Giữ màu xanh của tương lai

  • 07:09, 18/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ẩn sau màu xanh trùng điệp của những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây huyện Quảng Ninh là lặng thầm dấu chân của lực lượng giữ rừng. Nhiều người trong số họ đã lặng lẽ, cần mẫn cống hiến gần cả tuổi xuân cho đại ngàn vì niềm đam mê với rừng. Dẫu phía trước còn bao bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc sống đời thường, nhưng với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ màu xanh cho tương lai…
 
Lặng thầm bước chân giữ rừng…
 
Con đường nhánh từ đường 10 rẽ vào Trạm bảo vệ rừng (BVR) Ong (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh) được xem là độc đạo. Đường chỉ dài hơn 2 cây số nhưng có nhiều “sóng trâu”, bùn non và đá tai mèo nên chúng tôi phải “đánh vật” mất hơn 15 phút mới đến được trạm.
 
Trạm BVR Ong nằm trên ranh giới giữa hai xã Trường Xuân (Quảng Ninh) và Ngân Thủy (Lệ Thủy). Hôm chúng tôi đến, thấy cơ sở vật chất của trạm khá kiên cố cùng vườn rau, chuồng trại tự tăng gia của anh em giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, xa ngái của núi rừng. 
 
Anh Phan Mậu Huân (SN 1980), Trạm trưởng trạm BVR Ong có thâm niên giữ rừng gần 20 năm. Gặp chúng tôi, anh niềm nở bảo rằng: “Nói thật với các anh, nghề giữ rừng rất vất vả, thiệt thòi, quanh năm suốt tháng “ăn cơm ở rừng, ngủ rừng”. Thi thoảng, mới được đơn vị tạo điều kiện giải quyết thời gian nghỉ cho về thăm nhà một lần, nhưng đã trót đam mê và dấn thân vào nghề rồi, cũng phải làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao…”
Để có màu xanh trùng điệp giữa đại ngàn, không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của những người giữ rừng.
Để có màu xanh trùng điệp giữa đại ngàn, không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của những người giữ rừng.
Trạm BVR này có 7 người, chủ yếu là thanh niên trẻ, con em ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Trạm được giao quản lý gần 6.000ha rừng phòng hộ, rừng trồng, rừng sản xuất trên địa bàn xã Trường Xuân và một phần xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
 
Do lực lượng ít, diện tích rừng được giao bảo vệ, chăm sóc lớn nên công việc hàng ngày rất vất vả. Hơn nữa, trạm lại nằm biệt lập giữa rừng nên càng khó khăn hơn về lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của anh em trong trạm…
 
Trên chiếc xe máy đã “xập xệ” vì những tháng ngày “chinh chiến” trong rừng, chúng tôi theo anh Huân đi vào bản Cây Sung (xã Ngân Thủy) nơi đặt một chốt BVR của trạm. Đi chừng hơn 5 cây số trên con đường quanh co, uốn lượn quanh chân núi, sau khi vượt suối Khe Sung, chúng tôi cũng có mặt tại chốt.
 
Chốt Khe Sung có 3 nhân viên BVR, do anh Phùng Cương Quyết (SN 1983) làm chốt trưởng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Quyết tâm sự, mấy năm trước, vùng giáp ranh này là địa bàn “trọng yếu” về tình trạng khai thác rừng trái phép rừng do cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào rừng.
 
“Để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng người dân xâm hại rừng, Trạm BVR Ong đã nhờ một chòi rẫy của người dân bản địa để làm “đại bản doanh” cắm chốt giữ rừng. Cuộc sống hàng ngày của anh em ở chốt rất khó khăn, nhất là nước phục vụ sinh hoạt, lương thực, thực phẩm hàng ngày. Đặc biệt, mỗi khi mưa lớn, chốt bị chia cắt hoàn toàn bởi suối Khe Sung nên càng vất vả, khó khăn hơn…”, anh Quyết cho biết.
 
Rời chốt Khe Sung, chúng tôi ra đường 10, hướng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh) làm điểm đến. Lê Anh Tuấn (SN 1983), Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trường Sơn là người Đồng Hới, mới được luân chuyển, điều động từ Trạm Kiểm lâm Trường Xuân lên đây được vài tháng.
Lực lượng bảo vệ rừng trạm Ong tuần tra rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng trạm Ong tuần tra rừng.
Anh Tuấn đã tốt nghiệp thạc sỹ ngành Lâm học và gắn bó với rừng được hơn mười năm. Bàn chân của anh cũng đã từng tứa máu, in dấu trên hầu hết diện tích rừng được giao quản lý. Nhiều đêm khuya đang ngủ, mưa gió ràn rạt nhưng nghe tin cơ sở báo về, lại xách ba lô lăn lội vào rừng truy quét, đẩy đuổi “lâm tặc”.
 
