Lệ Thủy: Tập trung gia cố các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ
08:08, 12/08/2021
(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã tập trung gia cố các công trình thủy lợi, nhất là các hồ đập chứa nước, góp phần vừa bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, vừa bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.
Trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 28 hồ chứa, đập dâng với tổng dung tích trên 143 triệu m3. Trong đó, 24 hồ chứa, đập dâng do cấp xã quản lý và 4 hồ do Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý. Đợt lũ lịch sử tháng 10-2020 đã làm thiệt hại nhiều công trình thủy lợi khiến sản xuất của huyện gặp nhiều khó khăn.
Đê đập Vũng Mồ, xã Thái Thủy đã được tu sửa hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Để phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã, tổ hợp tác tập trung khắc phục hậu quả, sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng do ảnh hưởng của mưa lũ. Đồng thời, huyện yêu cầu các địa phương huy động nguồn lực để khắc phục những công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, như: Hệ thống đê bao nội đồng của xã, cống thủy lợi, kênh mương...; rà soát, tổng hợp báo cáo UBND huyện đề xuất UBND tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục đối với những công trình vượt quá khả năng của địa phương... ”.
UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các xã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành những công trình trọng điểm được xây dựng từ năm 2020 để kịp thời phục vụ sản xuất, bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão tới. Bên cạnh đó, năm 2021, huyện cũng đã vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh để tu sửa 25 công trình thủy lợi với kinh phí trên 47 tỷ đồng.
Xã Thái Thủy có 5 công trình hồ đập do xã quản lý và 1 công trình do Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý. Do nhiều công trình được xây dựng từ lâu, lại chịu tác động của mưa lũ nên hư hỏng, xuống cấp, nhất là phần đê đập không còn khả năng tích nước, dễ vỡ trong điều kiện mưa lũ. Để bảo đảm an toàn cho các hồ đập, tỉnh, huyện và xã đã đầu tư các nguồn vốn để khắc phục.
Đến nay, đã có 3/6 hồ đập trên địa bàn đã và đang được nâng cấp, sửa chữa với tổng nguồn vốn trên 37 tỷ đồng. Trong đó, đập Thanh Sơn, Vũng Mồ có vốn đầu tư 36 tỷ đồng từ nguồn vốn WB8 (nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới) và đập Khe Thăng có nguồn vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng do xã làm chủ đầu tư.
Hạng mục được gia cố chủ yếu là đê đập khi hầu hết các công trình được làm lại bằng đá hộc ở phần thượng lưu, trồng cỏ và làm thêm hệ thống thoát nước phần hạ lưu; mặt đê cũng được nâng cao, đổ bê tông chắc chắn để tích nước và tiện đi lại.
Đê đập Khe Thăng đang trong quá trình thi công.
Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Hiện đập Vũng Mồ đã hoàn thành gia cố, sửa chữa và bàn giao lại cho xã quản lý, còn đập Thanh Sơn cơ bản đã hoàn thiện. Riêng đập Khe Thăng đang trong quá trình tu sửa và dự kiến hoàn thành trước tháng 10-2021. Việc nâng cấp tu sửa lại các hồ đập trên địa bàn không chỉ giúp hàng trăm ha lúa, hoa màu, của bà con được sản xuất từ 1 vụ thành 2 vụ mà còn bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa lũ; bảo đảm nguồn nước cho người dân nuôi thủy sản, sinh hoạt. Riêng các hồ đập còn lại cũng đã được tỉnh, huyện khảo sát và lên kế hoạch đầu tư, tu sửa trong thời gian tới”.
Hồ chứa nước Đập Làng có nhiệm vụ cấp nước cho 110ha đất trồng lúa và 20ha nuôi trồng thủy sản của xã Mỹ Thủy, giảm nhẹ lũ cho hạ du, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực.
Được xây dựng từ năm 1985, nên đập hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng, nước rò rỉ qua đê nhiều khiến vụ hè-thu chỉ đáp ứng nguồn nước sản xuất khoảng 60%. Mùa mưa lũ đến, đập như một “quả bom nước” đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du.
Công trình hồ chứa nước Đập Làng ở xã Mỹ Thủy được tu bổ với số vốn trên 30 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, huyện Lệ Thủy đã đề xuất tỉnh huy động nguồn vốn WB8 trên 30 tỷ đồng để tu sửa lại. Công trình được khởi công từ năm 2020 do Ban quản lý đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình làm chủ đầu tư.
Hiện thân đập chính có chiều dài trên 600m, chiều rộng đỉnh đập 5m. Mái thượng lưu được lát bằng đá hộc, mái hạ lưu được trồng cỏ, có rãnh thoát nước. Tràn xả lũ xây mới bằng bê tông cốt thép, cao trên 8,5m. Ngoài ra, công trình còn có hệ thống đê phụ, đường quản lý vận hành…
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho hay: “Trước đây, đến mùa mưa lũ, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã rất lo ngại về độ an toàn của hồ chứa nước Đập Làng. Còn mùa hè thì sản xuất nông nghiệp thiếu nước nên phải huy động máy bơm phục vụ rất tốn kém. Nhưng giờ hồ Đập Làng được tu sửa, khắc phục nên chúng tôi rất yên tâm khi mùa mưa lũ về, bà con cũng phấn khởi để sản xuất lúa 2 vụ và nuôi cá được cả năm”.
Hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy còn 8 hồ chứa, đập dâng bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm cho việc tưới, tiêu; thiếu an toàn trong mưa bão. Để nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, đập dâng cần nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên, ngân sách của huyện gặp nhiều khó khăn. Để kịp thời khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân trước mùa mưa bão cũng như nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, UBND huyện Lệ Thủy đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình. Tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa hồ đập ước tính 72 tỷ đồng.
(QBĐT) - Hiện một số tỉnh, thành trên toàn quốc đã xảy ra dịch cúm gia cầm (CGC), đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch cúm A/H5N8. Ðể chủ động phòng, chống dịch CGC, không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
(QBĐT) - Để bảo đảm an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, kè sông, kè biển trước mùa mưa lũ năm 2021, huyện Bố Trạch đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành xây dựng công trình; đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh...