Cầu nối đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn

  • 10:12, 14/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tháng 11 và 12-2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), Sở Công thương đã tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng nông thôn các huyện trên địa bàn tỉnh. Các phiên chợ bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước mở rộng thị trường quảng bá sản phẩm; người dân miền núi, vùng nông thôn từng bước ưu tiên sử dụng hàng Việt cho nhu cầu tiêu dùng.
 
Ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng phòng XTTM, Trung tâm KC-XTTM cho biết, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn là hoạt động nằm trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Nhằm mang lại hiệu quản tốt nhất, Trung tâm KC-XTTM đã tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của người dân tại các địa phương dự kiến sẽ tổ chức phiên chợ. Từ đó, trung tâm tiến hành mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có uy tín, năng lực sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Để thu hút các doanh nghiệp tham gia phiên chợ, trung tâm đã hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, lắp đặt gian hàng… cho các doanh nghiệp.
 
Mặc dù trong năm 2020 có những khó khăn, như: tác động của dịch Covid-19, bão lũ…, nhưng với nỗ lực của đơn vị và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các địa phương, Trung tâm KC-XTTM đã tổ chức thành công 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn (huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh và huyện Bố Trạch), 2 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi (huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa). Mỗi phiên chợ có quy mô 20 gian hàng với sự tham gia của 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. 
Các sản phẩm tham gia tại các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Các sản phẩm tham gia tại các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ gồm: lương thực, thực phẩm, nông sản, đồ uống, hàng gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, áo quần thời trang, máy móc thiết bị… Đây là các sản phẩm hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh), chị Nguyễn Thanh Lan chia sẻ: “Phiên chợ có nhiều sản phẩm do các nhà sản xuất trong tỉnh bày bán, như: khoai deo, mật ong, tinh bột nghệ, tinh dầu tràm… Tôi đã chọn mua được một số sản phẩm và khá hài lòng về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm”.
 
Với không khí mua bán tấp nập, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đã góp phần giúp người dân nơi đây có cơ hội tiếp xúc, nhận biết rõ hơn các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, từ đó, nâng cao nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt… Các phiên chợ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
 
Chị Nguyễn Thị Như Mận, Giám đốc Công ty TNHH Như Mận (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, chúng tôi không chỉ bán được hàng mà còn có thêm cơ hội để giới thiệu sản phẩm khoai deo của công ty đến với người tiêu dùng vùng nông thôn, miền núi. Sau khi nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, công ty sẽ có các phương án cải tiến mẫu mã, sản phẩm để phù hợp với nhu cầu sử dụng của tất cả người dân”.
 
Đánh giá hiệu quả của các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM cho biết: “Các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn là hoạt động quan trọng trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Các phiên chợ ngoài mục đích phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng thiết yếu của bà con nhân dân, còn là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và tiếp cận người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù thời gian tổ chức ngắn, quy mô nhỏ nhưng các phiên chợ đã thu hút được sự quan tâm tìm hiểu, mua sắm của người dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt, loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng…”
 
Lê Mai

tin liên quan

'Dự báo năm 2023, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao'
'Dự báo năm 2023, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao'
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự báo Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2035 nhờ xuất khẩu tăng mạnh và vượt qua Đài Loan về quy mô nền kinh tế.
 
Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới
Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới

(QBĐT) - Năm 2021, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được triển khai với chủ đề "Kinh doanh trách nhiệm-Tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới". Với chủ đề này, Bộ Công thương mong muốn từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước trong bối cảnh tình hình mới.

Tập trung khắc phục hệ thống thủy lợi sau mưa lũ
Tập trung khắc phục hệ thống thủy lợi sau mưa lũ

(QBĐT) - Đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Hiện, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021.