Kiểm soát dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh
08:09, 19/09/2021
(QBĐT) - Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, ngày 15-9-2021 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2975/QĐ-UBND về việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Từ chủ trưởng của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Kiểm soát dịch vững chắc
Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhất là từ thời điểm ngày 24-8 khi ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở xã Hải Phú (Bố Trạch) đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Quảng Bình đã có những dấu hiệu tích cực, việc xác định địa bàn phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội đúng hướng, đúng địa bàn, đối tượng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra các điều kiện chuẩn bị cho sản xuất “3 tại chỗ” ở Xí nghiệp may Hà Quảng.
Đặc biệt, cả hệ thống chính trị đã cùng chung tay để kiểm soát dịch bệnh. Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã điều hành linh hoạt, phân bổ nguồn lực, nhân lực, xây dựng kế hoạch hàng ngày trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung và điều trị cho bệnh nhân. Công tác quản lý giãn cách, cách ly xã hội được thực hiện chặt chẽ, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu bảo đảm nhu cầu đời sống người dân.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây cho thấy vẫn rất phức tạp, có thể bùng phát trở lại nếu lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống khi tỉnh quyết định “chuyển trạng thái” mới.
Tính đến 6 giờ ngày 18-9-2021, Quảng Bình ghi nhận 1.465 ca bệnh Covid-19; trong đó có 508 ca đã được điều trị khỏi bệnh; đã có 109.806 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm cho các đối tượng; hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm RT- PCR đã được thực hiện mỗi ngày và các trường hợp F0 được bóc tách, F1, F2 được truy vết nhanh, đưa đi cách ly tập trung và tổ chức cách ly tại nhà để khoanh vùng, khống chế dịch.
Đáng chú ý, địa bàn TX. Ba Đồn, “vùng xanh” trong thời gian khá dài của tỉnh cũng đã ghi nhận các ca bệnh Covid-19 vào ngày 16-9-2021.
Để sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sắm vật dụng phục vụ nghỉ tại chỗ ở cho công nhân.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp của Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho rằng, hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất cao và nếu không kiểm soát tốt thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Vì vậy, công tác kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn phải bảo đảm vững chắc, đúng mục đích, yêu cầu, đúng phương pháp và hiệu quả.
“Diễn biến của dịch bệnh còn hết sức phức tạp, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, trung tâm chỉ huy các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác phòng, chống dịch của địa phương, đơn vị. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phát huy đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch"; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp lắp đặt thêm công trình vệ sinh phục vụ cho công nhân.
Từng bước phục hồi kinh tế
Ngày 15-9-2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2976/QĐ-UBND về việc quy định lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng, chống thiên tai tại các cơ sở sản xuất trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đây là quyết sách được tỉnh cân nhắc hết sức cẩn trọng và cũng là yêu cầu cấp thiết.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, tỉnh sẽ từng bước triển khai lộ trình phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể.
Trước mắt, từ ngày 16-9-2021 cho đến khi tỉnh khống chế được dịch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thống nhất, đồng bộ về tận xã, phường, thị trấn để tổ chức lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng, chống thiên tai tại các cơ sở sản xuất trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh như quyết định đã ban hành.
Từ đó, bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH S&D Quảng Bình thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Bám sát Quyết định số 2976/QĐ-UBND ngày 15-9-2021 của UBND tỉnh và quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Quản lý Khu kinh tế đã xây dựng và ban hành ngay hướng dẫn thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho DN trong các khu kinh tế, khu công nghiệp với các nội dung hết sức cụ thể về các điều kiện, quy trình các bước xây dựng phương án sản xuất, sử dụng lao động, quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
"Ban sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát các DN trong thực hiện quy định về phương án sản xuất “3 tại chỗ” được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Trước mắt, trong các khu kinh tế, khu công nghiệp đã có 1 DN sản xuất "3 tại chỗ", 4 DN đã được Sở Y tế phê duyệt phương án sản xuất, 1 DN sắp đi vào sản xuất và một số DN đang làm hồ sơ", ông Khánh nói.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, vừa tập trung ưu tiên toàn lực cho hoạt động phòng, chống dịch, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện kịp thời khi kiểm soát được dịch bệnh với phương châm “an toàn là trên hết”.
Nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại do gặp khó khăn trong thực hiện “3 tại chỗ”.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn cho biết, chiều ngày 18-9-2021, Sở đã ban hành văn bản cung cấp thông tin hướng dẫn triển khai các nội dung theo Quyết định số 2976/QĐ-UBND để hướng dẫn cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm kịp thời bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ở lĩnh vực giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Năm cho biết, các chính sách luồng xanh quốc gia, luồng xanh tỉnh, luồng xanh huyện đã được Sở triển khai áp dụng để bảo đảm cho hoạt động vận tải thông suốt, cung ứng kịp thời từ cấp tỉnh đến các khu vực dân cư.
Đối với hoạt động vận tải hành khách, Sở chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, tạm dừng hoạt động vận tải hành khách ở khu vực thực hiện Chỉ thị 16; cắt giảm tuyến, chuyến ở các khu vực thực hiện Chỉ thị 15, bảo đảm tối thiểu 1 chuyến/ngày để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Công ty CP gố Quảng Phát (Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) tồn đọng nguyên liệu do chưa thể sản xuất trở lại.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với việc tập trung ưu tiên toàn lực cho hoạt động phòng, chống để kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất, Quảng Bình đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đồng thời, tỉnh tích cực hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
“Tập trung ưu tiên toàn lực cho hoạt động phòng, chống dịch; nỗ lực cao nhất để kiểm soát được dịch trên toàn địa bàn trong thời gian sớm. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh các tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của DN, người dân, đến an ninh và trật tự xã hội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nói.
(QBĐT) - Chợ truyền thống được xem là một trong những kênh mua sắm quan trọng đối với đa số người dân. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 nếu như không thực hiện tốt các quy định phòng. chống dịch. Do đó, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ hiện nay là rất cần thiết nhằm hạn chế, lây lan dịch bệnh.
(QBĐT) - Trên thực tế, những cách làm hay để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch bệnh chính là khởi nguồn cho các giải pháp tìm đầu ra bền vững, tránh tình trạng phải "giải cứu" khi được mùa, mất giá hay thiên tai, dịch bệnh.
(QBĐT) - Ẩn sau màu xanh trùng điệp của những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây huyện Quảng Ninh là lặng thầm dấu chân của lực lượng giữ rừng. Nhiều người trong số họ đã lặng lẽ, cần mẫn cống hiến gần cả tuổi xuân cho đại ngàn vì niềm đam mê với rừng. Dẫu phía trước còn bao bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc sống đời thường, nhưng với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ màu xanh cho tương lai…