(QBĐT) - Trước nền nhiệt độ liên tục giảm sâu, ban đêm đã xuống gần 10 độ C, chính quyền địa phương và người chăn nuôi ở huyện miền núi Minh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe và sự phát triển của đàn trâu, bò…
Chăn nuôi được xác định là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của huyện Minh Hóa. Những năm qua, chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu bò đã giúp hàng nghìn hộ gia đình ở huyện Minh Hóa thoát nghèo và dần ổn định cuộc sống.Thế nên, với người dân huyện miền núi Minh Hóa, trâu bò luôn được coi là “đầu cơ nghiệp”, là nguồn tài sản quý giá.
Mỗi năm khi mùa mưa lũ về, mùa “rét đậm, rét hại” đến, mối lo lớn nhất đối với người dân Minh Hóa không chỉ là tính mạng con người mà còn phải làm sao để bảo vệ đàn trâu bò trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Những ngày qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ ở huyện miền núi xuống thập, ban đêm có khi xuốc dưới 10 độ C. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, chính quyền và người chăn nuôi trên địa bàn huyện Minh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp chống rét cho đàn trâu, bò.
Bà Cao Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết, huyện hiện có đàn trâu, bò trên 20.000 con. Để phòng chống rét cho đàn trâu, bò, ngay sau trận mưa lũ lịch sử vào giữa tháng 10-2020 và đầu mùa rét, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét. Đồng thời, khuyến cáo người dân tích trữ thức ăn, giữ ấm chuồng trại, không chăn thả rông trâu bò ngoài rừng... nhằm phòng chống rét cho đàn vật nuôi của gia đình.
![]() |
Gia đình chị Trương Thị Hồng Nương (thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa) chia sẻ: “Trâu, bò là nguồn thu nhập chính của gia đình, tài sản có giá trị rất lớn nên gia đình tôi phải chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, đặc biệt là trong mùa mưa rét. Hàng năm, cứ đầu mùa đông là gia đình tôi chuẩn bị bạt chắn gió ở chuồng trại; dự trữ thức ăn khô (bột ngô), trồng thêm cỏ để làm thức ăn tươi cho trâu bò; thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y”.
Cũng giống như gia đình chị Nương, khi nắm được thông tin không khí lạnh tiếp tục tăng cường và kéo dài, hầu hết người dân tại xã Tân Hóa đã tập trung che chắn chuồng trại, lên rừng bứt cỏ, chặt chuối và xay bột ngô để bổ sung nguồn thức ăn dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho đàn trâu bò.
Bà Trương Thị Lương (xã Tân Hóa) cho biết: “Gia đình tôi đang có 5 con bò, đợt mưa lũ vừa qua, cánh đồng cỏ tự nhiên ở xã Tân Hóa đều bị chết hết nên thức ăn cho trâu bò hầu như không còn. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, ngoài 1ha cỏ voi được trồng trên lèn đá, giá đình tôi phải vào rừng chặt thêm chuối. Ngoài ra, để đàn bò có sức khỏe chống chọi với rét, thỉnh thoảng chúng tôi còn nấu cháo loãng, pha muối ấm cho bò ăn. Nhờ chăm sốc tốt, đàn bò của gia đình chưa khi nào bị thiệt hại do rét”.
Ông Đinh Minh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, ngoài các biện pháp phòng chống rét cho trâu, bò; do địa hình xã là vùng rốn lũ, sau lũ lại rét đậm, nên hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, xã cũng vận động bà con bán bớt trâu bò, cất giữ tiền, qua năm khi thời tiết ổn định thì mua lại để chăn nuôi. “Những gia đình có đàn trâu bò nhiều, cứ đến mùa mưa lũ là họ bán bớt để dễ bề chăm sóc những con còn lại và bảo toàn được tài sản”, ông Hiền nói.
