(QBĐT) - Đi qua năm 2020 đầy thăng trầm, trong đó sản xuất, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, những ngày đầu năm 2021, niềm vui đã tỏa rạng trong ánh mắt người nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp. Chỉ về cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” đang xanh thì con gái của “vựa lúa” Lệ Thủy, đồng chí Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) hào hứng chia sẻ về những yếu tố quan trọng đang tạo tiền đề cho một vụ mùa bội thu.
Câu chuyện về giống
Trong những yếu tố đã được ông cha đúc kết từ xa xưa đến nay, giống vẫn là một trong những yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho những vụ mùa thắng lợi. Do ảnh hưởng của mưa lũ, các loại giống lúa, ngô, rau màu… của nông dân chuẩn bị cho vụ sản xuất đông-xuân 2020-2021 hầu hết bị hư hỏng.
Để hỗ trợ người nông dân khôi phục sản xuất, từ nguồn của Trung ương, các tỉnh bạn và địa phương, đã có hàng nghìn tấn giống được cấp phát. Trong đó, nguồn dự trữ quốc gia, Cục trồng trọt và các tỉnh, đã hỗ trợ 654 tấn giống lúa, 127 tấn giống ngô và 16,4 tấn giống rau các loại. Tỉnh cũng đã trích từ các nguồn 20,25 tỷ đồng để các địa phương mua 1.200 tấn giống lúa các loại, 27 tấn ngô, 148 tấn lạc. Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ, cá nhân đã hỗ trợ tiền mặt để bà con chủ động mua các loại giống phù hợp với cơ cấu, mùa vụ.
Khi “bài toán” về giống lúa sau mưa lũ được giải, trên 29.440ha lúa (kế hoạch 29.500ha) vụ đông-xuân đã được gieo trồng (99,8% kế hoạch) bảo đảm đúng tiến độ. Lệ Thủy vẫn là địa phương dẫn đầu với 10.200ha. Nếu những năm trước đây, tỷ lệ giống xác nhận 1 (hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng theo quy trình sản xuất hạt giống xác nhận) được sử dụng đạt thấp do người dân dùng lúa thịt vụ trước làm giống cho vụ sau, thì nay tỷ lệ giống xác nhận 1 đạt gần 100%. Thực tế cho thấy sử dụng giống xác nhận 1 sẽ tăng năng suất từ 8 đến 10%. Do đó, đây sẽ là một yếu tố quan trọng làm tiền đề cho vụ đông-xuân ăn chắc.
Cùng với cây lúa, các loại ngô, lạc, sắn, đậu, ớt, dưa hấu, khoai lang… đã được triển khai trồng trong điều kiện khá thuận lợi. Đặc biệt, gần 2.300ha rau màu đã phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Với đặc điểm sinh trưởng nhanh, không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn thức ăn quan trọng sau ảnh hưởng của mưa lũ, mà doanh thu từ rau màu đã giúp nhiều hộ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng ổn định đời sống, “lấy ngắn nuôi dài”, tập trung chăm sóc lúa và các loại cây trồng vụ đông-xuân.
Diện tích lúa đông-xuân tại xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đang sinh trưởng tốt.
Tại huyện Bố Trạch, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Cẩm Long cho biết, so với vụ đông-xuân năm 2019-2020, do thời tiết thuận lợi, diện tích cây lương thực của huyện tăng. Trên địa bàn huyện, diện tích trồng cây dưa hấu giảm do đặc thù đất trồng dưa hấu không thể sản xuất tái canh nên nhiều hộ dân đã có sáng kiến thuê đất của thị trấn nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) để trồng dưa hấu. Về sản xuất lúa, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, việc người dân được hỗ trợ giống, đặc biệt là giống lúa xác nhận 1, đã nâng tỷ lệ sử dụng giống này của bà con trên địa bàn huyện đạt khoảng 80%. Với đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đây sẽ là tiền đề quan trọng cho vụ đông-xuân thắng lợi.
Còn anh Nguyễn Văn Ánh (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) hồ hởi trao đổi về diện tích lúa đang phát triển rất tốt của gia đình. “Chỉ khoảng 2 tháng nữa, chúng tôi sẽ thu hoạch. Đợt mưa lũ năm ngoái đã làm hỏng hết giống lúa và nhiều loại giống cây khác. Gia đình tôi có 4 sào lúa thì đều được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ giống để có thể bắt tay ngay vào sản xuất. Thời tiết hiện đang rất thuận lợi, hy vọng chúng tôi sẽ có một vụ đông-xuân thắng lợi để bù cho những mất mát của năm 2020!”.
