Bố Trạch: Chú trọng bảo vệ rừng mùa nắng nóng

  • 02:05, 21/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bố Trạch là địa phương có diện tích rừng khá lớn, phân bố ở nhiều địa hình phức tạp nên cứ mỗi mùa nắng nóng đến, những người canh giữ rừng trên địa bàn huyện lại mang nỗi lo về nguy cơ cháy. Vì vậy, việc tổ chức các phương án và tuyên truyền đến với mọi người dân về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được các lực lượng chú trọng.
 
Bước vào mùa nắng nóng 2021, trước  nguy cơ “giặc lửa” rình rập nhiều diện tích rừng, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bố Trạch (BCĐ huyện) đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và PCCCR ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện.
 
Dưới cái nắng trên 36 độ C, trong suốt hơn 10 ngày cuối tháng 4-2021, đoàn công tác liên ngành của huyện do ông Đoàn Văn Ngãi, Phó Trưởng ban thường trực, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch chủ trì, cùng các thành viên thuộc các cơ quan Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã khẩn trương tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện QLBVR và PCCCR tại các xã: Thanh Trạch, Xuân Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch và các chủ rừng Chi nhánh Lâm trường (CNLT) rừng thông Bố Trạch, CNLT Trường Sơn...  
 
Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương, đơn vị chủ rừng ở các địa bàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ BVR và PCCCR; triển khai công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì; phân công cán bộ trực PCCCR trong mùa nắng nóng... Tính đến trước mùa khô năm 2021, trên địa bàn toàn huyện đã xử lý thực bì tại các vùng trọng điểm với hơn 12.000ha trên tổng diện tích 16.000ha rừng trồng, đạt tỷ lệ 76,17%. 
Đoàn liên ngành huyện Bố Trạch kiểm tra thực địa và bàn phương án bảo vệ tại vùng rừng xã Xuân Trạch.
Đoàn liên ngành huyện Bố Trạch kiểm tra thực địa và bàn phương án bảo vệ tại vùng rừng xã Xuân Trạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bố Trạch, việc BVR, đất lâm nghiệp của một số nơi chưa phát huy được hiệu quả, tình trạng khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn xảy ra trên lâm phần của CNLT rừng thông Bố Trạch, CNLT Trường Sơn; phương án PCCCR một số đơn vị chưa sát với tình hình địa bàn từng xã.
 
Cùng với đó, sự chủ quan của một số đơn vị, địa phương vẫn tồn tại, cần khắc phục sớm. Một số khu vực trọng điểm, như: rừng trồng thông nhựa của CNLT rừng thông Bố Trạch tại khoảnh 11a, tiểu khu 229 và khoảnh 4b, tiểu khu 226B thực bì chưa được xử lý qua nhiều năm, cây bụi, dây leo, lá khô rất dày, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Mặc dù trong đợt kiểm tra năm 2020, BCĐ huyện đã đề nghị CNLT thực hiện trong năm 2021 nhưng đến nay vẫn mới chỉ xử lý cục bộ được khoảng 5ha. Một số lô rừng thông nhựa tại khoảnh 5, tiểu khu 228A (xã Thanh Trạch) thực bì còn dày, vật liệu cháy còn nhiều...
 
Cá biệt, một số địa phương cấp xã chưa bố trí kinh phí, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy mà khi có cháy rừng xảy ra mới huy động dụng cụ sử dụng hằng ngày của người dân (như Tân Trạch). Việc tu sửa các công trình phòng cháy ít được quan tâm vì thiếu vốn. Các biển cấm lửa tại các khu vực trọng điểm, dễ cháy chủ yếu được lắp đặt từ nguồn vốn do UBND huyện bố trí từ năm 2017 đến nay. 
Việc tu sửa các công trình phòng cháy ít được quan tâm ở một số địa phương cấp xã vì thiếu vốn.
Việc tu sửa các công trình phòng cháy ít được quan tâm ở một số địa phương cấp xã vì thiếu vốn.

