Người tiêu dùng và câu chuyện hóa đơn

  • 07:10, 06/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách đối với việc thành lập doanh nghiệp (DN), DN tự in, đặt in hóa đơn và thông báo phát hành với cơ quan Thuế. Bên cạnh một số đơn vị tự giác trong kê khai và nộp thuế, lập hóa đơn đến từng khách hàng cụ thể khi giao dịch mua, bán thì vẫn còn không ít DN tìm mọi cách để tránh thuế, trốn thuế. Tất cả “khởi nguồn” từ câu chuyện yêu cầu xuất hóa đơn của người tiêu dùng.
 
Đối với người bán hàng, hóa đơn là chứng từ gốc xác định doanh thu (giá) tính nhiều sắc thuế quan trọng, như: thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…Tuy nhiên, một thói quen “cố hữu” của người tiêu dùng cuối cùng (được hiểu là khách hàng mua hàng hóa để sử dụng hàng ngày-PV) ở nước ta nói chung hay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng là không lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Thực tế cho thấy rất hiếm khách hàng “kiên quyết” lấy hóa đơn để chứng thực việc mua bán, trao đổi. Đáng buồn hơn là cả người bán và người mua đều “lờ” chuyện hóa đơn.
 
Việc người mua hàng không lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ là tự bản thân mình tước bỏ quyền được bảo vệ của người tiêu dùng (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng-PV). Bởi trong trường hợp xảy ra tranh chấp (về chất lượng sản phẩm hàng hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…) thì người tiêu dùng không có bằng chứng quan trọng để ràng buộc trách nhiệm của người bán hàng. Đáng chú ý, bản thân người tiêu dùng là người đóng thuế nhưng khi không lấy hóa đơn từ người bán hàng, cung cấp dịch vụ thì vô tình để cho người bán có cơ hội chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không chủ động xuất hóa đơn khi bán hàng cho người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không chủ động xuất hóa đơn khi bán hàng cho người tiêu dùng.
Từ thực tế nói trên cho thấy, người mua hàng đã và đang giao hẳn cho người bán toàn quyền ứng xử với việc lập hóa đơn giao cho ai, giá cả bao nhiêu, kể cả thời gian lập hóa đơn. Theo đó, hiện tượng người bán lập hóa đơn tùy tiện về nhiều nội dung trên hóa đơn dẫn đến muôn nẻo đường trốn thuế, tránh thuế, qua mặt các cơ quan chức năng. Có thể liệt kê một vài trường hợp người bán hàng, dịch vụ lập hóa đơn không đúng dưới đây để bạn đọc tiện tham khảo: ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá thực tế giao dịch với người mua; ghi tên người mua là các DN được khấu trừ thuế; ghi liên tục, đồng loạt, ngày cách ngày hóa đơn có tổng giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng để lách chính sách phải thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Cá biệt có trường hợp người bán hàng ghi hóa đơn có giá trị lớn giao cho DN khấu trừ thuế nhưng DN khấu trừ thuế lại chuyển đầy đủ số tiền giao dịch thực tế vào tài khoản người bán; sau đó người bán rút tiền ra ngay và giao lại cho DN số khấu trừ (tất nhiên, giữa hai bên đã có sự thỏa thuận)... Như vậy, chỉ đơn thuần là thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng cuối cùng đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho DN bán hàng trốn thuế, đồng thời, tiếp tay cho DN khác tiếp tục trốn thuế.
 
Vậy làm thế nào để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ?
Trước hết, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được đẩy mạnh để người mua hàng hiểu rõ vấn đề này. Bởi đây là biện pháp nhanh nhất, dễ dàng nhất để người bán hàng và người tiêu dùng nâng cao ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ nộp ngân sách cũng như bảo đảm quyền lợi cho nhau khi giao dịch, nhất là khi có phát sinh tranh chấp.
 
Mua hàng hóa và lấy hóa đơn là thể hiện trách nhiệm của bản thân với đất nước, với xã hội, đồng thời cũng là “bằng chứng” chứng minh người tiêu dùng là người đóng góp nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất và có tính hiệu quả để việc lấy hóa đơn của người tiêu dùng khi mua hàng hóa dịch vụ trở thành một “phản xạ tự nhiên”, một nét văn hóa của người tiêu dùng thông thái, người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
 
Triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử được xem là giải pháp tối ưu để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời thiết lập sự bình đẳng trong kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các DN; nâng cao hiệu quả công tác quản lý của ngành Thuế, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của DN. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ trở thành chế tài bắt buộc được áp dụng từ ngày 1-7-2022.
 
Do đó, hiện tại, đối với người bán hàng, không xuất hóa đơn khi giao dịch là hành vi trốn thuế, cơ quan Thuế khi phát hiện được cần phải xử lý thật nghiêm, đủ mạnh để răn đe. Để làm được điều này, ngành Thuế cần chủ động thành lập các đoàn, các đội chuyên trách thanh tra, kiểm tra về việc sử dụng hóa đơn, vừa thông tin cảnh báo, vừa kiểm tra đột xuất, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, ấn định các loại thuế phải nộp cả năm nếu phát hiện hành vi bán hàng không xuất hóa đơn.
 
Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế, bố trí lực lượng đủ mạnh, có chất lượng, nghiệp vụ tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị rủi ro trốn thuế lớn, làm rõ các dòng lưu chuyển tiền tệ, luồng hàng; phối hợp với cơ quan chuyên môn để nắm bắt các định mức kinh tế kỹ thuật trong xây dựng cơ bản, định mức tiêu hao nhiên liệu để đấu tranh có căn cứ về hàng hóa mua vào khấu trừ thuế, giảm khấu trừ, loại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, qua đó, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Công ty Xăng dầu Quảng Bình: Chú trọng phòng cháy chữa cháy, nâng cao hiệu quả kinh doanh
Công ty Xăng dầu Quảng Bình: Chú trọng phòng cháy chữa cháy, nâng cao hiệu quả kinh doanh

(QBĐT) - Công ty Xăng dầu Quảng Bình là đơn vị kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, đơn vị chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Bật tăng, giá vàng SJC tiến sát ngưỡng 56,5 triệu đồng mỗi lượng
Bật tăng, giá vàng SJC tiến sát ngưỡng 56,5 triệu đồng mỗi lượng
Giá vàng SJC tiến sát ngưỡng 56,5 triệu đồng mỗi lượng phiên mở cửa sáng 6/10; trong khi tỷ giá trung tâm đảo chiều giảm 4 đồng/USD.
 
Khởi tố giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hơn 2,7 tỷ đồng
Khởi tố giám đốc doanh nghiệp trốn thuế hơn 2,7 tỷ đồng
(QBĐT) - Ngày 6-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Xoài (SN 1954, là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại xây dựng và vận tải Thiên Ân, tại huyện Quảng Ninh) về hành vi trốn thuế.