(QBĐT) - Sau một thời gian dài sử dụng, ảnh hưởng của thời tiết biến đổi bất thường, nhất là đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, nhiều hạng mục của các công trình thủy lợi đã xuống cấp trầm trọng. Thực tế đó đòi hỏi cấp thiết cần đầu tư sửa chữa gấp các hạng mục công trình bị hư hỏng nhằm bảo đảm sự an toàn cho công trình và việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt...
Công trình thủy lợi đầu tiên mà chúng tôi đề cập đến đó là công trình hồ chứa nước Rào Đá trên địa bàn huyện Quảng Ninh, được đưa vào sử dụng năm 2010. Hồ Rào Đá có dung tích 82 triệu m3 có nhiệm vụ phục vụ tưới cho 4.550ha diện tích vụ đông-xuân và 3.970ha diện tích vụ hè-thu; cấp nước sinh hoạt cho 5 xã: Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh và khu công nghiệp Áng Sơn; giảm lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực.
Do ảnh hưởng của thời tiết biến đổi bất thường, nhất là đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-2020, phần đập tràn xả lũ chính (lưu lượng tràn theo thiết kế là 639m3/s) phía bờ hữu gia cố bằng rọ đá đã bị xói lở mạnh, đổ sập, tạo ra cung trượt lấn sâu vào chân đập chính, uy hiếp an toàn cho đập và trạm biến áp vận hành đập tràn xả lũ.
Có cùng nguyên nhân nói trên, kênh chính dẫn nước của hồ Tiên Lang ở huyện Quảng Trạch được đưa vào sử dụng năm 2000, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 700ha lúa 2 vụ thuộc các xã: Liên Trường, Quảng Thanh, Quảng Phương, Quảng Phong, Quảng Hải, Phù Hóa, huyện Quảng Trạch hiện có nhiều hạng mục công trình, như: tường kênh, đáy kênh đều đã xuống cấp với bê tông bị mục, rỗng, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ cung cấp nước sản xuất. Vị trí hư hỏng, xuống cấp nhiều nhất tập trung tại K0+620 đến K1+855 thuộc địa phận xã Liên Trường.
![]() |
Cũng trên địa bàn huyện Quảng Trạch, công trình hồ chứa nước Vực Tròn ở xã Quảng Châu được đưa vào sử dụng từ năm 1985. Hồ chứa nước Vực Tròn có nhiệm vụ cấp nước cho hơn 2.950ha lúa 2 vụ thuộc huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn; giảm nhẹ lũ cho hạ du, kết hợp nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực.
Do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, hạng mục hố xói tràn xả lũ hồ chứa nước bị sạt lở sâu, gây mất an toàn cho thân đập. Cùng với đó, hệ thống công trình cầu máng Chùa Thông dẫn nước từ hồ chứa nước Vực Tròn về tưới cho gần 400ha lúa mỗi vụ thuộc các xã: Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Phú (Quảng Trạch) qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp trầm trọng.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-2020, các hạng mục, như: mố hạ lưu máng, trụ máng, hệ thống dầm đỡ thuộc công trình kênh chính Bắc hồ Vực Tròn đều đã hư hỏng nghiêm trọng và có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào, gây mất an toàn cho người dân khi đi qua tuyến cầu máng này.
![]() |
Tương tự, công trình kênh chính thuộc công trình hệ thống thủy lợi Rào Nan được đưa vào sử dụng năm 2000, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 700ha lúa 2 vụ thuộc các xã: Quảng Sơn, Quảng Tiên, Quảng Thủy, Quảng Trung, Quảng Tân (TX. Ba Đồn) có các hạng mục, như: bờ tả kênh bị sập hoàn toàn với chiều dài 100m; bờ hữu hệ thống dầm đỡ bị nứt gãy có nguy cơ cao sập với chiều dài 100m, hiện đang được gia cố tạm thời để bơm nước phục vụ sản xuất.
Công trình hồ chứa nước Cửa Nghè ở huyện Bố Trạch đưa vào sử dụng năm 1990 với dung tích hồ 0,67 triệu m3 có nhiệm vụ kết hợp cùng với hồ chứa nước Vực Sanh phục vụ cấp nước tưới ổn định cho 600ha lúa 2 vụ; nuôi trồng thủy sản và cấp nước dân sinh trên địa bàn 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch; phòng chống lụt bão và ứng phó thiên tai cũng có tình trạng tương tự.
Công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp với hiện trạng chưa có tràn phụ, mái thượng lưu chưa được gia cố, đập đất không có tường chắn sóng, cống lấy nước đầu mối đã bị hư hỏng và không có nhà vận hành, tràn xả lũ hẹp không bảo đảm phòng chống lụt bão và ứng phó thiên tai.
Nhất là sau trận lũ lịch sử tháng 10-2020, các hạng mục bị hư hỏng nghiêm trọng hơn, gây mất an toàn cho công trình. Trong khi chờ kinh phí sửa chữa, hồ chứa nước này đã được gia cố tạm thời bằng bao tải đất, tôn cao đỉnh đập, ngăn nước tràn qua đập chính...
Trước thực trạng các công trình thủy lợi nói nên, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, các công trình này đều do công ty quản lý. Các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, cấp thiết cần được đầu tư nguồn vốn để sửa chữa, khắc phục kịp thời. Vì vậy, phía công ty đã kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ, đập và lập hồ sơ tham mưu Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) báo cáo tỉnh đề xuất kinh phí sửa chữa. Đồng thời, công ty đề nghị các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tăng cường kiểm tra, phát hiện những sự cố bất thường có thể xảy ra để chủ động có biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi và người dân vùng hạ du.
![]() |
Trên cơ sở báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình và Sở Nông nghiệp-PTNT, đầu tháng 3-2021, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã chủ trì cùng một số sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đi kiểm tra một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp và hư hỏng của các công trình thủy lợi, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình lập dự toán kinh phí đề xuất sửa chữa các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện công ty đã trình cho UBND tỉnh để được giải quyết về đầu tư kinh phí sửa chữa gấp nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn...
Bùi Thành