Chuyện quản lý: Để không còn những chuyến xe "giải cứu" nông sản

  • 11:09, 18/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên thực tế, những cách làm hay để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch bệnh chính là khởi nguồn cho các giải pháp tìm đầu ra bền vững, tránh tình trạng phải “giải cứu” khi được mùa, mất giá hay thiên tai, dịch bệnh.
 
1. Bưởi Phúc Trạch ở huyện Tuyên Hóa vào vụ thu hoạch khi dịch Covid-19 bùng  phát, khiến khâu tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Đồng hành cùng nông sản địa phương, Bưu điện Tuyên Hóa vừa triển khai hỗ trợ bán bưởi trên hệ thống bưu điện toàn tỉnh và tại điểm bán của Bưu điện Tuyên Hóa. Tính riêng ngày đầu tiên mở bán tại điểm Bưu điện Tuyên Hóa, 300 quả bưởi đã được tiêu thụ hết.
 
Đặc biệt, trong suốt quá trình quả bưởi đến tay người tiêu dùng, các thông tin về sản phẩm được minh bạch, rõ ràng thông qua kênh mạng xã hội, từ công khai chứng nhận VietGAP cho đến khâu thu hoạch, vận chuyển, giới thiệu sản phẩm thực tế… Thậm chí, một số đoạn livestream quảng bá sản phẩm cũng được thực hiện ngay tại hiện trường. Do vậy, khách hàng yên tâm với kênh tiêu thụ này. Đáng chú ý, không chỉ tiêu thụ tại Tuyên Hóa, thông qua kênh phân phối của Bưu điện tỉnh, quả bưởi sẽ đi khắp các địa phương trong tỉnh, nhất là khi Tết Trung thu đang kề cận.
 
2. Mùa thu hoạch thủy sản đến trong bối cảnh dịch bệnh và mưa bão khiến bà con nông dân nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh lo lắng không yên. Do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên thương lái không thể đến thu mua thủy sản tận nơi; trong khi đó, nếu để dồn ứ lâu, gặp thiên tai, bão lũ, nguy cơ mất trắng lượng lớn thủy sản đang hiện hữu từng ngày. Rõ ràng, đầu ra thủy sản nuôi trồng phụ thuộc nhiều vào thương lái sẽ khó tạo được tính bền vững lâu dài.
 
Nhưng, trên địa bàn tỉnh, liên kết chuỗi trong nuôi trồng thủy sản chưa được phát triển mạnh và nhân rộng khiến bà con nông dân thường ở “thế khó”. Đồng thời, thủy sản ở nhiều nơi cũng chưa đủ đạt các tiêu chuẩn để len lỏi vào hệ thống siêu thị hay các thị trường tiềm năng, vốn là kênh tiêu thụ được ưa chuộng khi dịch bệnh bùng phát. Còn việc tiếp cận thương mại điện tử lại không hề dễ dàng với những nông dân vốn quen với sản xuất. Thực tế này dẫn đến hệ quả những lời kêu gọi “giải cứu” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
 
3. Trên thực tế, những cách làm hay để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch bệnh chính là khởi nguồn cho các giải pháp tìm đầu ra bền vững, tránh tình trạng phải “giải cứu” khi được mùa, mất giá hay thiên tai, dịch bệnh. Về lâu về dài, thương mại điện tử chính là “cứu cánh” cho thị trường nông sản và các sản phẩm khác. Chính vì vậy, bên cạnh nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản, nỗ lực đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, các địa phương cần có giải pháp cân đối nhu cầu tại chỗ, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới bên cạnh thị trường truyền thống. Đồng thời, cần có sự kết nối với các ngành, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức chuyên sâu… để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
 
Quảng Hạ
 

tin liên quan

Giữ màu xanh của tương lai
Giữ màu xanh của tương lai

(QBĐT) - Ẩn sau màu xanh trùng điệp của những cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây huyện Quảng Ninh là lặng thầm dấu chân của lực lượng giữ rừng. Nhiều người trong số họ đã lặng lẽ, cần mẫn cống hiến gần cả tuổi xuân cho đại ngàn vì niềm đam mê với rừng. Dẫu phía trước còn bao bộn bề khó khăn, lo toan trong cuộc sống đời thường, nhưng với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ màu xanh cho tương lai…

Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Sinh ra, lớn lên từ một làng quê nghèo ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), anh Phan Thanh Sơn, sinh năm 1980 đã quyết tâm biến những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Quảng Trạch: Phát huy thế mạnh kinh tế hợp tác xã
Quảng Trạch: Phát huy thế mạnh kinh tế hợp tác xã

(QBĐT) - Xác định mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, huyện Quảng Trạch đã có những chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh thành lập các mô hình HTX. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế HTX ở các lĩnh vực, như: Dịch vụ nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp.... ra đời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế-xã hội.