(QBĐT) - Năm 2020, mặc dù trải qua nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh, nhưng kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) vẫn khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng. Các HTX hoạt động đúng luật, vốn quỹ tăng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các khâu dịch vụ sản xuất, phát triển nhiều sản phẩm chất lượng cao. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hiện Quảng Bình có 366 HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực, như: chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), nuôi trồng và chế biến thủy sản, dịch vụ nông nghiệp…Các HTX có tổng số vốn điều lệ 5.730.381 triệu đồng, tổng doanh thu 578.293 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 46.477 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,9 triệu đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có 251 HTX hoạt động với 67.409 thành viên. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thực hiện tốt vai trò điều tiết nước, lịch gieo trồng, thu hoạch, tìm hiểu các giống lúa mới năng suất áp dụng vào gieo cấy. Nhờ đó, cả 2 vụ mùa năm 2020 đều đạt năng suất, chất lượng cao.
![]() |
Lĩnh vực TTCN có 40 HTX với 325 thành viên, hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề hiệu quả, như: cơ khí, gia công mộc mỹ nghệ, sản xuất chế biến rượu, nước mắm, bánh mè xát, khoai deo, dầu ăn, làm nón, sản xuất mây tre đan... Lĩnh vực này đang chuyển hướng sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng cao, mức tăng trưởng và hiệu quả khá.
Bà Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông sản Trường Thủy, xã Liên Trường (Quảng Trạch) chia sẻ: “Tôi thấy ở địa phương có nguồn lao động, nguyên liệu lạc rất dồi dào nên quyết định thành lập mô hình HTX nhằm chế biến, sản xuất dầu lạc nguyên chất, tạo ra phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
HTX nông sản Trường Thủy được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017, có vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng, vùng nguyên liệu được ký kết bao tiêu 25ha. Đến nay, sản lượng dầu ép ra đã tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước (đạt 2.100 lít/tháng), doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận gần 450 triệu/năm. Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương và 50 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao), dầu lạc nguyên chất của HTX từng bước khẳng định được giá trị của mình khi có mặt tại các siêu thị uy tín và các thị trường "khó tính" tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Năm 2020, dầu lạc nguyên chất của HTX nông sản Trường Thủy được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
![]() |
Năm 2020, HTX mây tre đan Vân Sơn (huyện Tuyên Hóa) cũng trải qua nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai và dịch bệnh. Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX mây tre đan Vân Sơn cho biết: “Để vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế kinh tế tập thể, HTX đã tập trung đào tạo nghề cho lao động để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu mã đẹp. Đồng thời, HTX đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường, quan tâm thường xuyên đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động”.
Hàng năm, HTX đã xây dựng kế hoạch, liên hệ với các trung tâm dạy nghề khảo sát tìm hiểu nhu cầu học nghề, sở thích của người dân để vận động mở lớp dạy nghề cho hàng trăm thành viên. Hiện HTX có 2 nhà xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ dòng mây tre đan và 1 nhà xưởng chuyên sản xuất chế biến nguyên liệu song mây. Về thị trường, HTX không chỉ tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm mà còn tìm các đối tác liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, HTX liên kết với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại TP. Hà Nội để bán nguyên liệu thô, các loại khuôn mẫu, dụng cụ đan xiên và học hỏi kinh nghiệm…
Nhờ đó, HTX đã cho ra đời mỗi năm từ 2.500-4.000 sản phẩm đan lát thủ công dòng mây tre đan, 17.000 tấn cây vọt nguyên liệu dùng để sản xuất tấm lợp, 8-10 tấn nguyên liệu song mây. Tổng thu nhập của HTX đạt trên 3,1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức thu nhập trên 54 triệu đồng/người/năm. Từ những nỗ lực đó, năm 2020, sản phẩm của HTX được công nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Ngoài ra, nhiều HTX trong các lĩnh vực, như: vận tải, xây dựng, thương mại, du lịch, tín dụng, nông nghiệp sạch cũng đang trên đà phát triển, khẳng định được vị thế, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, kinh tế tập thể HTX đã đóng góp khoảng 4% vào GDP của tỉnh, gián tiếp đóng góp qua kinh tế hộ thông qua vai trò dịch vụ sản xuất. Về xã hội, kinh tế tập thể HTX đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, tăng thu nhập, thực hiện xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng cho người lao động…
![]() |
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Để kinh tế tập thể HTX khẳng định vị thế của mình trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Luật HTX năm 2012 cùng các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, phát triển mạnh kinh tế tập thể HTX với nhiều hình thức, loại hình, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực; chỉ đạo ổn định hoạt động sau chuyển đổi, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các HTX”.
Liên minh HTX tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển lực lượng sản xuất trong các HTX nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Riêng trong năm 2021, phấn đấu có 95% HTX hoạt động ổn định và có lãi, trong đó, 60% HTX được xếp loại khá, tốt; xây dựng 30 mô hình HTX điển hình tiên tiến toàn diện, 2 mô hình HTX sản xuất, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm…
Xuân Vương