Hóa đơn điện tử thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
08:08, 18/08/2021
(QBĐT) - Một doanh nghiệp được thực sự coi là chuyển đổi số (CĐS) khi tiến hành số hóa, tự động hóa tất cả các quy trình làm việc để thay thế phương thức làm việc thủ công, kém hiệu quả trước đây. Với ưu thế tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà…, hóa đơn điện tử (HĐĐT) là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thúc đẩy quá trình CĐS hiện nay.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc triển khai CĐS, những năm gần đây, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, thúc đẩy phát triển CNTT nhằm cải cách quy trình hoạt động, thay đổi phương thức làm việc truyền thống bằng phương thức điện tử.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, ngày 12-9-2018 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đây được xem là bước đi quan trọng thể hiện quyết tâm hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử, thực hiện HĐĐT trên phạm vi toàn quốc.
Cán bộ PC Quảng Bình hướng dẫn khách hàng kiểm tra HĐĐT.
Tại tỉnh Quảng Bình, HĐĐT đã được quan tâm triển khai thực hiện từ năm 2011 (khi Thông tư số 32/2011/TT-BTC, ngày 14-3-2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành).
Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và mới đây nhất là Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19-10-2020 quy định về hóa đơn, chứng từ (trong đó, quy định đến ngày 1-7-2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức phải hoàn thành sử dụng HĐĐT), Cục Thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ cập HĐĐT trên diện rộng.
Nhờ đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã được tiếp cận và ứng dụng HĐĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
HĐĐT cung cấp đầy đủ các thông tin như hóa đơn giấy, được gửi qua các phương tiện điện tử đến khách hàng giúp tiết kiệm thời gian,chi phí… (ảnh chụp HĐĐT tiền điện của một khách hàng PC Quảng Bình).
Sau một thời gian được đưa vào sử dụng, HĐĐT đã và đang khẳng định ưu thế vượt trội so với hóa đơn giấy. Ông Nguyễn Đăng Thành, cán bộ Phòng Tuyên truyền-Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết, việc sử dụng HĐĐT có nhiều ưu điểm, như: Rút ngắn thời gian lập, gửi hóa đơn, tránh các rủi ro trong việc mất, cháy, hỏng hóa đơn; giảm chi phí giấy in, vận chuyển, không gian lưu trữ hóa đơn; tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ…
Việc sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, cơ quan thuế và các cơ quan khác của Nhà nước không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn. Với độ an toàn, chính xác cao của HĐĐT, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích kịp thời được các cơ quan quản lý Nhà nước ngăn chặn.
Hiện nay, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua hàng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển, với việc sử dụng HĐĐT, các quá trình từ chọn mua hàng, thanh toán, lập và gửi hóa đơn sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường Internet. Đây chính là sự “góp sức” của HĐĐT trong việc thúc đẩy quá trình CĐS tại các doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) là đơn vị thực hiện CĐS sử dụng HĐĐT từ ngày 1-4-2014. Tính đến tháng 7-2021, PC Quảng Bình thực hiện cung cấp dịch vụ điện cho 280.130 khách hàng, tương đương 280.130 hóa đơn mỗi tháng. HĐĐT đã giúp ngành Điện lực mang lại một quy trình chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Từ khi sử dụng HĐĐT, người dân không cần bảo quản, lưu trữ hóa đơn, tránh trường hợp làm mất mát hóa đơn; có thể truy cập, tham chiếu, tải hóa đơn thông qua tin nhắn điện thoại, Zalo, email… khi cần thiết, tiết kiệm được thời gian. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, sử dụng HĐĐT còn hỗ trợ công tác quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện, như: Tra cứu hóa đơn, thanh toán tiền, kê khai thuế…
HĐĐT góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trong quá trình CĐS.
Ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc PC Quảng Bình cho biết: “Hiện nay, PC Quảng Bình đã và đang xây dựng kế hoạch CĐS với mục tiêu hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng, người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ CNTT để điện tử hóa các quy trình trong nội bộ và các giao dịch với khách hàng. HĐĐT tiền điện được xem là “mắt xích” không thể thiếu trong việc CĐS của ngành điện. Quá trình thanh toán nhanh hơn do việc lập, gửi/nhận hoá đơn được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Từ đó, giúp đơn vị nâng cao được chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời hạn chế và ngăn ngừa tình trạng giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của đơn vị…Có thể nói việc áp dụng HĐĐT trong hoạt động mua bán điện là một bước ngoặt lớn trong ứng dụng thương mại điện tử tại PC Quảng Bình”.
Cũng như PC Quảng Bình, HĐĐT đã và đang góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Viễn thông Quảng Bình, Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi nhánh Công ty cổ phần (CP) Thế giới di động, Chi nhánh Quảng Bình-Công ty CP Vinpearl…
Mặc dù mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, việc sử dụng HĐĐT vẫn còn gặp một số vướng mắc, như: Việc sử dụng HĐĐT đòi hỏi chất lượng đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm đáp ứng được yêu cầu ứng dụng; tâm lý ngại thay đổi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ hóa đơn giấy sang HĐĐT; những quy định về quản lý, sử dụng HĐĐT còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp, dẫn đến việc người nộp thuế lúng túng trong quá trình sử dụng, không biết xử lý trong từng trường hợp cụ thể thì áp dụng theo nghị định nào…
Để lộ trình thực hiện HĐĐT sớm được phổ biến rộng rãi trên toàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh về những lợi ích trong sử dụng HĐĐT. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn, các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh rà soát, phân loại những doanh nghiệp chưa sử dụng HĐĐT để có giải pháp triển khai phù hợp…
Tính đến ngày 11-8-2021, toàn tỉnh đã có 2.251 tổ chức, doanh nghiệp thông báo phát hành HĐĐT. Trong đó, có 29 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng HĐĐT với số lượng lớn (PC Quảng Bình, Công ty CP cấp nước Quảng Bình, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Viettel Quảng Bình…).
(QBĐT) - Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch, hiện nay, huyện đã hoàn thành tiêm 13.525 liều vắc-xin viêm da nổi cục (VDNC) cho đàn trâu, bò ở các địa phương.
(QBĐT) - Để kiểm soát tốt sản lượng điện bất thường cho khách hàng và xử lý kịp thời trước khi phát hành hóa đơn, Điện lực Quảng Ninh (ĐLQN) đã áp dụng chương trình kiểm soát sản lượng điện bất thường của Tổng Công ty Điện lực miền Trung bắt đầu từ tháng 6-2021 và đã mang lại hiệu quả tốt.
(QBĐT) - Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH-CN liên kết "Trồng thử nghiệm giống tràm 5 gân chiết xuất tinh dầu" do Công ty TNHH MTV nông nghiệp hữu cơ Lộc Việt chủ trì thực hiện tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.