Hóa Hợp là một trong những địa phương có đàn trâu bò phát triển mạnh của huyện Minh Hóa với tổng đàn trên 2.140 con. Ông Đinh Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết, địa hình chủ yếu của xã là đồi núi, nhiệt độ thường xuống thấp nên chúng tôi hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại. Những ngày rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn tại chuồng, có thể đốt củi, trấu để sưởi ấm; tuyệt đối không chăn thả trâu bò khi nền nhiệt dưới 13 độ C…”.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết, theo dự báo, nền nhiệt độ trung bình mùa đông năm nay có xu hướng thấp hơn so với mùa đông năm ngoái. Điều kiện thời tiết mưa rét làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại, phát tán. Vì vậy, phòng đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đói, rét; dịch bệnh cho đàn trâu, bò.
"Chính quyền địa phương các xã cần tuyên truyền người chăn nuôi vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh, vừa chống rét cho đàn trâu bò. Trong thời gian trời mưa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, không chăn thả trâu bò ngoài đồng, cần chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, không để cho trâu bò bị đói. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm kín gió, cho uống nước ấm, bổ sung chất dinh dưỡng… để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Khi có hiện tượng vật nuôi ốm, bệnh phải báo cho chính quyền và cán bộ chuyên môn…”, bà Bê khuyến cáo.
Phan Phương
* Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, gia súc, gia cầm.
Những ngày này, đàn bò lai 5 con của gia đình ông Nguyễn Đình Khoa ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã được nuôi nhốt tại chuồng. Ông Khoa cũng đã chủ động dùng bạt che chắn chuồng trại kín gió, dự trữ thức ăn đầy đủ cho đàn bò của mình trong mùa đông.
Ông Khoa cho biết: “Trước đây, người dân ở đây có thói quen chăn nuôi thả rong. Vì vậy, cứ đến mùa đông, đàn gia súc của nhiều gia đình bị bệnh và chết vì đói, rét. Thế nhưng, những năm gần đây, mỗi khi thời tiết chuyển rét, người dân không còn chăn thả rong như trước, mà nuôi nhốt hoàn toàn tại chuồng. Mỗi con bò là một gia sản lớn của người nông dân nên không thể không quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Mấy năm trước, gia đình tôi phải lên các vùng đồi núi của huyện Minh Hóa để cắt cỏ về dự trữ. Nhưng năm nay, gia đình đã chuyển đổi 3 sào đất sang trồng cỏ, cùng với cây ngô, sắn củ có sẵn, thức ăn cho bò chắc đủ qua mùa đông này”.
Ông Phùng Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa cho biết, để phòng, chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn che chắn chuồng trại nuôi nhốt, không thả rong trong mùa mưa rét; đồng thời, phân loại gia súc để có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng. Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn theo chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện, nên ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc đã được nâng lên.
Tuyên Hóa là huyện miền núi có nền nhiệt độ vào mùa đông thấp, lại là địa phương có đàn gia súc, gia cầm khá lớn của tỉnh. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, huyện Tuyên Hóa đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng, chống rét và các dịch bệnh thường xuất hiện trong mùa đông.
![]() |
Theo thống kê, hiện tổng đàn gia súc của huyện Tuyên Hóa là 48.558 con. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 53%. Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và cá nuôi, huyện Tuyên Hóa đã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho nhân dân nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Đối với trâu, bò, người dân chủ động gia cố, che chắn, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng và tích trữ các loại thức ăn như trồng các loại cỏ có năng suất, chất lượng cao (cỏ VA06, cỏ Voi, ngô…). Nếu rét đậm kéo dài, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo quản thức ăn cho gia súc, như: ủ chua, rơm ủ urê, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp (ngô, sắn, cám gạo…).
Người dân tuyệt đối không thả rong trâu, bò mà nên nuôi nhốt trong chuồng kín gió, và giữ cho nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; đồng thời, tăng cường vệ sinh phòng bệnh định kỳ, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa rét.
D.C.H