(QBĐT) - Bố Trạch hiện là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt tiêu chuẩn. Trong số 33 sản phẩm trên toàn tỉnh được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, huyện Bố Trạch có 12 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao.
Với tiềm năng dồi dào, sự vào cuộc tích cực của huyện và sự phối hợp của người dân, Bố Trạch tiếp tục có nhiều triển vọng trong xây dựng thành công các sản phẩm OCOP mới.
Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn huyện Bố Trạch có 19 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 18 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Huyện Bố Trạch đã tiến hành giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các ngày hội lớn của huyện, tỉnh. Các sản phẩm đều được người dân địa phương và vùng lân cận tin dùng, đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, xác định đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện luôn chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã tiếp tục lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia Chương trình OCOP.
Theo kế hoạch năm 2021, Bố Trạch phấn đấu sẽ có thêm 7-10 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Bố Trạch có 19 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên, được giới thiệu, quảng bá tại các ngày hội lớn của huyện, tỉnh.
Sau khi tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền và hội nghị xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021 trên địa bàn, toàn huyện Bố Trạch có 15 phiếu đăng ký sản phẩm và phương án sản xuất kinh doanh của các chủ thể tham gia thực hiện.
Trong đó, có các sản phẩm nhiều triển vọng, như: trà kim tiền thảo (Lý Trạch), nước mắm Nhân Nam (Nhân Trạch), nước mắm Sông Gianh (Thanh Trạch), mật ong Tân Hội (Liên Trạch), nem chả Hà Thắng (Hải Phú), chả cá trắm sông Son (thị trấn Phong Nha), măng khô (HTX Cà Roòng, xã Thượng Trạch)…
Là địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, kinh tế-xã hội còn khó khăn, đời sống người dân còn bộn bề thiếu thốn, vậy nhưng xã Thượng Trạch vẫn tìm được “đặc sản” rất riêng và độc đáo, đó sản phẩm măng khô. Đây là món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng để làm quà biếu mỗi khi đến và trở về từ xã biên giới Thượng Trạch.
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Nguyễn Tấn Hưng, cho biết: “Nhận thấy bà con trên địa bàn chăm đi hái măng rừng và nguồn măng rất dồi dào sẵn có ở vùng biên Tân Trạch, Thượng Trạch, nên xã đã định hướng để HTX Cà Roòng sản xuất măng khô; đồng thời, mạnh dạn đăng ký với huyện thực hiện sản phẩm OCOP. Xã sẽ đồng hành hỗ trợ HTX Cà Roòng hoàn thiện các quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, đóng gói để Thượng Trạch sớm đạt được “mỗi xã một sản phẩm” trong năm nay.”
Cá trắm sông Son sẽ sớm trở thành món quà đặc sản nơi miền di sản.
Đến thị trấn Phong Nha thăm Di sản thiên nhiên thế giới, nhiều du khách lưu luyến món ăn từ cá trắm nuôi lồng trên sông Son. Qua thời gian với những giai đoạn thuận lợi và cả khó khăn trong tiêu thụ sản lượng lớn cá nuôi lồng, HTX phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Xuân Sơn đã cho ra đời món chả cá trắm.
Chả cá là sự kết hợp của thịt cá và các loại gia vị, làm nên món ăn có hương vị mới đặc trưng, lại có thể bảo quản lâu để làm quà phục vụ thực khách ở xa…
Chia sẻ với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Phan Thanh Luận cho hay: "Trước đây, sản lượng cá trắm bà con nuôi lồng trên sông đủ để phục vụ nhu cầu của thực khách. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đến nay, bà con trên địa bàn rơi vào tình trạng khốn khó, nhất là với những hộ dân sống phụ thuộc vào dịch vụ du lịch và nông dân nuôi cá lồng. Cá trắm đủ tiêu chuẩn xuất bán nhưng không có người tiêu thụ nên người nuôi không biết phải xoay xở ra sao. Nếu thực hiện được sản phẩm OCOP chả cá trắm, thị trường xa, gần đón nhận, bước đầu sẽ tạo được đầu ra, giải quyết một phần khó khăn cho người dân nuôi cá. Vì vậy, thị trấn sẽ tiếp tục động viên, hỗ trợ trong suốt quá trình HTX phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Xuân Sơn thực hiện hoàn thiện sản phẩm".
“Để thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ tiếp tục bố trí, sử dụng nguồn kinh phí được Trung ương hỗ trợ một cách hợp lý. Bố Trạch cũng chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình và hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh, hoàn thiện các khâu để phát triển sản phẩm OCOP hoàn chỉnh. Trong đó, huyện sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn hỗ trợ các khâu, như: thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm… Đặc biệt, với nguồn lực đất đai, tiềm năng khá dồi dào, huyện hỗ trợ các địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, để các sản phẩm của quê hương trở thành những đặc sản có giá trị, không những cung cấp cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà vươn xa”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.
12 sản phẩm của huyện Bố Trạch đã được tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2020, gồm: tinh dầu sả Như Oanh (Nam Trạch); miến gạo sâm Bố Chính (Mỹ Trạch); hải sản Quảng Bình (Thanh Trạch); dầu lạc Phong Nha (Hưng Trạch); muối Kosal (Vạn Trạch); nước mắm chay Tuấn Linh, cao linh chi Tuấn Linh, trà cà gai leo linh chi Tuấn Linh, các loại nấm ăn Tuấn Linh, các sản phẩm chế biến từ nấm ăn Tuấn Linh, nấm linh chi Tuấn Linh, trà xanh linh chi Tuấn Linh (Sơn Lộc).
(QBĐT) - Nhằm bảo đảm hệ thống hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) luôn hoạt động ổn định, tin cậy, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số của ngành Điện, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình đã triển khai giải pháp giám sát thông minh phòng thiết bị CNTT bằng hệ sinh thái Aqara.
Ngày 1-7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6-2021 dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
(QBĐT) - Năm 2017, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa được dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ xây dựng mô hình trồng sim lấy quả trên diện tích gần 14ha đất gò đồi. Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững.