(QBĐT) - Ngày 22-12-2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2331/UBND-KT yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi vụ Đông-Xuân.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh, năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc tại 03 huyện làm 197 con trâu bò mắc bệnh; 19 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong 02 đợt tại 06 huyện, thành phố, thị xã làm 157 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng tiêu hủy hơn 7.000 kg.
Nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021 là rất cao, do: Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài; môi trường chăn nuôi sau lũ lụt bị ô nhiễm, thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển; việc tái đàn, tăng đàn và hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán tăng mạnh, trong khi công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật tại một số địa phương chưa chặt chẽ; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, nguy cơ bệnh Viêm da nổi cục trâu bò xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh rất cao.
Để chủ động kiểm soát không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trên địa bàn, đồng thời tăng cường phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm, ngày 22-12-2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2331/UBND-KT yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh động vật, biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi để người chăn nuôi biết áp dụng, đồng thời định hướng dư luận để bảo vệ sản xuất; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung đợt 2 năm 2020 cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh và điều kiện về tái đàn lợn; chú trọng việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là vùng đã từng xảy ra dịch, vùng có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, phát hiện, cảnh báo sớm, xử lý dứt điểm, triệt để ổ dịch, đặc biệt là bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm…; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập của công tác thú y tại tuyến huyện, xã trong phòng, chống dịch bệnh, lưu ý công tác báo cáo tình hình, số liệu dịch bệnh; xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, không khai báo làm dịch bệnh lây lan, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng, cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không đảm bảo chất lượng, cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi; quản lý hoạt động giết mổ động vật, đặc biệt là cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, xử lý nghiêm trường hợp giết mổ không được kiểm soát, nghiêm cấm việc buôn bán không đúng địa điểm quy định; chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để trâu, bò bị đói, khát; nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 120C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu bò; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, xử lý xác gia súc chết và chất thải vật nuôi theo quy định; khẩn trương xây dựng, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021, chủ động xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh; chủ động hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, người chăn nuôi thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi như thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại... nhất là đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trái phép, chế biến sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (lũ lụt, rét đậm, rét hại…) để hướng dẫn địa phương xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; cử ngay các doàn công tác do lãnh đạo Sở, đơn vị chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi tại các địa phương, tổng hợp báo cáo kết quả, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Cùng với đó, Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi theo quy định.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Quảng Bình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp thực hiện công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chỉ đạo thành viên, các sở ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã và lực lượng chuyên môn chăn nuôi thú y tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi trên trâu bò mới xuất hiện tại nước ta.
Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi; thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để người chăn nuôi biết, chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi.