Những ngôi nhà mơ ước

  • 06:07, 19/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới tại các khu tái định cư (KTĐC) ở xã Thuận Hóa và Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa), giờ đây, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất trong mùa mưa lũ cuối năm 2020 sẽ khôngcòn nơm nớp nỗi lo trước thiên tai khắc nghiệt. Và họ gọi đó là những ngôi nhà mơ ước!
 
Được cấp đất và hỗ trợ tiền làm nhà
 
Chỉ hơn nửa tháng nữa, ngôi nhà của bà Trần Thị Hạnh ở KTĐC thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa sẽ được hoàn thành. Bà Hạnh bảo: “Phải sớm hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay để vào nhà mới, chứ căn nhà cũ ở điểm sạt lở không thể ở được”.
 
Đợt mưa lũ hồi cuối năm 2020, nhà bà Hạnh là 1 trong số 15 hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở. Đất đá của cả quả núi phía sau nhà đã chảy xuống, sém chút nữa vùi ngôi nhà của bà trong bùn đất. Bà đang tính không biết sẽ sống ở đâu trong khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Ngôi nhà của bà Trần Thị Hạnh ở KTĐC thôn Thuận Tiến (xã Thuận Hóa) sắp hoàn thành.
Ngôi nhà của bà Trần Thị Hạnh ở KTĐC thôn Thuận Tiến (xã Thuận Hóa) sắp hoàn thành.
Gia đình bà cũng không đủ điều kiện để dời đến nơi khác cho an toàn. Nhà chỉ có 2 ông bà già yếu. Bà năm nay đã 65 tuổi, chồng bà cũng đã hơn 80 tuổi và không còn minh mẫn. 5 người con của bà đều đã có gia đình riêng, nhưng cuộc sống cũng không phải dư dả gì.
 
Đang lực bất tòng tâm, may sao, Nhà nước có chương trình tái định cư, di dời những hộ dân như bà đến nơi ở mới. Không những được cấp đất, bà còn được hỗ trợ tiền xây nhà.
 
Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các cho biết, đợt mưa lũ hồi cuối năm 2020, xã Thuận Hóa có 15 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Hầu hết các hộ dân này đều là những hộ dân khó khăn. Hiện tại, 15 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đã được hỗ trợ về làm nhà ở tại KTĐC. Mỗi hộ dân được cấp 275m2 đất và được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là 164 triệu đồng để làm nhà ở.   
 
Cuộc tái định cư lần thứ 2 trong lịch sử
 
Nói như vậy là bởi người dân Đạm Thủy 1 và Đạm Thủy 2 (xã Thạch Hóa) chủ yếu là cư dân vạn đò sống ở sông nước. Cuộc sống mưu sinh của họ chủ yếu dựa vào việc đánh bắt, nuôi cá lồng trên sông Gianh.
 
Trước đây, chiếc thuyền vừa là phương tiện mưu sinh vừa là nơi để sinh sống. Năm 1995, bà con được chính quyền địa phương vận động đưa lên bờ, cấp đất, làm nhà ở thôn Đạm Thủy 1, Đạm Thủy 2. Từ đó, họ mới thực sự “an cư lạc nghiệp”.
 
Đó chính là lần định cư thứ nhất của cư dân vùng sông nước này. Thế nhưng, những trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 đã gây ra nạn sạt lở núi. Cả triền núi dốc cao phía sau lưng nhà của mấy chục hộ dân Đạm Thủy 1, Đạm Thủy 2 trượt xuống. Có nhà đã bị vùi lấp, như nhà của hộ Hoàng Thị Hà, Mai Văn Hồng và đe dọa đến sự an toàn của nhiều nhà khác.  
 
