Du lịch Quảng Bình đối mặt Covid-19 - Kỳ 2: Nhìn thẳng thất bại, sẵn sàng tương lai
04:03, 22/03/2021
(QBĐT) - Những tổn thất nặng nề của ngành du lịch do Covid-19 gây ra có thể dễ dàng nhận thấy qua từng số liệu thống kê, từng khung cảnh ảm đạm, vắng khách, nhưng qua đó, nhiều kinh nghiệm, bài học quản lý đã được rút ra. Và không ít doanh nghiệp tận dụng “thời cơ” để “làm mới mình”, tái cơ cấu, chuyển hướng dòng khách và chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi. Sau tất cả, những người làm du lịch, nhất là du lịch ở địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Bình, sẽ cùng hướng tới các mục tiêu chinh phục mới với những kế hoạch, chiến lược bền gan và bền vững.
Những bài học “đắt giá”…
Anh Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, quê xã Phú Định, huyện Bố Trạch) quyết định mở homestay Palafita Bungalow ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu. Anh chia sẻ, vốn được học hành bài bản về kỹ sư phần mềm, vì cơ duyên, anh kinh doanh nhà hàng tại xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha), nhận thấy lượng khách quốc tế ổn định, nhu cầu cơ sở lưu trú cao, năm 2019, anh mở homestay này với phong cách hiện đại, 6 phòng, mỗi phòng là 1 bungalow riêng biệt, có thể phục vụ tối đa gia đình 4-5 người. Đây cũng là thời gian các xã vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng “nở rộ” homestay, farmstay. Hơn 1 năm ổn định, khách quốc tế yêu thích, công suất sử dụng phòng của Palafita Bungalow đạt tối đa.
Khi Covid-19 bùng phát, homestay gặp vô vàn khó khăn khi đối tượng khách chính vắng bóng, khách nội địa dù đẩy mạnh quảng bá vẫn rất khó tiếp cận. Bởi theo anh Tuấn, ngay từ đầu, homestay đã định hướng dòng khách, nên giờ chuyển đổi rất gian nan. Hiện tại, chi phí duy trì homestay và nợ ngân hàng, khiến anh đang phải xoay xở rất nhiều cách thức. Đã có một số đề nghị mua Palafita Bungalow, nhưng đây là “đứa con tinh thần” quý giá nên anh quyết định sẽ không bán mà nỗ lực duy trì ít nhất thêm 1 năm nữa, mong chờ sự ổn định của thị trường.
Hầu hết các homestay, farmstay ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng phải chịu cảnh vắng khách trong mùa Covid-19.
Ông Đỗ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết, những cơ sở lưu trú gặp khó khăn như Palfita Bungalow là khá phổ biến trên địa bàn xã. Toàn xã hiện có hơn 20 homestay và điểm đến “check-in’’, hầu như đều gặp ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 và thiên tai trong năm 2020. Trên thực tế, thời gian qua, xuất hiện nhiều homestay do bà con xây dựng tự phát, rập khuôn máy móc, được đầu tư nguồn vốn lớn (chủ yếu là vay vốn ngân hàng) trong khi nhân lực chưa qua đào tạo về du lịch, trình độ thấp. Khi đối mặt với thách thức, bà con lúng túng không biết xoay xở, không ít mô hình phải rao bán trả nợ ngân hàng.
“Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích bà con phát triển du lịch cộng đồng theo hướng sáng tạo, đổi mới, kết hợp tiêu thụ các nông sản truyền thống địa phương, như: ổi, chuối, tiêu, dầu lạc..., nhất là sản phẩm OCOP để tạo điểm nhấn cho các sản phẩm du lịch. Đồng thời, xã tiếp tục là cầu nối với các sở, ban, ngành, đoàn thể để người dân làm du lịch trên địa bàn tiếp tục được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về du lịch”, ông Đỗ Văn Phúc chia sẻ thêm.
Thực tế này còn khắc nghiệt hơn ở thị trấn Phong Nha, xã Cự Nẫm-cái nôi của du lịch cộng đồng Quảng Bình và thậm chí cả ở TP. Đồng Hới. Như vậy, rõ ràng, một chiến lược kinh doanh được nghiên cứu, định hướng bài bản là nguyên tắc không thể thiếu với bất cứ cơ sở kinh doanh du lịch địa phương nào. Chính tâm lý a dua, làm theo số đông sẽ khó mang lại sự bền vững.
Về thực tế này, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, sắp tới, Sở sẽ đề xuất quản lý phân cấp, theo đó, sẽ giao mảng du lịch cộng đồng cho cấp huyện để có sự quản lý sâu sát, hiệu quả và trách nhiệm nhất.
Chú trọng du lịch khám phá văn hóa, lịch sử sẽ là hướng đi tiềm năng của du lịch Quảng Bình trong thời gian tới. (Ảnh: Netin)
Sẵn sàng phương án kinh doanh khác ngoài du lịch và quỹ dự phòng là hai điều tiếc nuối chưa làm được của không ít doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh khi đối mặt với thách thức Covid-19.
Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin, trước khi Covid-19 bùng phát, công ty đã có ý định phát triển thêm về mảng phần mềm du lịch, nhưng do công việc cứ cuốn theo khiến “ý tưởng mãi là ý tưởng”. Nếu có sự mạnh dạn và quyết đoán hơn với mảng kinh doanh này, có thể, công ty sẽ bớt khó khăn hơn khi du lịch đóng băng thời gian qua. Đồng thời, quỹ dự phòng là điều công ty chưa hề nghĩ đến vì tự tin vào sự ổn định của thị trường. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, đội ngũ lãnh đạo công ty chắc chắn sẽ cân nhắc về 2 vấn đề này một cách thấu đáo và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kế hoạch chi tiết.
Một trong những thành công của Công ty Oxalis Adventures trong năm 2020 chính là nỗ lực duy trì đội ngũ nhân lực mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Không những vậy, Oxalis vẫn tiếp tục đồng hành tích cực cùng tỉnh Quảng Bình để thực hiện các chương trình quảng bá truyền thông lớn, mang lại thương hiệu cho du lịch tỉnh nhà.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventures chia sẻ ngắn gọn, đó là nhờ chiến lược đối diện khủng hoảng đúng đắn và quỹ dự phòng đầy đủ. Đồng thời, cần biết định vị sản phẩm, bảo đảm yếu tố an toàn, minh bạch, xác định đối tượng khách hàng hợp lý trong từng thời điểm và thích ứng linh hoạt trong tiếp thị.
Đẩy mạnh liên kết để tồn tại và phát triển
“Sở Du lịch vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thống kê các thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, thiên tai trong năm vừa qua; đề xuất các kiến nghị... Sở Du lịch sẽ tổng hợp và triển khai các hướng giải quyết kịp thời. Thời gian tới, sở tiếp tục hỗ trợ tích cực các đơn vị kinh doanh du lịch trong xúc tiến, quảng bá, đào tạo nhân lực và tăng cường đối thoại, chia sẻ khó khăn...”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà cho biết.
“Năm 2020-năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng du lịch Quảng Bình vẫn tích cực triển khai nhiều hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến, tổ chức sự kiện, chia sẻ, trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, tỉnh kiên tục hợp tác với các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan nhằm tăng cường dữ liệu ảnh, nguồn thông tin, ấn phẩm phục vụ hoạt động thông tin quảng bá. Cũng trong năm này, Quảng Bình liên kết, hợp tác phát triển du lịch 5 địa phương là Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Bình với Thủ đô Hà Nội”, bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh chia sẻ.
Để sẵn sàng cho mùa du lịch mới của năm 2021, theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch, sắp tới đây, nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường sẽ được triển khai, như: tham gia các các hoạt động hợp tác của vùng Bắc Trung bộ mở rộng và Quảng Bình-Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Đã Nẵng; thống nhất chương trình hợp tác 4 tỉnh Quảng Bình-Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng; tăng cường liên kết với các tỉnh Nam Trung bộ và Bắc Trung bộ để quảng bá du lịch tại 2 thị trường khách nội địa lớn là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ kết hợp đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số, trong đó, nổi bật là các chương trình giới thiệu điểm đến thông qua người nổi tiếng, blogger du lịch và báo chí quốc tế.
Đồng hành với tích cực đẩy mạnh liên kết bên ngoài, liên kết nội tại, giữa các đơn vị kinh doanh du lịch với nhau cũng rất cần được thúc đẩy mạnh mẽ, không chỉ riêng trong quảng bá, giới thiệu du lịch mà còn rất cần ở các hoạt động khác. Đó là mấu chốt cho sự thành công, tránh “mạnh ai đường nấy chạy”, làm giảm hiệu quả chung. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventures khẳng định, sự hợp tác trong xúc tiến, quảng bá đóng vai trò rất quan trọng, cộng đồng doanh nghiệp phải cùng hợp tác để hiệu quả mang lại cao nhất, nếu chỉ một vài cá nhân tích cực tham gia, thì sẽ rất khó có thể nâng tầm thương hiệu điểm đến Quảng Bình.
(QBĐT) - Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật kinh tế, ra trường có việc làm ổn định, thế nhưng, lối rẽ giúp anh Phạm Anh Tuân, sinh năm 1985, ở thôn 6, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới đi đến thành công trên con đường lập nghiệp lại là mô hình nuôi chim trĩ.
(QBĐT) - Đi qua năm 2020 đầy thăng trầm, trong đó sản xuất, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, những ngày đầu năm 2021, niềm vui đã tỏa rạng trong ánh mắt người nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp. Chỉ về cánh đồng lúa "thẳng cánh cò bay" đang xanh thì con gái của "vựa lúa" Lệ Thủy, đồng chí Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) hào hứng chia sẻ về những yếu tố quan trọng đang tạo tiền đề cho một vụ mùa bội thu.
(QBĐT) - Thực hiện chủ đề "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", vừa qua, Điện lực Quảng Trạch đã ứng dụng phần mềm kiểm tra hiện trường (KTHT) vào công tác quản lý vận hành lưới điện.