Nâng cao chất lượng đàn bò địa phương

  • 02:11, 23/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ðể nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Sau hơn một năm triển khai, mô hình đã giúp người chăn nuôi chủ động cải tạo giống, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Toàn tỉnh có hơn 95.000 con bò nhưng chỉ có hơn 50% bò lai. Trong đó, huyện Quảng Trạch có tỷ lệ đàn bò lai thấp nhất với hơn 25%. Để hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện có hiệu quả việc cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, năm 2019, Trung tâm KNKN tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại huyện Quảng Trạch. 
 Đàn bò của gia đình anh Trần Công Lý, thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến sinh trưởng tốt sau khi sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Đàn bò của gia đình anh Trần Công Lý, thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến sinh trưởng tốt sau khi sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Mục đích của mô hình là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đổi mới quy trình công nghệ nhằm chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh sang thâm canh tạo hàng hóa để tăng năng suất và chất lượng. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.
 
Ông Mai Ngọc Thuận, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm KNKN tỉnh cho biết, mô hình này được triển khai thực hiện từ tháng 3-2019 tại 2 xã Quảng Thạch và Quảng Tiến. Đây là 2 xã có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò và nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển chăn nuôi của huyện. Trung tâm đã chọn 70 hộ chăn nuôi tại 2 xã với 200 con bò cái sinh sản (94 con bò/35 hộ tại xã Quảng Tiến, 106 con bò/35 hộ tại xã Quảng Thạch).
 
Để tham gia mô hình này, các hộ phải có chuồng trại bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và có trình độ để tiếp thu kỹ thuật cũng như chuyển giao nhân rộng cho các hộ khác trên địa bàn. Bò cái nền sinh sản là giống bò vàng Việt Nam có khối lượng 180kg/con và bò cái nền sinh sản Zebu F1, F2 có ngoại hình đẹp, khối lượng từ 220kg.
 
Để hỗ trợ người dân thực hiện tốt mô hình, Trung tâm KNKN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt hộ chăn nuôi tại 2 xã. Sau khi tập huấn, các hộ gia đình đã cơ bản nắm được những vấn đề tổng quan về thụ tinh nhân tạo bò, yêu cầu chọn bò cái nền, hoạt động sinh sản ở bò cái, kỹ thuật phối giống...
 
Trung tâm cũng hỗ trợ vật tư thụ tinh nhân tạo và một phần thức ăn chăn nuôi cho các hộ thực hiện mô hình. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc cải tạo đàn bò theo hướng chất lượng, giá trị bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Các hộ thực hiện mô hình được cấp phát và hướng dẫn cách viết sổ theo dõi kỹ thuật cũng như ứng dụng trong quản lý chăn nuôi đàn bò.
 
Đến nay, sau gần 1 năm, việc triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã bước đầu đáp ứng các tiêu chí về quy mô, địa điểm và định hướng phát triển chăn nuôi đối với các xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Mô hình cũng được các địa phương và hộ dân tham gia hưởng ứng tích cực và đánh giá cao. Các hộ tham gia cơ bản thực hiện đúng kỹ thuật, bảo đảm tiến độ của mô hình. Hiện tại, đã thực hiện phối giống có chửa 200 con bò cái, đạt 100% tiến độ.
 
Anh Phạm Văn Thi, thôn 5, xã Quảng Thạch cho hay, anh tham gia mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với 2 con bò cái. Ngoài được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò lai, gia đình anh còn được hỗ trợ giống cỏ và thức ăn chăn nuôi. Sau 1 năm thực hiện mô hình, 2 mẹ bò của gia đình anh đã sinh được 3 bê cái. Sau 6 tháng, chăm sóc anh bán với giá 45 triệu đồng/3 con.
 
Hiện 1 bò cái đã đẻ thêm bò đực và 2 bò cái còn lại đang mang thai. Để có thức ăn cho bò, gia đình anh đầu tư trồng 1.000m2 cỏ VA06 và gần 1.500m2 ngô. “Sau khi chuyển qua nuôi bò lai tôi liền bán tất cả số bò cỏ trước đây. Bởi nuôi bò lai thời gian ngắn, tăng trưởng tốt, dáng to đẹp lại bán được giá cao”, anh Thi chia sẻ.
 
Gia đình anh Trần Công Lý, thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến nuôi bò nhiều năm nay nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Đầu năm 2019, sau khi được tuyên truyền, gia đình anh tham gia mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo do Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện. Anh Lý cho biết: “Gia đình tôi đã áp dụng thụ tinh nhân tạo cho 2 con bò cái giống.
 
So với thụ tinh truyền thống, tôi thấy bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, cân nặng hơn 3-4 kg/con, sức đề kháng cũng tốt hơn. Qúa trình chăm sóc bò phát triển rất tốt, chỉ cần nuôi 6 tháng là có thể xuất bán, trung bình từ 15-20 triệu đồng/con. Từ đó, tôi quyết định sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái chứ không cho bò phối giống tự nhiên nữa”.
 
Theo ông Phan Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, từ khi mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được triển khai tại địa phương, phong trào chăn nuôi gia súc của xã phát triển mạnh, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo không chỉ giúp nâng cao tầm vóc, khối lượng đàn bò mà còn giúp người dân giảm được chi phí nuôi, chi phí vận chuyển bò đực đến nơi phối giống, đặc biệt là hạn chế lây lan dịch bệnh.
 
Ngoài ra, việc tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi bò lai đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân. Bà con đã tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
 
L.C
 

tin liên quan

Giá vàng giao dịch trên mốc 56 triệu đồng/lượng
Giá vàng giao dịch trên mốc 56 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 23-11 ổn định và giao dịch trên mốc 56 triệu đồng/lượng.

Truyền thông quốc tế đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam
Truyền thông quốc tế đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam

Ngày 19-11, trang mạng Globaldata.com (Anh) khẳng định Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát được dịch bệnh ở mức độ nhất định, với số ca mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong thấp.

Hướng đi mới cho làng nón Quy Hậu…
Hướng đi mới cho làng nón Quy Hậu…

(QBĐT) - Làng Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy nằm khép mình bên dòng Kiến Giang thơ mộng. Làng lâu nay được biết đến với nghề chằm nón đã tồn tại cả hơn trăm năm. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngày nay, nón lá Quy Hậu vẫn nổi tiếng vì bền và đẹp. Và, những người con của làng vẫn luôn tin rằng, nghề được cha ông truyền lại dù có thể hư hao theo thời gian nhưng không bao giờ mất đi…