóa: Phòng, chống dịch tốt, giải ngân hiệu quả

(QBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Minh Hóa đã chủ động thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định tại các điểm giao dịch xã.