(QBĐT) - Những trận lũ tháng 10 và bão tháng 11 vừa qua đã làm cho những vườn rau của huyện Lệ Thủy gần như mất trắng. Nhưng khi bão lũ đi qua, người dân nơi đây quyết tâm bắt tay khôi phục sản xuất, làm nên những vườn rau xanh.
Huyện Lệ Thủy có trên 1.500ha đất trồng rau các loại, tập trung nhiều ở xã Cam Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy… Sau trận lũ lịch sử tháng 10-2020, những vùng chuyên trồng rau của huyện và các khu vườn của bà con bị thiệt hại rất nặng nề. Hầu hết vùng trồng rau đã bị ngập úng và bùn non vùi lấp. Hệ thống nhà lưới, nhà màng bảo vệ rau cũng bị cuốn trôi, trộn lẫn với bùn cát khiến những cánh đồng rau xanh tốt trở nên xơ xác. Ngay sau khi lũ rút, người nông dân huyện Lệ Thủy đã bắt tay ngay vào việc tái sản xuất, trước mắt là khôi phục lại các vùng trồng rau.
Người dân xã Thanh Thủy nỗ lực làm đất trồng rau sau lũ.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Hầu hết diện tích đất trồng rau của bà con trong huyện đều bị ngập và ảnh hưởng do đợt bão lũ vừa qua. Khi cơn lũ đi qua, phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, đánh giá, tổng hợp thiệt hại và thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả, trước hết là hỗ trợ giống, kỹ thuật cho bà con”. Đến thời điểm này, huyện đã tiếp nhận 1 tấn hạt giống rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia; 500kg giống rau của Công ty giống Thái Bình hỗ trợ và phân bổ cho bà con sản xuất.
Về xã Cam Thủy những ngày đầu tháng 12, chúng tôi đã thấy những vườn rau xanh mướt trong các khu vườn nhà dân. Hiện toàn xã có trên 27ha đất trồng rau tập trung. Mặc dù trời mưa, rét nhưng bà con vẫn đang tích cực cuốc xới đất để gieo hạt, chăm bón nên có nhiều vườn rau đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy chia sẻ: “Trận lũ tháng 10 vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ diện tích đất trồng rau, gây thiệt hại cho bà con nông dân khoảng 1 tỷ đồng. Để khôi phục sản xuất, nguồn dự trữ quốc gia đã hỗ trợ bà con trong xã 74kg hạt giống rau. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi thêm các tổ chức từ thiện hỗ trợ giống rau, tiền mặt để giúp bà con mua giống sản xuất”.
Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nỗ lực của bà con nông dân, đến nay, toàn bộ diện tích đất trồng rau của xã đã được trồng lại. Trong đó, có trên 11ha diện tích rau đã phủ xanh, riêng rau cải mầm đã được bà con thu hoạch từ 1 đến 3 lứa. Các loại rau khác, như: cần, xà lách, cải bẹ…cũng đã lên xanh, được bà con tỉa trồng theo từng luống.
Gia đình anh Trần Như Thi có 700m2 đất trồng rau, trung bình mỗi năm cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 trận lũ tháng 10 đã làm vườn rau của gia đình anh bị thiệt hại nặng, thu nhập bị ảnh hưởng không nhỏ. Quyết tâm không để đất nghỉ, ngay khi lũ đi qua, anh tích cực thu dọn bùn đất, cuốc xới và trồng cải mầm cùng nhiều loại rau khác. Đến nay, anh đã thu hoạch được 3 lứa cải mầm, bán được 18 triệu đồng. Các loại rau khác trong vườn cũng đang phát triển rất tốt, hứa hẹn cho gia đình nguồn thu nhập khá.
Anh Trần Như Thi ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy tích cực chăm sóc vườn rau của gia đình.
Tại xã Thanh Thủy, công tác tái sản xuất sau lũ cũng được bà con triển khai khẩn trương. Với phương châm nước trong vườn rút đến đâu, sản xuất đến đó, hàng chục ha đất trồng rau của bà con trong xã đã được xuống giống, trong đó, có nhiều vườn rau đã nẩy mầm xanh tốt.
Ông Dương Văn Luyện, ở thôn 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy chia sẻ: “Năm nay lũ to, phù sa nhiều nên trồng rau tốt lắm. Các loại rau tôi mới trồng giờ đã nẩy mần lên xanh. Hy vọng thời gian tới, rau được giá là bà con phấn khởi”. Vườn rau nhà ông Luyện rộng chừng 350m2, trong đó, ông tập trung trồng các loại rau cải, xà lách, ngò, hành, dưa leo... Mô hình này đã giúp gia đình ông thu lãi ròng mỗi năm khoảng 60 triệu đồng. Hiện vườn rau của ông đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn những ngày bội thu trước mắt.
Có thể thấy, công tác tái sản xuất sau lũ, nhất là việc trồng rau trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được các cấp chính quyền và người dân hết sức quan tâm. Nhờ đó, những vườn rau đã xanh lại trên vùng lũ, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trước mắt và thời gian tới.
(QBĐT) - Trong tháng 11 và 12-2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), Sở Công thương đã tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng nông thôn các huyện trên địa bàn tỉnh. Các phiên chợ bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước mở rộng thị trường quảng bá sản phẩm; người dân miền núi, vùng nông thôn từng bước ưu tiên sử dụng hàng Việt cho nhu cầu tiêu dùng.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự báo Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035 nhờ xuất khẩu tăng mạnh và vượt qua Đài Loan về quy mô nền kinh tế.
(QBĐT) - Năm 2021, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được triển khai với chủ đề "Kinh doanh trách nhiệm-Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới". Với chủ đề này, Bộ Công thương mong muốn từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước trong bối cảnh tình hình mới.