Nghề nông, xưa và nay
Cha ông xưa từng đúc kết về các yếu tố quan trọng của nghề nông là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Sản xuất nông nghiệp thời nay, bên cạnh những yếu tố trên đã xuất hiện nhiều cái mới mà sâu bệnh là một trong những nguy cơ lớn có thể cản trở sự thành công của vụ mùa, thậm chí còn thất bại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh, sau những gian nan, vất vả của năm 2020, nông dân trong tỉnh đã gặp nhiều thuận lợi trong vụ mùa mới. Đặc biệt, trong số những loại sâu bệnh và các loài vật hại mùa màng, nhờ những đợt mưa lũ, cơ bản loài chuột đã bị tiêu diệt. Những vụ mùa trước đây, vấn nạn chuột phá hoại lúa và hoa màu ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất cây trồng cho dù người nông dân đã bỏ nhiều công sức, sử dụng nhiều phương pháp để diệt chuột. “Mưa lũ là một trong những phương pháp diệt chuột tự nhiên mang lại hiệu quả gần như 100%. Năm nay, nông dân Lệ Thủy thảnh thơi hơn nhiều nhờ mưa lũ đã cơ bản diệt hết chuột, một trong những kẻ thù của nhà nông!”, anh Nguyễn Văn Ánh đồng tình chia sẻ.
Nông dân xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) chăm sóc cây lạc. Ảnh: Nguyễn Văn Tráng
Cùng với tác dụng diệt chuột, những đợt mưa lũ trong năm 2020 cũng mang lại lượng phù sa lớn cho các diện tích cây trồng. Tất cả những vùng đất mà mưa lũ tràn qua đã được bổ sung phù sa, làm giàu thêm dinh dưỡng cho đất. Nên không chỉ có cây lúa mà những loại rau màu, cây lấy củ, quả… đều được hưởng lợi từ phù sa. Bên cạnh đó, thời tiết khá thuận lợi vào từ thời điểm gieo trồng đến nay đã góp phần cho các loại cây trồng phát triển mạnh, dù nhiều loại chưa đạt nửa thời gian sinh trưởng nhưng đã hứa hẹn năng suất, chất lượng cao.
Để đồng hành cùng nông dân trong tỉnh tiến tới một vụ mùa bội thu, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn các địa phương chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh; triển khai các giải pháp bảo đảm tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ. Đến thời điểm này đã tính toán bảo đảm lượng nước đáp ứng nhu cầu cho vụ đông-xuân, nên thay vì “nhờ trời”, nông dân đã chủ động hơn trong nguồn nước tưới, yếu tố người xưa coi trọng hàng đầu.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững
Sự thuận lợi về thời tiết, phù sa bồi đắp sau mưa lũ; nạn chuột phá hoại gần như bị loại trừ, đặc biệt tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 1 đạt gần 100% trong toàn tỉnh đã và đang mang lại niềm hy vọng lớn cho vụ đông-xuân 2020-2021. Vụ đông-xuân 2020-2021 thắng lợi cũng sẽ giúp bà con thấy rõ hiệu quả của việc sử dụng các loại giống xác nhận 1, làm thay đổi tư duy của bà con, tạo tiền đề quan trọng cho những vụ mùa ăn chắc trong tương lai.
Rau màu vụ đông giúp nhiều hộ dân nhanh chóng có thu nhập sau mưa lũ, ổn định đời sống.
Không bằng lòng với những kết quả đạt được, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đang bắt tay sản xuất các loại lúa chất lượng cao với quy trình bảo đảm đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ. Để cho ra đời các sản phẩm này, ngoài việc đầu tư giống lúa, bà con phải thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt, hạn chế phân bón hóa học, tăng hoặc sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa chất... Nông dân Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch đã tích cực đầu tư sản xuất lúa theo hướng này và bước đầu được thị trường đón nhận.
Và không chỉ cây lúa, các loại rau màu và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đang được đầu tư xây dựng chuỗi giá trị với quy trình canh tác nghiêm ngặt, tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.
(QBĐT) - Thực hiện chủ đề "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", vừa qua, Điện lực Quảng Trạch đã ứng dụng phần mềm kiểm tra hiện trường (KTHT) vào công tác quản lý vận hành lưới điện.
(QBĐT) - Một năm quá nhiều thách thức với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ đã qua đi, mở ra một thời kỳ mới cũng đầy khó khăn không kém cho ngành du lịch Quảng Bình. Nhưng, lửa thử vàng, gian nan thử sức, dịch bệnh chính là cơ hội "không mong muốn" để ngành "công nghiệp không khói" tái cơ cấu, hoạch định lại chiến lược phát triển, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khẳng định vị thế. Từ đó, sẵn sàng cho những thử thách lớn lao hơn ở phía trước.
(QBĐT) - Sau một thời gian dài sử dụng, ảnh hưởng của thời tiết biến đổi bất thường, nhất là đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, nhiều hạng mục của các công trình thủy lợi đã xuống cấp trầm trọng. Thực tế đó đòi hỏi cấp thiết cần đầu tư sửa chữa gấp các hạng mục công trình bị hư hỏng nhằm bảo đảm sự an toàn cho công trình và việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt...