(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần được chấn chỉnh kịp thời.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước đi vào nền nếp. Thể hiện rõ nét nhất là các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm và phát huy được hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa chặt chẽ; việc khai thác khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông, đất làm vật liệu san lấp.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nên vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác vượt công suất, chưa chú trọng các giải pháp về an toàn lao động và chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, có những đơn vị còn nợ động thuế kéo dài nhiều năm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới và chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại nêu trên, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Ông Phạm Quang Ánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các chỉ thị, quyết định, nhất là Chỉ thị số 13/CT-UBND ban hành vào ngày 18-9-2020, sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua kiểm tra, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định.
Đặc biệt, đơn vị kiên quyết không tham mưu UBND tỉnh gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cùng với đó, sở tiếp tục chủ động triển khai thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, đơn vị triển khai thực hiện tốt nội dung Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 957/QĐ-TTg, ngày 6-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Đồng thời, đơn vị nâng cao trách nhiệm chất lượng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.
Sở sẽ tiếp tục thực hiện công tác đôn đốc UBND cấp huyện trong việc nâng cao trách nhiệm và tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý.
Theo ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, thời gian tới, Thanh tra sở sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các phương tiện và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, như: yêu cầu tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi trái phép; tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động theo quy định đối với các phương tiện vi phạm... Thanh tra sở sẽ tham mưu sở tuyệt đối không cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi cho các đơn vị không có giấy phép khai thác cát, sỏi.
Thanh tra sở tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông; phối hợpvới chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm tình trạng lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình giao thông theo quy định...
Huyện Tuyên Hóa từng được đánh giá là một địa bàn “nóng” về tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép. Thời gian gần đây, tình trạng này đã được chấn chỉnh và hạn chế. Để có được kết quả đó, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Điển hình, huyện đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người dân về lĩnh vực TNMT, nhất là vấn đề khai thác cát sỏi trên sông Gianhtrên địa bàn xã Văn Hóa...
Thượng tá Bùi Ngọc Chung, Trưởng Công an huyện Tuyên Hóa cho biết: "Với vai trò là đơn vị chủ công-Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện, cùng với việc phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của người dân về TNMT, lực lượng Công an đã có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết để xử lý vấn đề này. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng liên quan nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Trong đó, chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là những nơi thường xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Công an huyện quyết tâm không để xảy ra các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Địa bàn nào để xảy ra vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép mà không phát hiện xử lý được hoặc xử lý chậm sẽ làm rõ trách nhiệm của đơn vị, người đứng đầu, cán bộ chiến sỹ ở đó".
Bùi Thành