Dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông": Vì sao phải tạm dừng thi công?
03:03, 12/03/2021
(QBĐT) - Dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư được thực hiện trên địa bàn TP. Đồng Hới. Theo quy định, dự án này phải hoàn thành thi công và giải ngân xong vốn đầu tư chậm nhất vào ngày 31-12-2020. Tuy nhiên, hết thời hạn quy định, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và hiện đang phải tạm dừng thực hiện vì nguồn vốn còn lại đang bị khóa.
Chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh
Theo kế hoạch và quy định của Chính phủ, dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" phải hoàn thành thi công và giải ngân vốn đầu tư chậm nhất vào ngày 31-12-2020. Để dự án này hoàn thành đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với các chủ đầu tư, sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để kịp thời có những chỉ đạo nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp dự án hoàn thành đúng thời gian quy định.
Đặc biệt, giữa tháng 11-2020, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế, họp và yêu cầu Sở GTVT và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan phải khẩn trương thực hiện quyết liệt các vướng mắc, khó khăn còn lại nhằm bảo đảm việc giải ngân nguồn vốn được giao đạt 100% trong năm 2020. Cụ thể, tỉnh yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chồng lấn mặt bằng giữa các dự án. Trước ngày 31-12-2020, phải giải ngân hết số vốn được cấp.
Nhiều hộ gia đình ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đối với UBND TP. Đồng Hới, cần tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường liên quan, đặc biệt chỉ đạo “tổ công tác” tập trung quyết liệt xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc bồi thường, GPMB còn lại để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-11-2020. Đối với các hộ đã được giải quyết đúng, đủ các quyền lợi; đã tuyên truyền, đối thoại, vận động nhưng không chấp hành thì tổ chức bảo vệ thi công và kiên quyết cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.
Về vấn đề chồng lấn mặt bằng thi công với các dự án do Ban quản lý dự án (BQLDA) Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu hai đơn vị phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tính đồng bộ giữa các dự án, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư công và chậm tiến độ các gói thầu của dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông".
Chỉ đạo của UBND tỉnh là như vậy, tuy nhiên, việc thực hiện dự án Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông vẫn không hoàn thành theo đúng thời gian quy định.
Không hoàn thành đúng kế hoạch và phải tạm dừng thi công!?
Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT cho biết, dự án không thể hoàn thành theo đúng thời gian quy định là do vướng công tác GPMB và chồng lấn mặt bằng thi công với dự án khác. Hiện dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" phải tạm dừng thi công để chờ quyết định từ Chính phủ. Sau khi được cho phép gia hạn thêm thời gian thực hiện, dự án sẽ thực hiện tiếp ngay phần còn lại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (thuộc Sở GTVT), hiện toàn bộ phần xây lắp của dự án đã thực hiện và hoàn thành với tổng số tiền 607,427/670,952 tỷ đồng (đạt 90,5% giá trị khối lượng). Riêng nguồn vốn được cấp cho năm 2020 chỉ giải ngân được 194,8/234,3 tỷ đồng (đạt 83%). Số tiền 39,5 tỷ đồng không thể giải ngân được nguyên nhân là do đơn vị thi công không thể hoàn thành các hạng mục còn lại của các gói thầu số 9, 10, 14, 19 và 21 vì vướng công tác GPMB và chồng lấn mặt bằng thi công với các dự án khác.
Cụ thể, tại địa phận phường Đức Ninh Đông (phạm vi tuyến kết nối 3), còn lại 2 hộ chưa nhận tiền theo phương án duyệt. Tại địa phận phường Đồng Phú (tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh), còn vướng mặt bằng 4 hộ dân, phần mặt bằng vướng mắc này thuộc dự án nâng cấp, lát gạch vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh do UBND phường Đồng Phú làm chủ đầu tư và thực hiện công tác GPMB. Hiện tại các hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
Đặc biệt, tại xã Bảo Ninh (phạm vi xây dựng tuyến kết nối 2), hiện còn 19 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền theo phương án duyệt và 2 hộ có đất bị thu hồi chưa phê duyệt phương án.
Về vấn đề chồng lấn mặt bằng thi công, dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" không thể thực hiện được do các gói thầu hệ thống thoát nước thải thuộc các dự án (BQLDA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư) trên các tuyến đường phía Đông dọc bờ sông Nhật Lệ, đường Lê Lợi-Lý Thái Tổ, đoạn từ cầu vượt Lê Lợi-cầu Đức Nghĩa và đoạn từ cầu Đức Nghĩa-Trường THPT Đồng Hới với tổng chiều dài hơn 5.000m chưa được thi công hoặc thi công chưa xong nên chưa thể bàn giao mặt bằng để làm đường.
Đoạn đường Lý Thái Tổ thuộc phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) chưa thể thi công phần mặt đường do các gói thầu thi công hệ thống thoát nước mưa, nước thải (BQLDA Môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư) còn dang dở.
Trước vấn đề này, Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2018, 2019 sang năm 2021 với số vốn là 40 tỷ đồng.
Để giải quyết các vướng mắc về vấn đề chồng lấn mặt bằng, hiện 2 chủ đầu tư đã thống nhất các giải pháp kỹ thuật điều chỉnh và đang trình duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.
Còn đối với công tác đền bù, GPMB tại xã Bảo Ninh, lãnh đạo UBND TP. Đồng Hới cho biết, đã chỉ đạo UBND xã Bảo Ninh, Mặt trận xã và các đoàn thể chính trị-xã hội của xã phối hợp với Ban BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị tư vấn GPMB tiếp tục tổ chức vận động các hộ gia đình chấp hành việc nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng; giao Phòng Tài nguyên-Môi trường tham mưu UBND TP. Đồng Hới ra quyết định giải quyết khiếu nại của các hộ dân ở phường Đức Ninh Đông và Đồng Phú. Khi dự án thực hiện trở lại, đối với các hộ đã giải quyết đúng, đủ các quyền lợi; đã tuyên truyền, đối thoại, vận động nhưng không chấp hành thì tổ chức bảo vệ thi công và kiên quyết cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật...
Tính từ đầu tuần, thương hiệu SJC có 2 phiên tăng giá, 3 phiên giảm giá. Tuy vậy, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn tăng khoảng 30.000 đồng mỗi lượng.
(QBĐT) - Người dân mường tượng khi nhà máy đi vào hoạt động, con em họ sẽ có việc làm ổn định, cơ hội đổi đời ngay trên quê hương mình. Cơ quan hoạch định chính sách kỳ vọng sẽ có cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, còn các đơn vị kinh doanh tiền tệ thì có khách hàng tiềm năng với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.
(QBĐT) - Thời gian qua, TX. Ba Đồn đã tạo được dấu ấn rõ nét cả về số lượng và chất lượng các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển toàn diện, vững chắc, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, thị xã nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ động khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về hạ tầng giao thông cũng như triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ...