Giảm nghèo bền vững từ các mô hình kinh tế hiệu quả

  • 09:09, 30/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm trở lại đây, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đã biết phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong những chính sách được xã Phúc Trạch chú trọng là khuyến khích người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
 
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Mạnh Hà ở thôn 3 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) là một trong những điển hình về phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở địa phương. Năm 2018, anh Hà đầu tư xây dựng mô hình kinh tế với nguồn vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch.
 
Đến nay, hơn 1ha cây cao su, gần 100 con lợn thịt và 30 con lợn rừng đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể. Chỉ tính riêng trong chăn nuôi lợn, trung bình, mỗi năm, gia đình anh thu lãi gần 450 triệu đồng.
 
Từ chỗ không có công ăn việc làm ổn định, thuộc hộ nghèo của địa phương, nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đến cuối năm 2019 gia đình anh Nguyễn Mạnh Hà đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá của xã.
 
Nuôi ong lấy mật cũng là hướng đi mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế ở xã Phúc Trạch, trong đó phải kể đến mô hình của ông Phạm Khai ở thôn Chày Lập. Ông triển khai nuôi ong từ tháng 2-2019. Nhờ biết cách chăm sóc, đàn ong phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông Khai thu được khoảng 110 lít mật ong, mang lại doanh thu trên 40 triệu đồng/năm.
 
Đến nay, ông Khai không những trả hết số tiền vay mượn đầu tư mô hình mà còn tạo được nguồn thu ổn định cho gia đình. Ông Khai cho biết: “Nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao nên trong tương lai, tôi sẽ cố gắng phát triển, nhân rộng mô hình."
Mô hình nuôi ong lấy mật được nhiều trên địa bàn xã Phúc Trạch đầu tư nhân rộng.
Mô hình nuôi ong lấy mật được nhiều trên địa bàn xã Phúc Trạch đầu tư nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HTX nuôi ong lấy mật xã Phúc Trạch: Địa phương có nhiều rừng tự nhiên, nên nguồn hoa lấy mật rất dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Trạch có khoảng 20 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi ong. Trước đây, phần lớn các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai mô hình này, đa số các hộ đã thoát nghèo, tự vươn lên ổn định kinh tế gia đình.
 
Ngoài các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình, UBND xã Phúc Trạch cũng đã chỉ đạo trồng mới nhiều ha rừng để phát huy tiềm năng, lợi thế đất gò đồi; phát triển mô hình kinh doanh về dịch vụ du lịch... nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều điểm du lịch trên địa bàn đã trở thành điểm đến được du khách lựa chọn trải nghiệm và lưu trú.
 
Xã Phúc Trạch hiện có trên 300 lao động đang làm việc tại các khu, điểm du lịch thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng...
 
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo, công tác giảm nghèo của Phúc Trạch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số hộ nghèo, cận nghèo của xã được giảm xuống qua các năm. Tính đến tháng 8-2021, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn 6,08%. Diện mạo của các làng quê đã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
 
Ông Lê Vinh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (Bố Trạch), cho biết: Mặc dù có nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng công tác giảm nghèo của xã chưa thực sự bền vững. Vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo, tạo nên sức ỳ lớn trong công cuộc giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm vẫn còn cao, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra...
 
Để công tác giảm nghèo được bền vững, hiện tại, Phúc Trạch đã xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đề án phát triển du lịch… và thời gian tới, sẽ kêu gọi các nhà đầu tư để triển khai thực hiện các mô hình du lịch. Bên cạnh đó, xã tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi để bà con phát triển sản xuất...
 
Hiền Phương
 
 
 
 

tin liên quan

Tín dụng chính sách "sát cánh" cùng người dân vượt qua đại dịch
Tín dụng chính sách "sát cánh" cùng người dân vượt qua đại dịch

(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình
Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1630/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Đề xuất miễn phí đăng kiểm, giảm phí đường bộ đến cuối năm
Đề xuất miễn phí đăng kiểm, giảm phí đường bộ đến cuối năm

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.