Tập trung khắc phục hệ thống thủy lợi sau mưa lũ

  • 02:12, 14/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Hiện, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021.
 
Thiệt hại nặng nề
 
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có 150 hồ chứa; 208 đập dâng và nhiều hệ thống, đê, kè thủy lợi khác. Nhiều hồ chứa, đê, kè, xây dựng đã lâu nhưng chưa được nâng cấp sửa chữa hoặc chỉ sửa chữa nhỏ nên mức độ an toàn công trình chưa cao.
 
Hồ Cây Gạo nằm trên địa phận thôn Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng do ảnh hưởng của mưa lũ. Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch cho biết, hồ Cây Gạo phục vụ tưới tiêu cho hơn 50ha lúa trên địa bàn xã Hòa Trạch và xã Tây Trạch, giảm ngập lụt cho vùng hạ du. Ngoài ra, hồ Cây Gạo còn cung cấp nước sinh hoạt cho 354 hộ dân thôn Cà. Được đưa vào vận hành từ hàng chục năm trước nên hồ Cây Gạo đã xuống cấp, nhiều chỗ bị lún sụt, thẩm thấu. Đợt mưa lũ liên tiếp thời gian qua đã làm cống lấy nước không hoạt động được, thân hồ bị sạt trượt vùng hạ du.
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khắc phục khẩn cấp công trình hồ chứa nước Cửa Nghè, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch.
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khắc phục khẩn cấp công trình hồ chứa nước Cửa Nghè, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch.
Cống Đường Ngang, ở thôn Diên Phúc, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt cho 250ha lúa, tiêu thoát lũ bảo vệ đất nông nghiệp và tài sản của người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, cống Đường Ngang đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng.
 
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc cho hay, cống Đường Ngang không chỉ bảo vệ đất sản xuất cho phường Quảng Phúc mà còn ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường Quảng Thọ và phường Quảng Thuận. Hiện tại, cống đã xuống cấp nghiêm trọng không thể sửa chữa được. Nếu không được xây mới, nước mặn từ biển sẽ xâm nhập vào diện tích đất nông nghiệp và diện tích này sẽ không sản xuất được.
 
Đê tả sông Kiến Giang đoạn qua huyện Quảng Ninh bị xói lở thân đê và tấm lát mái đê.
Đê tả sông Kiến Giang đoạn qua huyện Quảng Ninh bị xói lở thân đê và tấm lát mái đê.

Theo ông Đinh Khánh Hậu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp-PTNT), nhiều đê, kè trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Kè biển Quảng Phúc, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn bị xâm lấn mạnh, diện tích rừng phòng hộ ven biển bị gãy đổ cuốn trôi với chiều dài khoảng 5km. Một số tuyến đường ven biển bị sạt lở khoảng 5km, cách nhà ở của người dân khoảng 8m. Đây là khu vực cửa biển chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng chảy và sóng biển.

Hiện nay, tình trạng xói lở đang diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Việc đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ biển tại khu vực này là rất cần thiết, cấp bách.

 
Theo Chi cục Thủy lợi, đa số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu nên đang trong tình trạng xuống cấp. Đợt mưa lũ vừa qua càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn. Nhiều nơi hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng, không thể sửa chữa, phải đầu tư xây mới.
 
Điển hình như kè chống sạt lở bờ sông Kiến Giang đoạn từ cầu Phong Xuân đi Hà Cạn thuộc tổ dân phố Phong Giang, thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy). Đoạn kè này được xây dựng từ năm 1999, có chiều dài 700m. Mưa lũ hàng năm đã làm chân kè bị xói sâu, một số đoạn hàng rào, sân, chân tường nhà dân xuất hiện vết nứt. Khi nước sông Kiến Giang xuống thấp, nguy cơ gây sập và trượt tuyến đường khiến 18 hộ dân sinh sống ở khu vực này sẽ không được bảo đảm an toàn.
 
