(QBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Cảnh Dương đã có chủ trương tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng các ngành nghề truyền thống tại khu làng nghề xã, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Cách đây 13 năm, khi xã Cảnh Dương có chủ trương kêu gọi người dân phát triển kinh tế tại khu làng nghề, vợ chồng ông Trần Công Hậu đã mạnh dạn đầu tư vốn để nuôi trồng thủy sản.
Trên diện tích 1.400m2 đất được chính quyền địa phương cấp, ông Hậu quyết định khoan giếng, xây bể xi măng để nuôi cá lóc, cá trê và cá sấu. Cách nuôi này đã giúp ông chủ động được nguồn nước, xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật của cá. Nhờ đó, năm nào, công việc làm ăn của vợ chồng ông cũng rất thuận lợi.
Với 10 bể nuôi, mỗi năm, ông thả 6 vạn con cá lóc, 1 vạn cá trê. Sau khoảng thời gian 7 tháng, ông xuất bán từ 6-7 tấn cá. Ngoài ra, ông còn nuôi 50 con cá sấu thương phẩm, cứ 3 năm ông xuất bán một lứa. Nhờ có đầu ra ổn định, bình quân mỗi năm, ông Hậu thu lãi ròng 120 triệu đồng.
Ông Trần Công Hậu cho biết: "Trước đây, đời sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt thủy sản trên biển. Nhưng khi lớn tuổi, cảm thấy không đủ sức để vươn khơi nên tôi nghỉ nghề để tìm hướng làm ăn mới. Thời gian đó, xã Cảnh Dương mở ra khu làng nghề và động viên bà con về đó để phát triển kinh tế. Vợ chồng tôi cũng bàn nhau đăng ký một miếng đất để sản xuất kinh doanh. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để vừa nâng cao đời sống gia đình, vừa phát triển làng nghề. Sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của một số địa phương, tôi trở về và quyết định chọn con cá lóc, cá trê, cá sấu để nuôi”.
![]() |
Cũng như gia đình ông Hậu, khi có chủ trương khuyến khích phát triển khu làng nghề xã, gia đình bà Cao Thị Nịnh, chủ cơ sở nước mắm Hiền Dục đã mạnh dạn về đó để phát triển kinh tế. Trên diện tích 1.000m2 đất, bà đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất nước mắm truyền thống. Với 250 bi chứa, mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường 40 nghìn lít nước mắm các loại. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, bà Nịnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời để sản xuất nước mắm.
Bà Cao Thị Nịnh chia sẻ: "Quá trình sản xuất nước mắm bằng công nghệ năng lượng mặt trời, tôi thấy có rất nhiều thuận lợi. Cách làm này vừa tiết kiệm được công sức lao động của công nhân, vừa giúp cho chất lượng sản phẩm đồng đều, bảo đảm được độ thơm ngon của nước mắm và đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhờ quy trình sản xuất khép kín, không có ruồi nhặng. Hiện tại, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm 20 bể chứa với sức chứa hơn 40 tấn cá để sản xuất bằng công nghệ năng lượng mặt trời".
Sau một thời gian đi vào hoạt động, hiện tại, khu làng nghề xã Cảnh Dương có 57 cơ sở sản xuất khá ổn định, đa dạng các nghề, như: vật liệu xây dựng, làm mộc, sửa chữa tàu thuyền, làm nước mắm, làm hương, cơ khí, nuôi trồng và chế biến thủy sản..., thu hút trên 500 lao động của địa phương, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4 đến đến 7 triệu đồng/người.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: "Để phát triển khu làng nghề xã theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, về phía địa phương sẽ kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh sản xuất ở khu làng nghề. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng liên kết, liên doanh. Ngoài ra, chính quyền xã cũng sẽ phối hợp với chính quyền huyện hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện để người dân được thuê đất phát triển kinh tế”.
Cảnh Dương là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, chính vì vậy, phát triển khu làng nghề xã Cảnh Dương không chỉ là cơ hội để địa phương thúc đẩy nền kinh tế mà còn là cơ hội để những sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng đất và con người Cảnh Dương được quảng bá, giới thiệu, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.
Đ.N