Minh Hoá: Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

  • 09:02, 03/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, công tác giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền huyện miền núi Minh Hóa. Trên cơ sở các mục tiêu đề ra sát thực tiễn, huyện đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo ở Minh Hóa đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Đổi thay nếp nghĩ, cách làm
 
Cuối năm 2020, gia đình anh Hồ Tha và chị Hồ Thị Thoi, người Khùa ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo chia sẻ của anh Tha, do hai vợ chồng còn trẻ, có rừng trồng và nuôi được trâu bò, cuộc sống tạm đủ cho nên không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước nữa mà xin thoát nghèo để tự mình vươn lên. Sau gia đình anh Tha, 17 hộ nghèo khác ở Trọng Hóa cũng chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
 
Trước đó, năm 2019, ở xã Trọng Hóa đã có 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của ĐBDTTS nơi đây, từ chỗ trông chờ ỷ lại, đến tự lực vươn lên về kinh tế để thoát nghèo. Nhờ đó, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trọng Hóa đã giảm gần 13%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ  81,5% (đầu năm) xuống còn 67,8%.

 

Người dân miền núi Minh Hóa phát triển trồng rừng để giảm nghèo bền vững.
Người dân miền núi Minh Hóa phát triển trồng rừng để giảm nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình ông Cao Tiến Sơn, người Sách ở bản Lương Năng, xã Hóa Sơn là hộ nghèo của xã. Từ năm 2017, nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, 30a…, gia đình ông được ưu tiên hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất. Nhờ vậy, đến cuối năm 2017, gia đình ông Sơn đã được chuyển qua hộ cận nghèo và đến nay thì chính thức thoát nghèo bền vững.
 
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, gia đình ông Sơn là một trong những hộ dân mà lãnh đạo xã tập trung hỗ trợ thoát nghèo trong thời gian qua. Nếu như trước đây, các nguồn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, dự án ưu đãi của Đảng và Nhà nước thường được chia đều cho tất cả người dân trong xã thì những năm gần đây, Hóa Sơn đã thay đổi cách làm. Thay vì hỗ trợ dàn trải, xã tập trung nguồn vốn cho một số hộ nghèo (luân phiên) để bà con có số tiền lớn hơn mua cây, con giống có giá trị, đầu tư sản xuất.
 
Để thực hiện đều này, ngay từ đầu năm, xã Hóa Sơn đã tiến hành rà soát lại hộ nghèo, xác định lại danh sách các hộ cần được tập trung hỗ trợ trong năm mới, đồng thời,giao cán bộ phụ trách giúp đỡ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các hộ này phát triển sản xuất để thoát nghèo.
 
Nhờ cách làm này mà hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hóa Sơn đã giảm khá mạnh và rất bền vững. Nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã là 43,4% thì đến nay chỉ còn 16%.
 
Để giảm nghèo bền vững
 
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, thành tích nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo của huyện, đặc biệt ở các xã biên giới, vùng ĐBDTTS thời gian qua là nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ để có cách làm mới vươn lên thoát nghèo. Riêng trong năm 2020, toàn huyện có thêm 23 hộ làm đơn xin thoát nghèo, trong đó, Trọng Hóa 18 hộ; Hóa Tiến 4 hộ; Trung Hóa 1 hộ. Điều này có thể khẳng định, ý thức của hộ nghèo, hộ ĐBDTTS đã được nâng cao, góp phần khích lệ để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
 
Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và thiên tai khắc nghiệt, nhưng với sự với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả khá.
 
Trong năm, toàn huyện giảm 464 hộ nghèo, tương đương giảm3,68%, giảm số hộ nghèo từ 2.507 hộ (chiếm tỷ lệ 18,34% đầu năm 2019) xuống còn 2.043 hộ (tỷ lệ 14,66% cuối năm 2020); hộ cận nghèo giảm 1.123 hộ, tương đương giảm 8,67%, đưa số hộ cận nghèotừ 4.287 hộ (chiếm tỷ lệ 31,37% đầu năm 2019) xuống còn 3.167 hộ (tỷ lệ 22,70% cuối năm 2020). Đây là sự nỗ lực cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Chăn nuôi trâu bò giúp người dân Minh Hóa thoát nghèo.
Chăn nuôi trâu bò giúp người dân Minh Hóa thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Lĩnh, là một huyện miền núi, có nhiều ĐBDTTS sinh sống, Minh Hóa hiện có 3 khó khăn đặc thù, đó là: điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, một số nơi ý thức tự vươn lên của người dân chưa cao; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế. Mặt khác, thiên tai đã tác động và ảnh hưởng nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế-xã hội và kết quả giảm nghèo của huyện. Thực tế cho thấy, sau những đợt thiên tai bão lũ, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ tái nghèo.
 
Để giảm nghèo bền vững, năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện Minh Hóa đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chính, như: chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việctự tổ chức và bảo đảm cuộc sống cho từng hộ, giảm đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở thông tin và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất...
 
Từ các nguồn dự án, huyện đầu tư hỗ trợ mô hình sinh kế cho người dân để tăng thu nhập và khuyến khích tổ chức theo hình thức tập trung, giảm rủi ro và nâng cao ý thức; đồng thời, huyện tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm, tạo động lực cho người dân thực hiện mô hình. Minh Hóa tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ, giúp hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định, từ đó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Với tinh thần “Không để Minh Hóa tụt lại phía sau”, huyện Minh Hóa đang tranh thủ sự hỗ trợ cấp trên, phát huy nội lực, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để triển khai công tác giảm nghèo bền vững. Huyện xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, huyện Minh Hóa huy động và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, tập trung cao nhất cho việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia sản xuất, nỗ lực vươn lên...
 
Phan Phương

tin liên quan

Các hãng hàng không hỗ trợ khách hoàn vé, đổi vé do dịch COVID-19
Các hãng hàng không hỗ trợ khách hoàn vé, đổi vé do dịch COVID-19
Với Vietnam Airlines, hành khách đã đặt vé những đường bay bị ảnh hưởng có thể hoàn vé ra "Travel Voucher" với ưu đãi tặng thêm 10% giá của vé...
 
Quảng Bình - "Bao đổi thay rồi"...
Quảng Bình - "Bao đổi thay rồi"...

(QBĐT) - Nhắc đến Quảng Bình, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất  "chang chang cồn cát", nơi người dân vất vả nhọc nhằn "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa". Bởi suy nghĩ đó nên khi đến Quảng Bình, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi những cồn cát trắng, biển xanh, nắng và gió, hang động triệu năm bí ẩn… được khai thác hiệu quả, đã và đang khiến vùng đất này chuyển mình mạnh mẽ. Và minh chứng sống động cho sự đổi thay đó chính là câu chuyện của những nhà đầu tư, du khách khi đến với Quảng Bình.

Xã Trọng Hóa nhân rộng mô hình lúa nước trên rộng bậc thang
Xã Trọng Hóa nhân rộng mô hình lúa nước trên rộng bậc thang

(QBĐT) - Sau khi thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang ở bản Dộ-Tà Vờng, vụ đông-xuân năm nay, UBND xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đã quyết định đầu tư khai hoang, nhân rộng mô hình, hướng tới mục đích bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các bản vùng biên giới rẻo cao của xã.