“Nghề nào cũng có khó khăn, thách thức, lên đây, mình xa gia đình, cuộc sống thiếu thốn, vất vả, áp lực công việc lớn hơn những nơi khác, nhưng được sống, cống hiến với niềm đam mê giữ rừng, âu cũng là cái duyên…”, Anh Tuấn chia sẻ.  
 
Nỗi niềm giữa đại ngàn…
 
Trong câu chuyện với những người giữ rừng giữa đại ngàn Trường Sơn, họ không kể nhiều về những khó khăn, vất vả đã trải qua, nhưng chúng tôi biết rằng, màu xanh bạt ngàn luôn hiện diện nơi đây là thành quả của sự nỗ lực, vượt khó.
 
Trạm trưởng Phan Mậu Huân cho hay: “Mỗi lần anh em trong trạm tuần tra BVR là mất mấy ngày trời. Các cao điểm, như: 404A, 404B giáp với xã Trường Sơn mới nghe là thấy ái ngại vì phải đi bộ cả ngày trời đường rừng. Với lực lượng BVR như chúng tôi, nằm sương, ăn rau rừng, uống nước suối đã trở nên quen thuộc, dù thời tiết nắng mưa, ngày nghỉ lễ, tết chúng tôi vẫn cần mẫn bám rừng, giữ rừng…”
Cuộc sống hàng ngày ở chốt bảo vệ rừng Khe Sung còn nhiều khó khăn.
Cuộc sống hàng ngày ở chốt bảo vệ rừng Khe Sung còn nhiều khó khăn.
Anh Huân cho biết thêm, vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng chế độ đãi ngộ cho lực lượng BVR chưa tương xứng, như: Lương thấp, phụ cấp lại không có, trang thiết bị bảo hộ không bảo đảm; các ngày nghỉ, lễ, tết, anh em đều phải bám rừng. Hơn nữa, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, anh em cũng tự bỏ kinh phí để đi học với mong muốn hưởng được chế độ tốt hơn hiện tại nhưng cũng đành chờ giải quyết…
 
Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trường Sơn Lê Anh Tuấn chia sẻ, mấy năm qua, tình trạng người dân xâm hại đến rừng vẫn diễn biến rất phức tạp. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, BVR, đơn vị đã tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ; đồng thời, tham mưu chỉ đạo việc xây dựng quy ước BVR có nội dung phù hợp với thực tế ở từng thôn, bản.
 
Ông Dương Công Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết: “Đơn vị được giao quản lý gần 53.000ha rừng phòng hộ, rừng trồng, rừng sản xuất trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Đơn vị đã thành lập 7 trạm BVR và 2 tổ cơ động nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát, đẩy đuổi những đối tượng xâm hại đến rừng. Ngoài biên chế được giao tại mỗi trạm, đơn vị còn hợp đồng thêm 20 nhân viên BVR. Hiện, đời sống của lực lượng BVR ở đơn vị rất khó khăn, nhiều chế độ đãi ngộ chưa bảo đảm; trang thiết bị, hỗ trợ, bảo hộ lao động phục vụ cho công việc chưa đầy đủ nên rất cần được các cấp, ngành quan tâm thêm…”.
Ngọc Hải
 
 

tin liên quan

Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Sinh ra, lớn lên từ một làng quê nghèo ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), anh Phan Thanh Sơn, sinh năm 1980 đã quyết tâm biến những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Quảng Trạch: Phát huy thế mạnh kinh tế hợp tác xã
Quảng Trạch: Phát huy thế mạnh kinh tế hợp tác xã

(QBĐT) - Xác định mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, huyện Quảng Trạch đã có những chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh thành lập các mô hình HTX. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế HTX ở các lĩnh vực, như: Dịch vụ nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp.... ra đời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Đồng hành cùng người nghèo vượt qua đại dịch Covid-19
Đồng hành cùng người nghèo vượt qua đại dịch Covid-19

(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khó khăn. Trước tình hình đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) TX. Ba Đồn đã tích cực đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.