Kết nối nông sản, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19

  • 12:06, 29/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và vai trò xung kích tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tích cực tham gia hỗ trợ nông dân các tỉnh Bắc Giang, Sơn La tiêu thụ nông sản, chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.
 
Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Đoàn đã khởi động chương trình “Kết nối nông sản-San sẻ yêu thương-Chung tay vượt qua đại dịch” nhằm tạo mạng lưới đại lý kết nối tiêu thụ nông sản quy mô rộng khắp cả nước; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đoàn, Hội, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cả nước chung tay cùng toàn xã hội ứng phó dịch bệnh Covid-19.
 
Chương trình tập trung vào 4 nội dung, giải pháp chính, gồm: khảo sát nhu cầu nông sản cần tiêu thụ của các tỉnh, thành; triển khai chuỗi các điểm bán hàng kết nối tiêu thụ nông sản trực tiếp; triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến; tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng bán nông sản trực tuyến".
 
Hưởng ứng chương trình, Tỉnh đoàn Quảng Bình đã kết nối với Tỉnh đoàn Sơn La và các địa phương, tổ chức các điểm tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
 
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai tới 100% cơ sở Đoàn trực thuộc, thành lập các “điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản”, các “đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản”. Qua đó, đã thu hút đông đảo ĐVTN trên địa bàn tỉnh hăng hái tham gia tiếp nhận, vận chuyển nông sản đến các điểm tiêu thụ trên địa bàn.
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chánh văn phòng Tỉnh đoàn cho biết, trong đợt này, Tỉnh đoàn đã kết nối tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng nông sản gồm mận hậu và xoài Yên Châu của tỉnh Sơn La.
 
Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện có 21.000ha xoài đang cho thu hoạch với sản lượng dự kiến đạt khoảng 50.500 tấn; trong đó có khoảng 10.000 tấn đủ điều kiện xuất khẩu, 30.000 tấn thu hoạch từ nay đến hết tháng 6 năm 2021. Quả xoài Sơn La đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có giống xoài xanh Sơn La được trồng theo quy trình VietGAP và xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc… Riêng mận hậu, lũy kế từ đầu năm đến ngày 14-6, tỉnh Sơn La đã tiêu thụ được 56.881 tấn, trong đó có 20 tấn xuất khẩu. 
ĐVTN tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chung tay vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
ĐVTN tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chung tay vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bằng nhiều kênh tiêu thụ khác nhau, như: mở các điểm bán hàng trực tiếp; bán hàng online qua Fanpage Tuổi trẻ Quảng Bình, chỉ riêng trong 2 ngày 22 và 23-6, Tỉnh đoàn đã tiếp nhận tiêu thụ trên 18 tấn mận hậu, 5 tấn xoài của nông dân.
 
Theo anh Ngô Lê Duy, Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh, trên tinh thần kết nối nông sản, chung tay vượt qua đại dịch, ĐVTN huyện Quảng Ninh đã chủ động kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con.
 
Tất cả các khâu từ bốc dỡ hàng hóa, tập kết tại các điểm tiêu thụ và đóng gói, ship hàng đến tận tay người mua đều được các ĐVTN thực hiện nhanh chóng, bảo đảm các quy định về an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Các nông sản được Tỉnh đoàn kết nối thông qua Tỉnh đoàn Sơn La và được chuyển đến nơi tiêu thụ trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh. Xe vận chuyển được khử khuẩn, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống Covid-19; lái xe đã được tiêm phòng Covid-19 theo quy định.
 
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới chia sẻ: "Thông qua kênh Fanpage Tuổi trẻ Quảng Bình, tôi biết đến các điểm kết nối tiêu thụ nông sản do Tỉnh đoàn tổ chức. Đặt hàng và được các ĐVTN giao hàng tận tay, tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm và cũng thấy rất vui khi đươc đồng hành cùng các bạn trẻ tiêu thụ nông sản cho bà con, chung tay để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
 
Trước khi mở các điểm tiêu thụ nông sản giúp nông dân tỉnh Sơn La, Tỉnh đoàn đã kết nối với Tỉnh đoàn Bắc Giang triển khai chương trình “Áo xanh-Vải đỏ-Tấm lòng vàng” nhằm tiêu thụ vải thiều cho nông dân tỉnh Bắc Giang với 2 điểm bán tiêu thụ được bố trí trước trụ sở cơ quan Tỉnh đoàn và cơ quan Huyện đoàn Lệ Thủy. Chỉ sau vài giờ triển khai, lực lượng ĐVTN tỉnh đã kết nối tiêu thụ hơn trên 10 tấn vải thiều Bắc Giang.
 
“Qua các đợt kết nối từ đầu tháng 6 đến nay, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tiêu thụ được trên 50 tấn nông sản cho bà con nông dân 2 tỉnh Bắc Giang, Sơn La. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Giang, Sơn La và một số tỉnh, thành khác trên cơ sở bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm giúp nông dân các tỉnh giảm bớt thiệt hại, khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Qua đó, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tương thân tương ái, chung tay vì cộng đồng của tuổi trẻ Quảng Bình”, anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết thêm.
 
Thanh Hải
 
 
 

tin liên quan

Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu
Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa hè-thu

(QBĐT) - Hiện nay, nông dân trong toàn tỉnh đang tích cực chăm sóc lúa vụ hè-thu. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh gây hại. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực thăm đồng, thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ diện tích lúa hè-thu.

"Lạm phát năm 2021 đạt dưới 4% là khả thi"
"Lạm phát năm 2021 đạt dưới 4% là khả thi"

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương, giá nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu... là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12-2020 và tăng 2,41% so với tháng 6-2020. 

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cơ bản được khống chế
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cơ bản được khống chế

(QBĐT) - Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, ngành nông nghiệp và các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Lượng gia súc nhiễm mới đã giảm và số lượng trâu, bò được chữa khỏi bệnh ngày càng tăng.