Bảo đảm sinh kế của người dân sau lũ

  • 03:11, 13/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trận “lũ kép” lịch sử đã gây ra những thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân huyện Quảng Ninh. Ngay sau lũ, cấp ủy các cấp huyện Quảng Ninh gấp rút triển khai công tác khắc phục, ổn định đời sống và bảo đảm sinh kế của bà con.
 
Nhiều ngày sau khi đã lũ rút, vừa sắp xếp, vệ sinh lại xưởng xay xát lúa gạo của gia đình, ông Nguyễn Thanh Thoải, thôn Trần Xá, xã Hàm Ninh vừa chia sẻ, đợt lũ năm nay đã cuốn trôi tất cả toàn bộ cơ ngơi của gia đình ông.
 
Vì là hộ kinh doanh lúa gạo xay xát, vụ mùa năm nay, gia đình ông thu gom trên 60 tấn lúa thơm. Tuy nhiên, mực nước lũ năm nay quá cao, nhà ông ngập sâu trên 1,5m khiến toàn bộ số lúa thu gom và mô tơ máy móc xay xát bị ngập hoàn toàn, thiệt hại trên 400 triệu đồng.
 
Để cứu lại số lúa bị ngâm nước, gia đình ông Thoải đành thuê xe chở lúa về TP. Đồng Hới sấy, hy vọng vớt vát được phần nào để bán làm thức ăn cho gia súc. 
Trên 10 nghìn tấn lương thực của người dân bị ẩm ướt, phải mang đi sấy làm thức ăn gia súc.
Trên 10 nghìn tấn lương thực của người dân bị ẩm ướt, phải mang đi sấy làm thức ăn gia súc.
Trong đợt lũ vừa qua, các xã vùng trũng huyện Quảng Ninh, như: Hàm Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, gần như ngập hoàn toàn, thiệt hại nặng về đời sống và sản xuất.
 
“Bao nhiêu gia súc, gia cầm, lúa gạo của người dân trôi hết theo dòng nước lũ, riêng xưởng gia đình tôi, lũ lớn làm hỏng hoàn toàn 75 tấn lúa và hàng chục máy móc trong xưởng may gia công!”, ông Nguyễn Văn Sỹ, thôn Hàm Hòa, xã Hàm Ninh cho biết thêm.
 
Theo số liệu báo cáo, trận lũ lịch sử trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Lũ lớn đã làm 8 người chết, 25 người bị thương, 17.658 nhà dân bị ngập lụt (trong đó có 136 nhà bị hư hỏng). Trận lũ cũng đã khiến 35 điểm trường bị thiệt hại, 302 phòng học, 29 công trình văn hóa bị thiệt hại và hệ thống các cơ sở y tế bị ngập nước.
 
Riêng trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, lũ lớn đã gây thiệt hại trên 330ha hoa màu và rau màu, 317ha cây trồng hàng năm; trên 10.083 tấn lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng; 5.004 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 218ha diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại. Hàng chục km đường giao thông địa phương, công trình thủy lợi, nhà xưởng, xí nghiệp bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính 445 tỷ đồng.
 
Ngay sau khi lũ rút, với quyết tâm không để người dân đói, rét do lũ, huyện Quảng Ninh đã huy động tổng lực, thực hiện khẩn trương công tác cứu hộ, cứu trợ. Ban chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS huyện đã kịp thời phối hợp với Ủy ban MTTQVN huyện và các lực lượng Công an, Quân sự, lực lượng cứu hộ tại chỗ chia thành các đoàn về tận từng xã, thôn, phân bổ hàng cứu trợ đến từng hộ dân.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, thời điểm đỉnh lũ, xã Tân Ninh bị ngập toàn bộ từ 0,5m trở lên. Cùng với việc thực hiện khẩn cấp công tác cứu hộ, di dời dân đến nơi an toàn, xã đã tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm để phân bổ về cho người dân, cấp phát kịp thời đến các hộ vùng lũ.
 
Theo bà Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh, tính đến ngày 2-11-2020, Mặt trận và các tổ chức thành viên toàn huyện đã tiếp nhận 492 đoàn cứu trợ với tổng giá trị tiền mặt và các suất quà trên 29,5 tỷ đồng; đồng thời, tiếp nhận 103 thuyền nhôm, 1 xuồng cao su cứu hộ, 5.000 áo phao, hàng chục thùng thuốc chữa bệnh, máy phát điện và trên 5.000 suất cơm…
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Quảng Ninh đã tiếp nhận 6.000 thùng mì tôm, 4.000 thùng lương khô và hàng chục nghìn thùng sữa, nước suối, xúc xích, áo mưa. Ngoài các nguồn cứu trợ trên, từ ngày 18 đến nay đã có hàng trăm đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh trực tiếp hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân. Đến nay, cơ bản toàn bộ số tiền mặt, quà và nhu yếu phẩm đã được cấp phát đến tận tay người dân và chính quyền địa phương. 
Các nguồn cứu trợ được phân bổ kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Các nguồn cứu trợ được phân bổ kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Nhằm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện Quảng Ninh đang chỉ đạo Trung tâm y tế huyện cung cấp cho các địa phương các loại thuốc khử khuẩn, cử cán bộ xuống tận các địa phương vùng lũ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Các địa phương địa bàn huyện đã khẩn trương dọn dẹp cảnh quan, thu gom rác thải, tiêu độc khử trùng môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.
 
Huyện Quảng Ninh cũng đã rà soát các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, tôn tạo các đoạn đường bị ngập lụt và các điểm sạt lở cục bộ để khắc phục, sửa chữa nhằm sớm ổn định cuộc sống, đi lại và bảo đảm phục vụ sản xuất.
 
“Nhằm bảo đảm sinh kế của người dân, về lâu dài, huyện Quảng Ninh sẽ rà soát, tôn tạo các đoạn đường bị ngập lụt cục bộ, như: Quốc lộ 1A-Trúc Ly-Hàm Ninh, cầu Trung Quán-Nguyệt Áng, trục chính thôn Đồng Tư (Hiền Ninh), đường từ UBND xã Tân Ninh đi thôn Hữu Tân và khắc phục các điểm sạt lở trên đường bộ ở xã Trường Sơn. Huyện cũng sẽ chủ động đề xuất hỗ trợ kinh phí để khắc phục các công trình trường học, y tế, giao thông, thủy lợi vốn bị hư hỏng nặng do lũ; thực hiện các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản nhằm khôi phục sản xuất”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ thêm.
 
Thanh Hải

tin liên quan

Bộ Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ Quảng Bình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ
Bộ Nông nghiệp-PTNT hỗ trợ Quảng Bình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ

(QBĐT) - Trong chuyến công tác và làm việc với tỉnh Quảng Bình trong ngày 11-11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của bộ cùng các tổ chức, doanh nghiệp đã trao con giống, thức ăn chăn nuôi và chế phẩm sinh học... hỗ trợ sản xuất tại một số trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do các đợt mưa lũ vừa qua.

Hướng tới xây dựng nông thôn mới gắn với ứng phó biến đổi khí hậu
Hướng tới xây dựng nông thôn mới gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Trận lũ lịch sử vào cuối tháng 10-2020 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện miền núi Minh Hóa. Xây dựng NTM gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng, chống thiên tai (PCTT) đang được các cấp ủy, chính quyền huyện Minh Hóa hướng tới nhằm bảo vệ thành quả xây dựng NTM trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan…

Minh Hóa: Trên 2.500 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp
Minh Hóa: Trên 2.500 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(QBĐT) - Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Minh Hóa có 2.500 hộ được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 11% so với giai đoạn 2010-2015.