Bố Trạch: Đánh thức tiềm năng các làng nghề

  • 02:03, 15/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước nguy cơ các làng nghề trên địa bàn ngày càng mai một, cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Bố Trạch đã trăn trở, nỗ lực thực hiện các giải pháp để khôi phục các nghề truyền thống, đánh thức những tiềm năng dồi dào của vùng quê hội tụ các yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa...
 
Bố Trạch có diện tích tự nhiên khá rộng lớn với địa hình đa dạng bao gồm đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển. Toàn huyện có trên 190.000 nhân khẩu, được phân bố tại 28 đơn vị hành chính, gồm 25 xã và 3 thị trấn. Bao đời, người dân vốn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và duy trì các ngành nghề truyền thống.
 
Trước đây, trên địa bàn huyện Bố Trạch có nhiều nghề và làng nghề. Càng về sau, một số nghề mai một, dần dần một số làng nghề cũng không còn. Nguyên nhân thì có nhiều, như: bà con thay đổi nghề, rời làng đi làm ăn xa... Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do không có sự đầu tư, lạc hậu, nguồn thu nhập hạn chế, dựa vào các nghề truyền thống không đủ chi phí để trang trải cuộc sống... 
Một số nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Bố Trạch dần được khôi phục và phát triển.
Một số nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Bố Trạch dần được khôi phục và phát triển.
“Trước yêu cầu của sự phát triển, huyện Bố Trạch đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực để người dân tận dụng được các lợi thế, tiềm năng, khôi phục các nghề truyền thống, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, phù hợp với xu thế phát triển. Nhờ đó, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn và phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa, được thị trường đón nhận, như: mây tre đan, nón lá, hương, hải sản…, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong những lúc nông nhàn, qua đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho hay.
 
Theo thống kê, Bố Trạch hiện có 7 làng nghề, như: làng Ba Đề (xã Bắc Trạch) với nghề sản xuất nón lá, làng Lý Nhân Nam (xã Nhân Trạch) với nghề chế biến hải sản, làng Quyết Thắng (xã Thanh Trạch) với nghề sản xuất hương, làng Quy Đức (xã Đức Trạch) với nghề chế biến hải sản...; 2 làng nghề truyền thống: làng Mai Hồng (xã Đồng Trạch) với nghề rèn đúc truyền thống, làng Vạn Lộc (xã Vạn Trạch) với nghề sản xuất rượu truyền thống. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 3.000 cơ sở với đa dạng các nghề hoạt động ở khu vực nông thôn thu hút trên 4.200 lao động.
 
Điển hình là nhiều người dân ở một số làng biển: Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch... vẫn giữ vững nghề truyền thống của cha ông, trong đó có nghề chế biến nước mắm.
 
Ở cửa biển Đức Trạch, gia đình bà Lê Thị Vinh (67 tuổi, thôn Trung Đức) là một trong những cơ sở chế biến nước mắm có quy mô lớn tại địa phương. Mỗi năm, gia đình bà Vinh nhập về hơn 20 tấn cá cơm để chế biến nước mắm; giải quyết việc làm cho 9-10 lao động. Với kinh nghiệm của mấy chục năm tâm huyết với nghề, gia đình bà Vinh luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật để tạo ra những giọt nước mắm thơm ngon, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Theo bà Vinh, nghề này vất vả nhưng khi đã gắn bó thì đam mê càng nhiều. Dù tuổi cũng đã cao, nhưng bà vẫn cố gắng theo đuổi, vừa mang lại thu nhập, vừa giữ gìn nghề cho cháu con…
Các làng biển ở huyện Bố Trạch nỗ lực duy trì nghề chế biến hải sản.
Các làng biển ở huyện Bố Trạch nỗ lực duy trì nghề chế biến hải sản.
Ngoài nước mắm, cơ sở của bà Vinh còn mở rộng sản xuất nước mắm nhỏ (mắm quầy) và ruốc. Bình quân, mỗi tấn cá, sau khi ủ lắng sẽ tạo ra hơn 600 lít nước mắm. Ngoài việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, mỗi cơ sở chế biến nước mắm lại có những bí quyết khác nhau, để tạo ra những sản phẩm mang hương vị riêng.
 
