(QBĐT) - Sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất khiến nhiều tuyến đường bị ách tắc, đi lại khó khăn; hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp, đặc biệt là 34 hộ ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa hiện chưa thể về nhà. Hiện nay, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đang nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở để thông đường và khảo sát nơi định cư mới cho người dân...
Chưa thể về nhà!
Trận mưa lũ lịch sử đã đi qua, nhưng đến thời điểm này, 34 hộ với 132 khẩu người Mày ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa được di dời khẩn cấp vẫn chưa thể về nhà, vì nơi ở của họ vẫn đang tiềm nguy cơ sạt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng bà con.
Ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo cho biết: “Cả bản có 39 hộ, đa số là đồng bào người Mày sống định cư bên Quốc lộ 12A đã hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2019 ở cả 2 quả đồi phía trên bản xuất hiện 2 vết nứt dài từ 30 đến 40m. Sau khi phát hiện vết nứt, chúng tôi đã sớm báo cáo lên lãnh đạo xã Dân Hóa và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo”.
Vì vậy, ngày 9-10-2020, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nhận thấy nguy cơ sạt lở rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân nên huyện Minh Hóa đã chỉ đạo xã Dân Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo khẩn cấp đi dời bà con đến nơi an toàn. Theo đó, 34 hộ với 132 khẩu được bố trí ở cùng với bà con ở các bản Bãi Dinh và Ka Ai.
Gia đình ông Hồ Nhuân có 8 nhân khẩu, khi được di dời về bản Bãi Dinh, 8 người trong gia đình ông phải chia ra ở ghép cùng với 3 gia đình khác nhau. Ông Nhuân cho biết, khi được di dời về đây, gia đình ông đã nhận được sự cưu mang, đùm bọc của bà con dân bản, sự động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nên ông cũng cảm thấy yên tâm và ấm áp.
Tuy nhiên, do phải ở nhờ dài ngày nên nhiều cái cũng rất bất tiện, nhất là nhà của bà con dân bản ở đây đều rất nhỏ, chật hẹp, trong sinh hoạt gặp không ít khó khăn. “Miềng rất mong Nhà nước sớm tìm được một nơi ở mới an toàn để miềng sớm được trở về nhà…”, ông Nhuân nói.
Lực lượng chức năng cắm biển nguy hiểm ở các điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua đèo Đá Đẽo, xã Thượng Hóa (Minh Hóa).
Không riêng gì bản Cha Lo (xã Dân Hóa), sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng đã xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp, nhiều tuyến đường bị ách tắc, lưu thông kho khăn.
Cũng ở xã Dân Hóa, đêm 19-10-2020, ngọn đồi nơi Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đóng quân (cách bản Cha Lo không xa) đã bị sụt lún nghiêm trọng. Toàn bộ sườn núi phía sau doanh trại đơn vị sạt xuống làm hư hỏng nhiều công trình nhà cửa của đơn vị. Rất may, nhờ chủ động di dời toàn bộ lực lượng đến nơi khác nên không xảy ra thiệt hại về người. Cùng với đó, tuyến đường Quốc lộ 12A tại Km 137 cũng sụt lún hàng trăm mét, không thể lưu thông.
Ngoài ra, ở xã Hồng Hóa xuất hiện điểm sạt lở nghiêm trọng phải di dời 11 hộ/41 khẩu; ở thị trấn Quy Đạt có nguy cơ sạt lở cao ở thôn 1 Thanh Long, buộc 12 hộ dân phải di dời khẩn cấp…
Ở những điểm này, sau lũ, người dân đã được trở về nhà nhưng phải sống trong nỗi lo sạt lở và với tinh thần cảnh giác cao độ. znhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc, đi lại khó khăn, như: tuyến đường từ Quốc lộ 12A vào vùng Lòm (xã Trọng Hóa); tuyến đường từ đường Hồ Chí Minh vào thôn Yên Phú (xã Trung Hóa); đường vào 3 bản đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); đường qua eo Lập Cập (xã Hóa Sơn)….và nhiều điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Đá Đẽo (xã Thượng Hóa), đường Quốc lộ 12C (xã Hóa Phúc và Hồng Hóa)…
Cần hỗ trợ thêm nguồn lực để khắc phục
Những ngày sau cơn lũ lịch sử, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Cùng với việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kinh phí sửa chữa nhà cửa…, chính quyền các xã và nhân dân đã nhanh chóng khắc phục những điểm sạt lở, thông tuyến tạm thời các tuyến giao thông bị chia cắt để kịp thời đưa hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào cứu trợ và hỗ trợ cho bà con.
