Vì sự an toàn các công trình thủy lợi

  • 07:09, 10/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt trước mỗi mùa mưa lũ đến, tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình hồ, đập thiết yếu ở địa phương bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được đầu tư nâng cấp, sửa chữa...
 
Trên địa bàn huyện Bố Trạch hiện có 48 hồ chứa và 35 đập dâng, có tổng dung tích trên 83,62 triệu m3. Trong đó, có 5 hồ chứa (4 hồ có dung tích trên 3 triệu m3), gồm: Thác Chuối, Vực Nồi, Đồng Ran, Vực Sanh và Cửa Nghè do Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi tỉnh quản lý; 43 hồ chứa nước vừa và nhỏ (dung tích từ 0,2 đến 2,5 triệu m3) và các đập dâng do UBND các xã, thị trấn quản lý. Những năm qua, huyện Bố Trạch ban hành kế hoạch thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của cấp trên về tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đánh giá chung hiện trạng công trình trên địa bàn, đến nay, các hồ chứa, đập dâng xây dựng đã lâu (từ hàng chục năm trước) nên không có các thông số kỹ thuật dẫn đến việc xây dựng các phương án phòng, chống lũ lụt cho hạ du đập và phương án an toàn đập khó sát với thực tế; các hồ chứa không có các thiết bị quan trắc, như: theo dõi lún, đo mực nước hồ, lượng mưa... Thêm vào đó, năng lực cán bộ quản lý khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, một số hồ, đập hư hỏng nặng cần được đầu tư khắc phục sửa chữa trước mùa mưa, bão, nhưng do ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn nên chưa có vốn bố trí kịp thời.
 
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, cho biết, qua đợt kiểm tra toàn diện của huyện mới nhất cho thấy, một số hồ chứa, đập dâng hư hỏng nặng, thân đập bị sạt lở phía thượng lưu, hạ lưu, cống lấy nước hư hỏng nặng, như: hồ Troóc Vực (xã Liên Trạch), hồ Hung Dũ (xã Hưng Trạch), hồ Khe Su (thị trấn Phong Nha), hồ Cây Gạo (xã Hòa Trạch), hồ Bộ Đội, hồ Cỏ Đắng (xã Phú Định), hồ Khe Lùng (xã Xuân Trạch)... Một số hồ chứa hư hỏng đang được nâng cấp sửa chữa trước mùa mưa, bão năm nay, như: hồ Mù U (xã Thanh Trạch), hồ Bàu Cừa (xã Hải Phú), hồ Đê Hoang (xã Cự Nẫm).
 
Hiện trên địa bàn cũng có nhiều đập bị thấm, bị biến dạng mái đập và bị nứt thân đập; 8 hồ bị hư hỏng xuống cấp cần lưu ý trong mùa mưa lũ; 30 tràn xả lũ chưa được gia cố (bằng bê tông hoặc đá xây); nhiều tràn bị nứt, xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng; 13 cống bị hư hỏng thân cống và dàn van cùng một số hạng mục công trình khác bị hư hỏng... 
Công trình kè chống xói lở ở địa bàn xã Đại Trạch và Nhân Trạch đang được huyện Bố Trạch chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Công trình kè chống xói lở ở địa bàn xã Đại Trạch và Nhân Trạch đang được huyện Bố Trạch chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Để bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn trước mỗi mùa mưa lũ là trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Bố Trạch.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho hay, thời gian qua, Bố Trạch đã nỗ lực củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ, đập; quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa; thành lập, kiện toàn các Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão của chủ đập và công trình hồ, đập. Huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra hồ, đập nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
 
Hiện nay, một số công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn đang thi công, huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành sớm nhằm hạn chế thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra…
 
Tuy nhiên, việc quy hoạch chi tiết thủy lợi trên địa bàn toàn huyện đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040 đến nay vẫn chưa được xây dựng nên chưa đáp ứng và phát huy hết nhiệm vụ về cấp nước, tiêu úng, chống lũ, ngăn mặn... tại thời điểm hiện tại và trong tương lai theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Ngoài ra, các công trình cần kịp thời nâng cấp, khắc phục, sửa chữa thì kinh phí quá lớn trong lúc ngân sách huyện còn nhiều khó khăn.
 
“Để khắc phục sửa chữa các công trình hồ, đập hư hỏng, xuống cấp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, huyện Bố Trạch mong muốn UBND tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí; đồng thời, tỉnh cần bố trí các thiết bị quan trắc, như: theo dõi lún, đo mực nước hồ, lượng mưa..., cho các hồ chứa có dung tích trên 0,5 triệu m3 để thuận lợi trong công tác theo dõi những biến động và có phương án xử lý kịp thời”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ thêm.
                                                                                                  H. Trà

tin liên quan

Hai thương hiệu vàng trong nước tăng giảm ngược chiều nhau
Hai thương hiệu vàng trong nước tăng giảm ngược chiều nhau

Dù giá vàng thế giới đi ngang nhưng vàng SJC vẫn đảo chiều tăng nhẹ từ 50.000-100.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm thêm 2 đồng.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ 50% chi phí du lịch trong nước từ ngày 1-10
Nhật Bản sẽ hỗ trợ 50% chi phí du lịch trong nước từ ngày 1-10

Các du khách tại Nhật Bản hiện được ưu đãi 35% chi phí lưu trú và từ ngày 1-10, họ sẽ tiếp tục nhận được phiếu giảm giá 15% tổng chi phí ăn uống, mua sắm và các hoạt động khác.

Ủng hộ tiêu thụ sản phẩm cá trắm sông Son
Ủng hộ tiêu thụ sản phẩm cá trắm sông Son

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng bị "đóng băng" khiến bà con nuôi cá lồng trên sông Son "bí" đầu ra cho hàng trăm tấn cá trắm cỏ đến ngày thu hoạch. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ sản phẩm cá trắm sông Son, góp phần ổn định sản xuất.