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, ngoài cơ sở nước mắm có quy mô lớn, có tiếng như bà Vinh, đã được ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chất lượng định kỳ hàng năm, trên địa bàn xã Đức Trạch, Nhân Trạch còn có khá nhiều cơ sở chế biến nước mắm khác. Tuy nhiên, mỗi hộ làm nghề đều có một bí quyết khác nhau. Có thể nói, làm nước mắm tuy không khó, nhưng mỗi người làm nghề phải dành cả công sức và tâm huyết để gắn bó với nghề. Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, những người làm nghề phải luôn tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
 
Tại xã Mỹ Trạch, một số cơ sở sản xuất với nghề truyền thống cũng đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có thể kể đến tổ hợp tác đan mây xiên Mỹ Trạch do chị Cao Thị Mến phụ trách với 15 thành viên tham gia. Với nguồn nguyên liệu từ mây tre, mỗi tháng, tổ hợp tác sản xuất được 400-500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ với đa dạng chủng loại, như: rổ, rá, mẹt, bình hoa, lẵng hoa, giỏ đựng quả hay đồ vặt, khay, dĩa, mâm, lồng bàn...  Những sản phẩm đã được trưng bày và bán tại các triển lãm, hội chợ trên địa bàn, được khách hàng đánh giá cao từ mẫu mã đẹp đến chất lượng tốt. Giá bán dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng/sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên tổ hợp tác có nguồn thu nhập ổn định.
Một số nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Bố Trạch dần được khôi phục và phát triển.
"Nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đang được khôi phục và phát triển ở Mỹ Trạch".
Với chính sách hỗ trợ từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP),... các ngành nghề nông thôn với một số làng nghề ở Bố Trạch dần được khôi phục, phát triển. Từ các địa bàn vùng gò đồi, như: Cự Nẫm, Phú Định, Sơn Lộc, Vạn Trạch với các nghề làm hương, chế biến dược liệu cho đến các địa bàn ven biển, như: Đức Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch với nghề chế biến hải sản... đều phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có để sản xuất ra các mặt hàng có giá trị, trở thành những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
 
“Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề; đồng thời, tạo điều kiện cho các đối tượng làng nghề vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất vay phù hợp đặc điểm sản xuất ngành nghề. Các ngành, đoàn thể của huyện cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở ngành, nghề tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, xem đây là giải pháp quan trọng để khơi dậy các tiềm năng, phát triển hơn nữa sản phẩm ngành nghề và làng nghề nông thôn trên địa bàn toàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thủy trao đổi thêm.
 
                                                                                               Hương Trà

tin liên quan

Rộn ràng mùa biển đầu năm
Rộn ràng mùa biển đầu năm

(QBĐT) - Những ngày đầu năm mới, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân tại các làng biển trong toàn tỉnh đã tổ chức vươn khơi, bám biển khai thác thủy hải sản. Niềm vui đầu năm là những chuyến tàu đầy ắp cá tôm, báo hiệu một năm mới may mắn, no ấm sẽ về.

Hành trình đưa tinh bột mì tinh ra "biển lớn"
Hành trình đưa tinh bột mì tinh ra "biển lớn"

(QBĐT) - Sản phẩm tinh bột mì tinh Hiền Thuấn vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao. Để có được thành quả như ngày hôm nay, chị Dương Thị Hiền, ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) đã không ngừng nỗ lực, từng bước vượt khó đưa "đứa con" của mình ra "biển lớn".

Du lịch văn hóa-lịch sử: Tiềm năng có bỏ ngỏ?
Du lịch văn hóa-lịch sử: Tiềm năng có bỏ ngỏ?

(QBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế được mệnh danh là "Vương quốc hang động", Quảng Bình đã khai thác tốt các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá hang động. Quảng Bình cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nơi để người dân hướng về nguồn, dịp lễ, Tết. Nhưng để loại hình du lịch văn hóa-lịch sử có hướng phát triển bền vững, nhiều rào cản cần phải nhanh chóng khắc phục…