Xây dựng NTM ở xã công giáo miền núi Thanh Thạch: Khi lòng dân đồng thuận

  • 03:03, 23/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - So với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, xã Thanh Thạch không phải địa phương tiêu biểu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) khi chỉ mới hoàn thành 14/19 tiêu chí. Điều đặc biệt ở xã miền núi thành lập năm 2003 và có 94% dân số người công giáo này chính là sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân vào công cuộc xây dựng NTM, kiến thiết quê hương.
 
Có đường mới... có nhà!
 
Có ý định xây nhà mới từ lâu, thế nhưng phải đến năm 2018, bà Hoàng Thị Lý ở thôn 1, xã Thanh Thạch mới xây dựng được nhà. Bà Lý kể, nguyên nhân là do chưa có đường.
 
Trước khi con đường bê tông dẫn vào xóm bà ở chưa làm, không ai gọi đây là đường cả. Bởi, không phải cứ có lối đi là thành đường. Nhà bà ở trên một quả đồi và được tiếng là ở gần đường nhưng xa ngõ. Từ nhà bà đến trục đường chính của xã chỉ dài chưa đến 100m và phải qua một cái khe. Trời mới chớm mưa đã lầy lội, nước ngập ngụa, bà con phải bắc các thanh gỗ để đi lại. Xe máy phải gửi nhà hàng xóm ngoài đường chính, chứ không thể chạy vào nhà. Vậy nên, ý định làm nhà mới của bà mãi không thể thực hiện được, vì không thể đưa vật liệu vào. Nếu muốn đưa vào chỉ còn cách vác bộ. Gia đình nào tổ chức cưới hỏi cho con đều nhờ vào sân UBND xã ở gần đó. Phải đến năm 2018, khi con đường được mở rộng và đổ bê tông, bà mới làm được nhà.
 
Ông Ngô Văn Hoa (64 tuổi), Trưởng thôn 1 xác nhận với chúng tôi sự thực nói trên. Ông Hoa bảo, khu vực trung tâm xã Thanh Thạch ngày nay vốn là vùng đồi núi, khe suối. Vì địa hình không bằng phẳng cùng với việc xã mới thành lập năm 2003, nên đường sá giao thông chưa có. Cả xã lúc đó chỉ có duy nhất 1 tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh về trung tâm xã. Phần lớn người dân đến định cư ở đây hầu như do đi mãi thành đường. Chỉ đến khi Nhà nước đưa ra chủ trương xây dựng NTM, các tuyến đường nội thôn, liên thôn trên địa bàn xã mới được bê tông hóa.
Người dân xã Thanh Thạch chung sức chung lòng hiến đất, san gạt những quả đồi cao và dốc để làm đường giao thông.
Người dân xã Thanh Thạch chung sức chung lòng hiến đất, san gạt những quả đồi cao và dốc để làm đường giao thông.
Ông Hoa nhớ lại, năm 2017, thôn 1 mới triển khai làm tuyến đường xóm đầu tiên. Lúc đó, cơ chế đầu tư làm đường với tỷ lệ 4/4/2, có nghĩa là nhà nước 4 phần, địa phương 4 phần và nhân dân đóng góp 2 phần. Thế nhưng người dân còn nghèo thì lấy tiền đâu ra để đóng góp làm đường. Ngay lúc đó, chủ trương của chính quyền địa phương là tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, hiến tài sản để làm đường.
 
Ban đầu, nghe nói làm đường giao thông, phần lớn bà con đều có tâm lý trông mong việc đền bù, giải tỏa, để có chút tiền. Những cuộc họp thôn diễn ra, Ban cán sự thôn cùng bà con cùng phân tích hết mọi lẽ thiệt hơn khi có đường giao thông. Rằng, mình không có tiền đã có nhà nước đầu tư, thì mỗi nhà chịu thiệt vài chục mét vuông đất để làm đường thì có thiệt đi đâu. Làm đường cho mình đi chứ có cho ai đâu mà so đo. Sau mấy lần vận động, tất cả bà con đều tự ý hiến đất, hiến cây, tài sản để làm đường.
 
“May sao bà con đều đồng thuận, góp công, góp sức, nên mới có được đường sá bê tông rộng rãi, sạch đẹp như ngày nay. Chỉ tính riêng tuyến đường ngang qua nhà bà Lý dài hơn 400m, thì cả 15/15 hộ đều hiến đất. Nhiều hộ phải di dời chuồng trại chăn nuôi, chặt bỏ cây cối. Hộ ít vài chục m2, hộ nhiều như bà Hoàng Thị Lý hiến hơn 100m2 đất để làm đường. Sau khi có đường, nhiều nhà đua nhau làm nhà ở mới. Với phong trào hiến đất, hiến tài sản làm đường, hiện tại, toàn thôn 1 đã có 5/6 tuyến đường giao thông nội thôn đã được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Từ khi các tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng, không chỉ bộ mặt thôn quê thay đổi, mà đời sống của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Đường sá đi lại dễ dàng, bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trước đây, cả thôn 1 có hơn 70 hộ nghèo, thì giờ đây cả thôn chỉ còn 19/160 hộ”, Trưởng thôn 1 Ngô Văn Hoa cho biết thêm.  
 