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Phạm Ngọc Thanh cho biết, sau khi biết tin, xã ngay lập tức huy động lực lượng đến tuyên truyền bà con di dời khẩn cấp. Sau đó, xã Thạch Hóa đã tổ chức dựng 1 ngôi nhà tạm với 7 gian phòng bố trí cho 7 hộ bị sạt lở chưa có nơi ở để sử dụng tạm. Số hộ còn lại đến ở ghép tại các hộ dân khác trên địa bàn để bảo đảm an toàn về tính mạng. Với tình hình thực tế nói trên, chắc chắn về lâu dài bà con không thể định cư ở đây.
 
Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của cấp trên, địa phương đã xây dựng phương án di dời bố trí tái định cư cho các hộ thuộc diện sạt lở trên địa bàn xã.
 
Tuy nhiên, trong hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp xã và hồ sơ quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Thạch Hóa đến năm 2020 đã được phê duyệt, vị trí KTĐC này chưa được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã giai đoạn 2010-2020.
Nhiều hộ gia đình ở KTĐC thôn Đạm Thủy 1 (xã Thạch Hóa) đổ mái bằng và lợp mái tôn để có chỗ cư trú tránh lũ, mỗi khi bị ngập.
Nhiều hộ gia đình ở KTĐC thôn Đạm Thủy 1 (xã Thạch Hóa) đổ mái bằng và lợp mái tôn để có chỗ cư trú tránh lũ, mỗi khi bị ngập.
Để triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định sẽ mất quá nhiều thời gian, trong khi việc giao đất tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân là cấp bách phải thực hiện ngay.
 
Sau gần 5 tháng, xã Thạch Hóa đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết, phân lô đất ở để bố trí tái định cư cho 20 hộ cần di dời khẩn cấp (180m2/hộ).
 
Tại KTĐC thôn Đạm Thủy 1, xã Thạch Hóa, ngôi nhà ống, sàn đổ bằng bê tông của ông Mai Văn Hận đang hoàn thiện nốt giai đoạn cuối.
 
Ông Hận vui mừng cho biết, ngôi nhà mới này lớn gấp đôi ngôi nhà cấp 4 cũ của ông trước đó. Mặc dù để có được ngôi nhà cấp 4 cũ ấy, gia đình ông phải chắt chiu, tiết kiệm suốt hơn mười mấy năm trời. Ở KTĐC này, đến mùa mưa lũ vẫn bị ngập, nên nhà của ông và nhiều hộ gia đình khác đều đổ mái bằng và có mái lợp tôn để có chỗ cư trú tránh lũ.
 
“Nếu không có Nhà nước và các đơn vị hỗ trợ (số tiền gần 180 triệu đồng), gia đình tôi khó có thể làm được ngôi nhà như thế này. Trước mắt, gia đình làm phần mái và cửa là có thể vào ở. Phần còn thiếu, sau này sẽ hoàn thiện dần. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là mùa lũ này sẽ không phải nơm nớp lo sợ, hoặc đội mưa, lội nước lũ di tản như năm trước nữa”, ông Hận vui vẻ chia sẻ.   
 
Bà Trần Thị Hạnh ở thôn Thuận Tiến (xã Thuận Hóa) phấn khởi chia sẻ: "Từ ngày ngôi nhà mới khởi công ở KTĐC đến nay, không ngày nào tôi không có mặt ở đây để xem ngôi nhà mơ ước của mình dần thành hình hài. Ngôi nhà cũ của tôi chật hẹp lắm, không rộng rãi, tươm tất như thế này. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ, rồi đây tuổi già lại được ở trong ngôi nhà mới, mọi thứ trong nhà cái gì cũng mới. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn những hộ dân như tôi sẽ khó mua được đất và xây được nhà ở khu vực an toàn".
 
Dương Công Hợp
 
 
 

tin liên quan

Ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ấn tượng An Mã
Ấn tượng An Mã

(QBĐT) - Theo tiếng gọi của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Lệ Thủy, 20 năm trước, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã lên vùng An Mã, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN). 

Quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học: Nỗ lực vì tương lai...
Quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học: Nỗ lực vì tương lai...

(QBĐT) - Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) tương đối cao. Vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý và bảo tồn, tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa sự ĐDSH được thiên nhiên ban tặng.