Tại các đơn vị chủ rừng đã chuẩn bị một số dụng cụ vệ sinh rừng, PCCCR, như: rựa, can đựng nước, máy cưa xăng, cuốc, xẻng, dùi dập lửa…, tuy nhiên, số lượng còn rất hạn chế. Chưa có đơn vị chủ rừng nào mua sắm các dụng cụ chữa cháy chuyên dụng, như: máy thổi gió, máy cắt thực bì…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, từ thực tế cụ thể và nguy cơ “giặc lửa” đang rình rập; đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm từ 3 vụ cháy rừng năm 2020, thiệt hại 27ha rừng, huyện Bố Trạch tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra rừng, bảo vệ rừng tại gốc, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn.
 
Trong đó, trước mắt là nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng phương pháp đốt trong những ngày nắng nóng cao điểm (từ tháng 5 đến hết tháng 8); quản lý chặt chẽ nguồn lửa trong mùa khô; tăng cường công tác tuần tra để phát hiện và xử lý các trường hợp đốt lửa trái phép trong rừng, ven rừng, xử lý thực bì trái phép trong những ngày nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng.
 
Bố Trạch cũng đã chỉ đạo các xã, các đơn vị chủ rừng mua sắm, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện PCCCR; hỗ trợ nguồn vốn để tu sửa các biển cấm lửa, hệ thống chòi canh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi mọi người dân trên địa bàn phối hợp tích cực với chính quyền và các lực lượng ở địa phương nêu cao tinh thần giữ rừng, PCCCR trong mọi tình huống. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng cao điểm, các đơn vị, địa phương phải bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ nhằm kịp thời phát hiện và dập tắt các đám cháy khi mới xuất hiện để hạn chế việc cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.
 
Tại địa bàn xã vùng cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa hè đến, ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, cho biết: "Toàn xã có gần 73.000ha rừng, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và gần 12.000ha rừng sản xuất. Những năm qua, dù trình độ dân trí còn hạn chế nhưng người dân trên địa bàn đã có ý thức hơn trong việc trồng rừng và bảo vệ rừng; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện khoanh vùng và trồng được hàng trăm ha rừng tập trung, chủ yếu là giống keo lai hom.
 
Đặc biệt, bà con đã biết giá trị của rừng đối với cuộc sống, cẩn thận trong việc sử dụng lửa trong mùa nắng nóng đến, tránh việc xâm hại đến rừng... Xã cũng đã phân loại cây rừng tự nhiên, rừng trồng có khả năng cháy và cảnh báo nguy cơ cháy để tổ chức bảo vệ và cùng với người dân phòng tránh sự cố cháy... Nhờ đó, năm 2020, toàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào".
 
Khi người dân sống gần rừng tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế, thì ý thức trong bảo vệ rừng cũng được nâng lên. Gia đình bà Y Chay, ở bản Bụt, xã Thượng Trạch là hộ có 7,5ha rừng trồng. Phấn khởi trước khoảnh rừng vừa trồng đang phát triển tốt, bà Y Chay khoe: “Chỉ sau vài năm nữa, cây keo sẽ cho thu hoạch, cán bộ nói, mỗi ha gia đình tôi thu nhập được khoảng 40 triệu đồng.”
 
“Với bà con xã Thượng Trạch, giờ đây, rừng là nguồn sống, bà con không còn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy nữa mà tích cực tham gia trồng rừng, chung tay bảo vệ từng diện tích và canh giữ để rừng không bị “giặc lửa” cướp đi”, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng khẳng định. 
 
                                                                              Hương Trà
 
 

tin liên quan

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đặt hàng bảo trì đường sắt
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đặt hàng bảo trì đường sắt

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc số 636/TTG-CN ngày 19-5-2021 gửi các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc giao thực hiện vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021.

An toàn thực phẩm ở chợ truyền thống: Vẫn là bài toán khó!
An toàn thực phẩm ở chợ truyền thống: Vẫn là bài toán khó!

(QBĐT) - Mạng lưới chợ truyền thống là kênh phân phối lâu đời và có vai trò quan trọng trong phát triển thương mại nội địa, là nơi trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) tại các chợ truyền thống vẫn là bài toán khó với các cơ quan chức năng.

Triệu hồi hơn 61.500 xe Mazda tại Việt Nam
Triệu hồi hơn 61.500 xe Mazda tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam có tổng cộng 61.517 xe Mazda nhập khẩu nguyên chiếc về phân phối và lắp ráp trong nước nằm trong diện triệu hồi để kiểm tra, thay thế bơm nhiên liệu.