Xã Trọng Hóa huy động hơn 250 người xúc đất đá tạm thông điểm sạt lở ở bản Dộ-Tà Vơờng.
Trong trận lũ vừa qua, tuy xã Trọng Hóa không có nơi nào bị ngập, nhưng nước lũ dân cao, chảy xiết đã làm tuyến đường độc đạo từ Quốc 12A vào 7 bản vùng trong của xã hư hỏng nặng, làm hàng trăm hộ dân bị chia cắt, cô lập gần 1 tháng. Sau lũ, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị đang thi công trên địa bàn, Đồn Biên phòng Ra Mai, UBND xã Trọng Hóa đã huy động người dân khắc phục những điểm sạt lở ở các ngầm, kịp thời đưa hàng hóa vào hỗ trợ cho người dân. Trong ngày 30-10-2020, UBND xã đã huy động bà con nhân dân với hơn 250 người xúc đất đá, san đường, tạm thông điểm sạt lở ở bản Dộ-Tà Vơờng để các chuyến hàng hỗ trợ bà con có thể vào đến bản Lòm, nơi xa nhất của xã Trọng Hóa.
Trong khi đó, tại điểm sạt lở nghiêm trọng ở Km 137 Quốc 12A, gần 1 tuần nay, Sở Giao thông vận tải đã huy động lực lượng, gồm: 12 máy múc, 6 máy ủi cùng 20 xe tải, chở đất hoạt động liên tục để khắc phục sự cố, sớm thông tuyến con đường huyết mạch đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, do lượng đất đá bị sạt lở quá lớn (khoảng 5 triệu khối đất đá) nên công tác khắc phục, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn…
Sạt lở, hư hỏng các con đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trở lại vấn đề ở bản Cha Lo (xã Dân Hóa), đây là công việc rất khó khăn đối với chính quyền địa phương xã Dân Hóa và huyện Minh Hóa hiện nay. Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, lãnh đạo tỉnh và huyện đã về kiểm tra tình hình và yêu cầu xã phải khẩn trương tìm nơi định cư mới để bảo đảm an toàn cuộc sống cho nhân dân. Những ngày qua, UBND xã đã tích cực khảo sát và tìm được hai địa điểm có thể di dời dân đến định cư. Tuy nhiên, trong 2 địa điểm trên, có 1 điểm bà con không ưng ý vì đây là nơi họ từng ở và gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, điểm còn lại thì không có nguồn nước sinh hoạt, nếu di dời dân đến ở đầy thì cần một nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện.
Có thể nói, cơn lũ lịch sử vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề đối với địa bàn huyện Minh Hóa. Là một huyện nghèo, nguồn lực hạn chế, trước mắt, chính quyền các cấp và người dân Minh Hóa tạm khắc phục những điểm sạt lở nhỏ để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm an toàn cuộc sống cho nhân dân và phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, huyện Minh Hóa rất cần sự hỗ trợ thêm nhiều nguồn lực từ tỉnh và Trung ương.
(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ đối với các doanh nghiệp tại Cảng cá Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới) vào ngày 7-11.
(QBĐT) - Để duy trì và thúc đẩy làng nghề phát triển, cùng với sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, các làng nghề đang nỗ lực tìm hướng đi mới, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
(QBĐT) - Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương của thị xã Ba Đồn. Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường; đồng thời, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.