(QBĐT) - Thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) được biết đến với phong trào nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng chục hộ dân. Thế nhưng, sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, những hộ nuôi cá ở đây đã trắng tay, gần 20 tấn cá chẽm đến thời điểm xuất bán bị chết, bao nhiêu công sức của người dân cuốn theo dòng nước đục ngầu...
Ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết: “Mưa lũ nhiều ngày qua đã khiến cá nuôi trong lồng bè của người dân ở thôn Phú Ninh bị chết rất nhiều. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mực nước dâng cao, chảy xiết, lượng phù sa quá nhiều, gây thiếu ôxi dẫn đến các loại cá lồng bị chết. Hiện nước đã rút nhưng thiệt hại về tài sản của bà con Duy Ninh là rất lớn”.
Cá của người dân Duy Ninh đã trôi theo dòng nước lũ
Được biết, từ năm 2013, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân sinh sống dọc sông Kiến Giang thuộc hai thôn Phú Ninh, Phú Vinh đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Giống cá xác định đưa vào nuôi là cá chẽm, một loại cá có giá trị kinh tế cao, thị trường dễ chấp nhận. Nghề nuôi cá lồng đã giúp họ vơi bớt đi những nhọc nhằn của nghề làm nông, đời sống người nuôi cá ngày càng khấm khá. Hiện toàn xã có 21 hộ nuôi với 38 lồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và địa bàn huyện Quảng Ninh bị ngập lụt trên diện rộng, trong đó có xã Duy Ninh, nước lũ từ thượng nguồn sông Kiến Giang đổ về quá nhanh mang theo rất nhiều rác thải, phù sa cộng thêm áp lực nước chảy mạnh dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt.
Có mặt tại thôn Phú Vinh sau khi lũ gần rút hết, chúng tôi thấy hầu hết các bè nuôi cá lồng của người dân trên sông đã bị nước lũ xô dạt xiêu vẹo, bỏ không do cá chết, một vài người đang gia cố lồng bè để lũ khỏi cuốn trôi lồng cá.
Ông Phạm Thanh Nhàn, thôn Phú Ninh cho biết: "Gia đình tôi nuôi 10 lồng cá chẽm, khoảng 4.000 con. Thường thì trước lũ là cá dược xuất bán, chỉ chừa lại khoảng 1/3 để bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng năm nay, do dịch Covid nên đầu ra của cá khó khăn, cá mới chỉ bán ở chợ được một ít, giờ lũ về cá chết trắng. Nếu như lũ mọi năm thì người nuôi có thể bán rẻ vớt vát được một phần vốn liếng bỏ ra. Nhưng đợt lũ này nước lên quá nhanh, dòng chảy quá mạnh nên chúng tôi đành “bỏ của chạy lấy người” chứ không vớt vát được gì, ước tính thiệt hại về lồng cá của gia đình tôi khoảng 150 triệu đồng”.
Những chiếc lồng cá ở thôn Phú Ninh trống không sau lũ
Cùng hoàn cảnh, anh Hoàng Vũ Thuật, hộ dân có số lượng lồng cá tương đối lớn cho chúng tôi biết: "Nhà tôi nuôi 6 lồng cá chẽm, mỗi lồng từ 400-500 con, như những năm trước thì cá cứ bán lai rai cho đến Tết Nguyên Đán. Nhưng lũ lần này quá lớn, phần lớn các lồng cá chết trắng, hộ nào may mắn thì còn sót lại vài chục con, bao nhiêu vốn liếng trôi hết theo lũ rồi!".
Lũ lụt thời gian qua đã làm cuộc sống của người dân Duy Ninh đảo lộn; số lượng cá bị chết ở thôn Phú Ninh ước tính gần 20 tấn; trâu, bò, lợn, gà của người dân bị trôi theo nước lũ; các vật dụng gia đình thì hư hỏng nặng do nước ngập, ruộng vườn bị phù sa bồi lấp.
Hiện tại, người nuôi cá lồng ở thôn Phú Ninh mong muốn chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành liên quan, ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để khôi phục lại lồng bè, mua cá giống chuẩn bị cho vụ nuôi cá mới.
(QBĐT) - "Hội Nông dân (HND) xã Thái Thủy là một tổ chức hội vững mạnh, đoàn kết. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, hội luôn phát huy được vai trò "bà đỡ", giúp nhiều hội viên vươn lên làm giàu.", ông Dương Đệ Quang, Chủ tịch HND huyện Lệ Thủy cho biết.
(QBĐT) - Mặc dù các sở, ngành, địa phương và đơn vị đầu tư xây dựng đã nỗ lực đưa ra các phương án phù hợp để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), xây dựng khu tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn đang gặp một số vướng mắc, tồn đọng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
(QBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Cảnh Dương đã có chủ trương tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng các ngành nghề truyền thống tại khu làng nghề xã, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.