Lệ Thủy: Có 195 con trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục
04:03, 30/03/2021
(QBĐT) - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, tính đến trưa ngày 30-3-2021, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có 249 con trâu bò bị ốm do mắc bệnh và nghi mắc bệnh viêm da nổi cục tại 7 xã, thị trấn, trong đó có 195 con đã được khẳng định mắc bệnh.
Một con bò bị mắc bệnh VDNC được người dân xã Ngân Thủy cách ly và chăm sóc
Theo đó, đàn trâu bò nghi mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đầu tiên xuất hiện ngày 3-3-2021 tại xã Sen Thủy. Tiếp đó, xã Sơn Thủy và Phú Thủy có trâu bò ốm, nghi mắc bệnh.
Đến nay, trên địa bàn có 7 xã, thị trấn có 249 con trâu bò mắc bệnh và nghi mắc bệnh VDNC. Trong đó, xã Sen Thủy có 88 con/54 hộ, Sơn Thủy có 30 con/25 hộ, xã Phú Thủy có 57 con/27 hộ, Ngân Thủy có 40 con/19 hộ (trong đó có 10 hộ thuộc Binh đoàn 15), Thanh Thủy có 3 con/1 hộ, Mỹ Thủy có 3 con/3 hộ và thị trấn nông trường Lệ Ninh có 31 con/10 hộ.
Để phòng chống dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp với xã Sen Thủy hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống, hỗ trợ hóa chất để phun tiêu độc khử trùng tại các hộ có trâu bò ốm; đề nghị Sở Y tế hỗ trợ hóa chất diệt ruồi muỗi để phun trên địa bàn. Khi dịch bệnh lan ra các địa phương khác, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở công bố dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng ban đơn vị liên quan rà soát, thống kê số lượng trâu, bò nuôi trên địa bàn quản lý, chỉ đạo người dân hạn chế việc chăn thả trâu bò. Đối với trâu bò bị mắc bệnh và nghi mắc bệnh cần phải nhốt riêng…
Ông Trần Duy Hưng, Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: VDNC là bệnh truyền nhiễm mới trên trâu bò do vi rút gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây truyền chủ yếu là do côn trùng hút máu từ động vật mắc bệnh truyền bệnh qua động vật khỏe nên khó kiểm soát. Để đối phó với dịch bệnh, huyện cũng đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện và kinh phí để chủ động ứng phó; chỉ đạo các xã, thị trấn dự kiến địa điểm đặt chốt kiểm dịch tạm thời, địa điểm chôn lấp, các loại vật tư (hóa chất, vôi…).
Đối với các xã, thị trấn có dịch bệnh cần tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển trâu bò và các sản phẩm của trâu bò ra, vào vùng dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, nếu phát hiện ra trâu bò ốm, nghi mắc bệnh cần phải báo và phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm bệnh.
Hiện Phòng NN và PTNT cũng đã tham mưu cho UBND huyện công bố dịch VDNC trên trâu bò tại các xã: Sen Thủy, Sơn Thủy, Phú Thủy, thị trấn nông trường Lệ Ninh và lấy mẫu trâu bò nghi mắc bệnh ở các địa phương khác gửi đi xét nghiệm.
(QBĐT) - Hiện nay, việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất… Hàng hóa được dán tem truy xuất sẽ giúp minh bạch về nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tạo sự tin tưởng cho khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm giá trị sản phẩm.
(QBĐT) - Sinh ra trong gia đình thuần nông nhưng anh Đinh Trọng Chiến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trọng Kim (Minh Hóa), đã khởi nghiệp thành công với nghề làm đá mỹ nghệ nhờ sự sáng tạo, lòng kiên trì và niềm đam mê. Sản phẩm đá mỹ nghệ được sản xuất từ những phiến đá quê hương đã có mặt trên địa bàn toàn tỉnh và vươn ra các tỉnh miền Trung, được khách hàng rất ưa chuộng….