Động lực cho phát triển
 
Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đường sá, giao thông trên địa bàn xã Thanh Thạch được đầu tư xây dựng đã mở ra cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế cho người dân nơi đây. Nhiều hộ đã tận dụng lợi thế, tiềm năng, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình gia trại của anh Nguyễn Hải Đăng (SN 1977) ở thôn 4 là một trong những điển hình như thế. Anh Đăng cho biết, trước đây, gia đình anh cũng đã chăn nuôi, trồng rừng, nhưng chỉ vài chục con lợn, khoảng 2ha rừng. Giao thông đi lại khó khăn chính là nguyên nhân khiến anh không dám đầu tư nhiều.
 
Từ khi xã Thanh Thạch được thành lập, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, điện đường, trường trạm được đầu tư xây dựng, gia đình anh mới mạnh dạn phát triển, mở rộng quy mô gia trại như ngày nay. Hiện gia đình anh nuôi 40 con lợn, trồng 5ha keo tràm và 1ha cây ăn quả, như: bưởi Phúc Trạch, cam, vải... Mới đây, gia đình anh còn xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi 30 con lợn bản để nâng cao thu nhập. Từ khi mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, nguồn thu nhập của gia đình anh tăng lên trông thấy. Giờ đây, trung bình mỗi năm, gia đình anh “bỏ túi” gần 200 triệu đồng.   
 
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch Đoàn Xuân Long cho biết, Thanh Thạch được thành lập năm 2003, trên cơ sở chia tách xã Thanh Hóa và có 94% dân số là người công giáo. Trong điều kiện vừa mới thành lập và là một xã miền núi khó khăn, nên Thanh Thạch bắt tay vào xây dựng NTM gần như từ con số không.
 
Thế nhưng, ngược lại, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Thạch lại có được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Ban đầu, người dân cũng có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thế nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động và thấy được lợi ích của chương trình mang lại, nhân dân đều tích cực, tự giác, chủ động tham gia. Người dân không chỉ đóng góp kinh phí xây dựng một số công trình phúc lợi, hiến đất và tài sản để làm đường giao thông nông thôn, mà phần lớn các tiêu chí cần đến vai trò chủ thể nhân dân, như: giao thông, môi trường, quốc phòng-an ninh, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất-văn hóa, bà con đều chung tay và đóng góp rất lớn. Đó chính là động lực to lớn để Thanh Thạch có được diện mạo như ngày hôm nay.
 
Đến nay, xã Thanh Thạch đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 6,5%. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ 15 triệu, tỷ lệ hộ nghèo gần 52%, thì năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đã được nâng lên 25 triệu, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 11%. Mặc dù đời sống nhân dân hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, các tiêu chí NTM đạt được còn thấp, thế nhưng để hoàn thành các tiêu chí còn lại từ nay đến năm 2025, xã Thanh Thạch vẫn xác định sự đồng thuận, ủng hộ của người dân chính là nền tảng quan trọng.
 
“Trong giai đoạn tới, cùng với việc hoàn thành NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương lấy mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng và là hạt nhân trong quá trình thực hiện mục tiêu NTM. Bởi suy cho cùng mục tiêu của NTM chính là mang lại điều kiện sống, chất lượng sống cao hơn cho người dân. Vì vậy, địa phương sẽ sử dụng tối đa và có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Để phát triển nông nghiệp, Thanh Thạch chủ trương phát triển các gia trại, trang trại; kinh tế vườn, kinh tế trang trại”, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch Đoàn Xuân Long cho hay.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Khởi động Dự án "Cùng khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh"
Khởi động Dự án "Cùng khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh"

(QBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 21-3, tại bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Công ty TNHH xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa, Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) tổ chức chương trình khởi động Dự án "Cùng khôi phục rừng đầu nguồn sông Gianh".

Bảo đảm an toàn thực phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng
Bảo đảm an toàn thực phẩm vì quyền lợi của người tiêu dùng

(QBĐT) - Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt; nhận thức về ATTP được nâng cao từ người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa bảo đảm ATTP vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

(QBĐT) - Do có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động và việc đầu tư mở rộng nâng cấp các tuyến đường giao thông qua các vùng núi đá, nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, hạn chế rủi ro, thời gian qua, Sở Công thương đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn toàn tỉnh.