Nhanh chóng khắc phục
 
Những ngày sau khi lũ rút, các địa phương đã tranh thủ sự giúp đỡ của lực lượng chức năng và nhân dân nhanh chóng hàn gắn lại những tuyến đê sông, đê biển, kênh mương bị vỡ và sạt lở; đồng thời, huy động nguồn lực và công sức của người dân khắc phục với kinh phí gần 70 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc cho hay, cùng với sự hỗ trợ của người dân, chính quyền xã đã trích kinh phí 15 triệu đồng thuê máy móc, phương tiện đắp lại thành cống Đường Ngang đã bị đẩy trôi. Đây là biện pháp khắc phục tạm thời để phục vụ hoạt động sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021. Nếu không khắc phục, nước mặn xâm nhập thì người dân không thể sản xuất nông nghiệp.
 
Theo ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch, sau khi nhận được thông báo cống vận hành hồ Cây Gạo không thể sử dụng được, nước thẩm thấu tràn về nhà dân và đất sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã đã nhanh chóng huy động người dân gia cố, bảo vệ thân hồ. Xã đã trích 25 triệu đồng chở 40m3 đá, 70m2 vải địa khắc phục tạm thời những vị trí hồ bị sạt lở, thẩm thấu.
 
Sau khi Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Thủy lợi kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế, UBND tỉnh đã quyết định trích 1,5 tỷ đồng khắc phục sửa chữa các hạng mục: làm cống mới, gia cố mái và xử lý chống thấm thân đập.
 
“Kinh phí dự kiến sửa chữa hồ Cây Gạo là hơn 3 tỷ đồng, UBND xã đã làm tờ trình xin UBND huyện Bố Trạch đối ứng 1,5 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, xã sẽ tiến hành thi công, sửa chữa vào đầu tháng 3-2021”, ông Lâm cho hay. 
Công trình thủy lợi Vực Tròn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho các xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Công trình thủy lợi Vực Tròn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho các xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch.
Để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc và các địa phương khẩn trương khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng do mưa lũ gây ra, bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sở đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng để bảo đảm phục vụ sản xuất đông-xuân 2020-2021.
 
Ông Đinh Khánh Hậu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, vừa qua, Sở Nông nghiệp-PTNT đã cùng với đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra, đánh giá thiệt hại hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Sau khi khảo sát thực tế, đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi đã tổng hợp mức độ thiệt hại trình Bộ Nông nghiệp-PTNT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những hỗ trợ kịp thời.
 
Được biết, sau khi làm việc với UBND tỉnh và đi khảo sát thực tế tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức JICA (Nhật Bản) hứa sẽ hỗ trợ gói vay không hoàn lại khoảng 42 triệu USD trong vòng 2 năm để tái thiết hạ tầng thủy lợi, nước sạch, giao thông, y tế và giáo dục. Trong đó, dự kiến gói hỗ trợ sửa chữa, khắc phục hệ thống thủy lợi là 1.200 tỷ đồng.
Thống kê từ Chi cục Thủy lợi, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 87.076m đê, kè và 188.001m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 109.926m kênh mương và 262.677m3 đất đá, bê tông bị sạt trôi; 345 cống bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính gần 500 tỷ đồng.
Lan Chi

tin liên quan

Linh hoạt chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả
Linh hoạt chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

(QBĐT) - Vài năm trở lại đây, chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả được các địa phương trong tỉnh triển khai một cách tích cực, hiệu quả. 

Nâng cao chất lượng thực thi văn hóa doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng thực thi văn hóa doanh nghiệp

(QBĐT) - Thời gian qua, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình luôn quan tâm xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Nhờ vậy, đơn vị đã tạo được hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín đối với khách hàng; chất lượng các dịch vụ không ngừng được nâng lên.

Bố Trạch: Kích cầu phát triển du lịch trở lại
Bố Trạch: Kích cầu phát triển du lịch trở lại

(QBĐT) - Được ví như "trái tim" du lịch của Quảng Bình, những năm qua, huyện Bố Trạch đã nỗ lực phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để thu hút lượng du khách đông đảo đến với miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, lượng khách đã sụt giảm đáng kể. Trước biến động đó, Bố Trạch đề ra các giải pháp thích hợp áp dụng trong thời gian tới để kích cầu phát triển du lịch trở lại.