(QBĐT) - Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, ngành nông nghiệp và các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Lượng gia súc nhiễm mới đã giảm và số lượng trâu, bò được chữa khỏi bệnh ngày càng tăng.
Ông Phan Văn Bảy ở thôn Lại Xá, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) cho biết, tháng 3-2021, đàn bò của ông xuất hiện các dấu hiệu của dịch bệnh VDNC, như: bỏ ăn, sốt cao, viêm kết mạc…
Sau khi báo với thú y xã, ông Bảy đã được cán bộ thú y hỗ trợ tiêm thuốc điều trị và cung cấp vật tư, hóa chất để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phun thuốc diệt muỗi tránh lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, ông Bảy tích cực tăng sức đề kháng cho đàn bò, chia nhỏ các bữa ăn, bổ sung rau xanh, cho uống nước hèm.
Hiện tại, đàn bò của gia đình ông Bảy đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng và sinh trưởng bình thường.
Hơn 2 tháng nay, trên địa bàn xã Sơn Thủy không phát sinh thêm con gia súc nào bị bệnh VDNC, dịch bệnh cơ bản được khống chế. Trước đó, bệnh VDNC xuất hiện trên địa bàn xã Sơn Thủy vào tháng 3-2021 làm 47 con bò bị mắc bệnh.
Do được phát hiện kịp thời và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, như: cách ly, chăm sóc, vệ sinh, tiêu độc khử trùng…, nên dịch bệnh không gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho biết, sau khi phát hiện bệnh VDNC xuất hiện trên đàn bò của một số hộ dân trên địa bàn, UBND xã Sơn Thủy đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh và đội phản ứng nhanh ứng phó với dịch bệnh, gồm: lãnh đạo xã, cán bộ thú y, công an và mặt trận, đoàn thể.
Buổi sáng, các thành viên đội phản ứng nhanh đi đến các chợ để quản lý, giám sát việc buôn bán gia súc của các tiểu thương; buổi chiều, đến các hộ dân có gia súc bị bệnh để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi. Bên cạnh đó, chính quyền xã đã trích kinh phí mua trang thiết bị, vật tư phòng dịch để cung cấp kịp thời cho người dân ngay khi vừa xuất hiện dịch bệnh; tổ chức phun thuốc diệt muỗi toàn dân để phòng, chống dịch bệnh.
Tại huyện Lệ Thủy, tính đến ngày 23-6, bệnh VDNC trên trâu, bò đã làm 1.107 con bò bị bệnh, trong đó có 125 con bị chết.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Lệ Thủy cho biết, ngay khi dịch VDNC xảy ra trên địa bàn, trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của huyện, tỉnh để kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng và xử lý dịch ở cơ sở, không để lây lan ra diện rộng. Song song với đó, trung tâm cũng đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC trên đàn gia súc để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đến nay, huyện đã tiêm vắc-xin phòng VDNC cho trên 7.500 con gia súc. Nhờ các giải pháp tích cực, chủ động, huyện Lệ Thủy đã kiểm soát tốt dịch bệnh VDNC trên địa bàn. Tính đến nay, toàn huyện đã có 779/1.107 con bò được chữa lành bệnh, số còn lại đang được các xã tập trung điều trị.
Theo ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có 14 xã xuất hiện dịch VDNC trên trâu, bò với 779 con bị nhiễm bệnh, trong đó có 64 con chết, buộc phải tiêu hủy. Số lượng gia súc đã lành triệu chứng là 497 con, còn 218 con đang được theo dõi, điều trị.
Bò bị bệnh và bò bị chết chủ yếu là bê nghé từ 1-6 tháng tuổi và bò mẹ đang có chửa. Hiện huyện Quảng Ninh đã hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò với 5.300 liều/8.655 con trâu, bò (chiếm tỷ lệ 61,2%).
![]() |
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 23-6-2021, dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại 6.205 hộ/308 thôn/125 xã/8 huyện, thị xã, thành phố làm 8.740 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.194 con bò chết do bệnh. Các địa phương trong toàn tỉnh đã phun 9.727 lít hóa chất và rải 129.540kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.
Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, số lượng trâu, bò được chữa lành bệnh ngày càng tăng, hiện có 5.756 con đã được chữa lành bệnh.
Cụ thể: Tỷ lệ chữa lành bệnh tại TP. Đồng Hới 98%, TX. Ba Đồn 87%, Bố Trạch 85%, Quảng Ninh 60%, Lệ Thủy 59%… Hiện tại, xã Hải Ninh (Quảng Ninh), xã Bảo Ninh, Nghĩa Ninh, Thuận Đức và phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), xã Quảng Văn và phường Quảng Long (TX. Ba Đồn) đã công bố hết dịch VDNC trên trâu, bò.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin nên tỉnh đã cơ bản khoanh vùng, khống chế được các ổ dịch VDNC trên trâu, bò. Nhất là ở các địa phương tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn…Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêm 77.405/80.300 liều vắc xin bệnh VDNC (chiếm tỷ lệ 96,4%), các huyện còn lại đang gấp rút hoàn thành việc tiêm vắc xin.
Sau khi hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò đợt 2, UBND huyện Lệ Thủy đã có tờ trình đăng ký thêm 3.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã báo cáo Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn chưa được tiêm phòng để đăng ký thêm vắc-xin và tổ chức tiêm phòng triệt để.
Đặc biệt, trong quá trình tiêm phòng cho đàn gia súc, đề nghị các địa phương quản lý, theo dõi chặt chẽ trâu, bò sau khi tiêm phòng, không để tiếp xúc với các đối tượng đã bị nhiễm bệnh vì khi hoàn thành tiêm vắc-xin thì 28-30 ngày sau gia súc mới có kháng thể kháng vi-rút VDNC.
L.Chi - T.Hoa