(QBĐT) - Phong Nha 99 (PN99) là giống lúa do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình) chọn tạo. Đây là giống lúa mới triển vọng đã được đưa vào khảo nghiệm tại nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận đem lại năng suất cao. Từ kết quả khả quan đó, vụ đông-xuân 2020-2021, giống lúa PN99 đã được ngành nông nghiệp và các địa phương đưa vào cơ cấu giống lúa chính và nhân rộng ra đại trà.
Vụ hè-thu năm 2020, gia đình bà Lê Thị Liên, ở thôn Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh) trồng thử nghiệm hơn 500m2 lúa giống PN99. Trong quá trình sản xuất, bà Liên nhận thấy giống lúa mới PN99 có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa trước đây gia đình bà từng gieo cấy. Cụ thể, cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt, hạt lúa chắc lại dễ chăm sóc và cho năng suất cao. Sau hơn ba tháng chăm sóc, gia đình bà thu hoạch được hơn 3 tạ lúa.
Cũng trong vụ hè-thu 2020, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Thống Nhất, xã An Ninh phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình sản xuất khảo nghiệm giống lúa PN99 với diện tích hơn 2ha. Mặc dù vụ này, thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, nhiều diện tích thiếu nước tưới, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp nhưng giống lúa PN99 vẫn cho năng suất trên 60 tạ/ha.
Giống lúa PN99 sinh trường và phát triển tốt, đem lại năng suất cao từ 7,5-8 tấn/ha.
Ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX DVNN Thống Nhất cho biết: “HTX đưa vào sản xuất giống PN99 trên 3 chân ruộng: cao, trung bình và thấp, trong đó chân ruộng thấp và trung bình có năng suất cao, từ 65-67 tạ/ ha; còn chân ruộng cao năng suất khoảng 60 tạ/ha. So với các giống lúa trước đây bà con hay sử dụng, như: HT1, HTN6 thì lúa PN99 cho năng suất cao hơn”.
Ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cho biết, với mục đích tìm ra giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng tại địa phương để thay thế dần các giống cũ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, công ty đã bắt tay vào nghiên cứu và chọn tạo ra giống lúa PN99. Giống lúa PN99 do công ty khảo nghiệm, có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống lúa bà con đã gieo trồng trước đây, đó là thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 115-120 ngày vụ đông-xuân và 88-90 ngày vụ hè-thu. Giống PN99 được đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử ở nhiều địa phương, nhưng chưa thấy bị nhiễm các loại sâu bệnh hại chính, có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi, sản xuất được trên nhiều chân đất khác nhau.
Tại thôn Phú Thọ, xã An Thủy (Lệ Thủy), giống lúa PN99 được trồng khảo nghiệm tập trung tại vùng ruộng cao ở đội 1 với diện tích 0,5ha. Ông Châu Văn Sơn, Giám đốc HTX DVNN Phú Thọ cho biết: “Trong quá trình trồng và chăm sóc, lúa PN99 sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều hạt, ít hạt lép, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất 76 tạ/ha. So với các giống lúa thuần trước đây thì PN99 cho năng suất cao hơn và triển vọng hơn”.
Mô hình trình diễn giống lúa Phong Nha 99 tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Nguyễn Minh Quý, Trạm trưởng Trạm giống huyện Lệ Thủy, vụ đông-xuân 2019-2020, huyện Lệ Thủy có 5 HTX trồng thử nghiệm giống lúa PN99 là: An Xá, Phú Thọ, Mỹ Lộc Thượng, Tuy Lộc và Thượng Phong với diện tích hơn 3ha. Đầu vụ mùa có ảnh hưởng của không khí lạnh, giữa vụ lại có mưa lớn và giông lốc nhưng hầu hết ruộng lúa ở các HTX đều phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bông dài. Đặc biệt, trong suốt quá trình sinh trưởng, không thấy ruộng lúa bị nhiễm các đối tượng dịch hại nguy hiểm, như: bệnh khô vằn, rầy nâu, bệnh đạo ôn... Giống lúa PN99 còn cho thấy khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, năng suất thực thu trên toàn huyện là 7,5-8 tấn/ha. Do có nhiều ưu điểm vượt trội, giống lúa mới này được người dân đón nhận tích cực và đang mở rộng diện tích”.
PN99 được các nhà chuyên môn đánh giá là giống lúa mới triển vọng, phù hợp cơ cấu 2 vụ đông-xuân và hè-thu, thích ứng rộng trên các vùng sinh thái của Quảng Bình, thích hợp trên nhiều chân đất từ miền Bắc đến Nam Trung bộ. Không chỉ là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, PN99 còn chống chịu thời tiết, sâu bệnh tốt, không đổ ngã, tỷ lệ xay xát gạo đạt trên 70%.
Vụ đông-xuân 2019-2020, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã phối hợp với các tỉnh: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam trồng thử nghiệm hơn 100ha giống lúa PN99. Qua đánh giá tại các mô hình điểm ở các tỉnh cho thấy, giống lúa PN99 có thời gian từ gieo sạ đến trổ bông là 61-63 ngày, trổ đều nhanh, trổ thoát; độ thuần đồng ruộng khá tốt; thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày. Giống có dạng hình đẹp, bộ lá gọn cứng, cây thấp (từ 95-102cm), lá đòng đẹp xanh, bền lâu, độ tàn lá chậm, năng suất từ khoảng 68-74 tạ/ha.
Ông Nguyễn Hương Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Vụ đông-xuân năm 2020-2021, rất nhiều địa phương trong toàn tỉnh chọn giống lúa mới PN99 để đưa vào sản xuất. So với những giống lúa gieo cấy đại trà ở địa phương, giống lúa PN99 có ưu điểm nổi bật là khả năng chống lạnh tốt, năng suất cao. Đây là giống lúa có nhiều triển vọng để mở rộng diện tích, thay thế những giống lúa hiệu quả kinh tế thấp và được xem là hướng mới giúp thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp của ngành nông nghiệp Quảng Bình”.
“Sau khi trồng khảo nghiệm vụ hè-thu 2020, giống lúa PN99 cho năng suất cao nên vụ đông-xuân này, HTX đã đưa vào sản xuất trên diện tích 53ha với mong muốn sẽ có một vụ mùa bội thu”, ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX DVNN Thống Nhất, xã An Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Thông cho biết thêm, sau khi được ngành nông nghiệp đưa vào cơ cấu giống lúa chất lượng vụ đông-xuân 2020-2021, giống lúa PN99 đã được rất nhiều địa phương trong tỉnh đưa vào sản xuất. Trong đó, huyện Lệ Thủy 400ha, Quảng Ninh 100ha, Bố Trạch 100ha, Quảng Trạch 100ha và TX. Ba Đồn 90ha. Hiện, công ty đang làm các thủ tục trình Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn để PN99 được công nhận giống mới.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện.
(QBĐT) - Chúng tôi đang nói đến việc đầu tư, phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Trong bối cảnh nguồn năng lượng ngày càng hạn hẹp thì việc sử dụng mô hình ĐMTMN là giải pháp tối ưu, mang lại "lợi ích kép", bởi không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng cho người sử dụng mà còn góp phần giảm áp lực đầu tư đối với ngành điện; đồng thời, nâng cao ý thức sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường sống.