Phục hồi sản xuất công nghiệp sau giãn cách xã hội

  • 07:09, 28/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn kịp thời của tỉnh cùng sự hướng dẫn của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các DN đang từng bước khắc phục khó khăn, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.
 
Từ cuối tháng 8-2021, khi Quảng Bình có nhiều ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, hầu hết các DN sản xuất công nghiệp tại các địa phương áp dụng Chỉ thị số 16 đã ngừng hoạt động (trừ ngành điện, nước...). Tại các địa bàn áp dụng theo Chỉ thị số 15, các DN sản xuất bình thường nhưng năng lực sản xuất và lao động giảm 50-70% so với trước, một số DN có quy mô nhỏ đã ngừng hoạt động.
 
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD), ứng phó với đại dịch, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2976/QĐ-UBND về việc quy định lưu thông, hoạt động SX, KD, phòng, chống thiên tai tại các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, Sở Công thương đã ban hành văn bản cung cấp thông tin hướng dẫn triển khai các nội dung theo Quyết định số 2976 cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm kịp thời bảo đảm ổn định SX, KD, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục việc gián đoạn chuỗi cung ứng.
 
Vào những ngày giữa tháng 9-2021, để duy trì đơn hàng đã ký kết, một số DN ở khu vực thực hiện Chỉ thị số 16, như: Công ty TNHH TM May Thăng Long, Xí nghiệp may Hà Quảng, Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Công ty CP Fococev Quảng Bình (Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh), Công ty TNHH và Đầu tư Long Giang Thịnh cũng thực hiện phương án "3 tại chỗ". Tính đến ngày 22-9, tại địa bàn áp dụng Chỉ thị số 16 đã có 9 DN hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ".
 
Tuy nhiên, việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" của các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn do chi phí quá lớn.
 
Ông Đặng Thăng Long, Giám đốc TNHH TM may Thăng Long cho biết: Lựa chọn phương án “3 tại chỗ” thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh là phương án tối ưu, giúp công ty không bị “đứt gãy” sản xuất, bảo đảm các đơn hàng đã ký; đồng thời giữ được việc làm, thu nhập cho người lao động. Người lao động cũng rất ủng hộ phương án này và chấp hành nghiêm những quy định đề ra, nhất là trong việc tuân thủ nguyên tắc phòng dịch. Tuy nhiên, chi phí để duy trì lưu trú cho người lao động khá lớn.
Từ ngày 24-9-2021, nhiều DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang phương án sản xuất mới theo Chỉ thị số 19.
Từ ngày 24-9-2021, nhiều DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang phương án sản xuất mới theo Chỉ thị số 19.
Ngoài chi phí tiền ăn, điện, nước và những khoản dành cho công tác phòng, chống dịch, như: Trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, test nhanh, xét nghiệm…, công ty còn phải chịu chi phí thuê xe đưa đón, thuê khách sạn cho công nhân nghỉ ngơi nên DN lỗ lớn, không thể kéo dài hoạt động.
 
Theo Quyết định 3046/QĐ-UBND, ngày 22-9-2021 của UBND tỉnh về việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 3054/QĐ-UBND ngày 23-9-2021 quy định việc lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, DN; phòng chống thiên tai trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, từ ngày 24-9-2021, các Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới…sẽ chuyển từ vùng áp dụng Chỉ thị số 16 sang Chỉ thị số 19.
 
Như vậy, các DN trong khu vực này chỉ cần thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG, ngày 27-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; thực hiện cam kết và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch theo quy định; trước khi đi vào sản xuất người lao động của DN không cần phải xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm định kỳ theo quy định.
 
Đây là giải pháp tích cực giúp các DN tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để vừa nâng cao hiệu quả chống dịch vừa phục sản xuất, các DN cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế
 
Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, sở đã thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, phối hợp các ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng và SX, KD. Trong đó, đặc biệt quan tâm gỡ khó cho các DN trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và đề xuất phương án sản xuất bảo đảm an toàn trong điều kiện có dịch; triển khai các văn bản của Bộ Công thương, UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan về bảo đảm sản xuất an toàn phòng chống Covid-19 tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo việc thành lập hội đồng đánh giá để thực hiện việc cho phép các DN được tổ chức sản xuất tại chỗ bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh…
 
"Sở Công thương sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, tăng cường đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; hướng dẫn DN xây dựng phương án sản xuất phù hợp, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm duy trì ổn định SX, KD. Đồng thời, sở đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho người lao động đang làm việc trong các DN sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các DN, các tổ chức, hộ kinh doanh để khuyến khích phát triển sản xuất", ông Đào Anh Tuấn cho biết.
Thanh Hoa
 
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Minh Hóa: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới
Minh Hóa: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới

(QBĐT) - Sau hơn 3 tháng khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, sáng 28-9-2021, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành quyết định công bố 1 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Hóa Thanh.

Quảng Thạch mất mùa tiêu
Quảng Thạch mất mùa tiêu

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, nhiều diện tích tiêu của xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã bị nhiễm các loại bệnh, giảm năng suất nặng nề. Đặc biệt vụ tiêu năm 2021, bà con nông dân đã mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc cho các diện tích tiêu, nhưng thành quả mang lại không được như mong đợi khi cây tiêu bị mất mùa trầm trọng.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Trạch bị đình trệ. Để kịp thời giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, huyện Quảng Trạch đã kịp thời ban hành kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Đến nay, một số doanh nghiệp đã nhận được gói hỗ trợ, qua đó, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.