![]() |
Giao đất ở, đất sản xuất ở xã Ngân Thủy: Người dân yên tâm phát triển kinh tế
(QBĐT) - Thời gian qua, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã tập trung thực hiện việc giao đất ở, đất sản xuất cho người dân. Nhờ đó, bà con đã yên tâm định cư, sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển…
Ngân Thủy là xã miền núi rẻo cao của huyện Lệ Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên trên 16.500ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương xác định công tác giao đất ở, đất sản xuất cho bà con là việc làm rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngay sau khi UBND tỉnh có các quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại và Công ty Cổ phần Lệ Ninh giao cho xã quản lý, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai thực hiện công tác giao đất ở, đất sản xuất cho bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết: “Tính đến nay, tổng diện tích đất được UBND tỉnh thu hồi từ các công ty đạt trên 1.200ha, trong đó đã giao 72ha đất rừng sản xuất cho 72 hộ và 4,8ha đất sản xuất nông nghiệp cho 42 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Khe Giữa. Hiện xã đang triển khai thi công quy hoạch 23ha làm khu tái định cư ở bản Km19; giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, duy trì với diện tích 200ha rừng cho 62 hộ, bình quân 3ha/hộ”.
Sau khi giao đất ở, đất rừng, UBND xã đã chỉ đạo bà con tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục hồi rừng. Đồng thời, xã rà soát lại việc giao đất ở và đất sản xuất cho đồng bào nhằm bổ sung, điều chỉnh phù hợp; gắn trách nhiệm cho những người trực tiếp tham gia trồng rừng sản xuất để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Để đất ở, đất rừng phát huy hiệu quả, Đảng ủy xã Ngân Thủy đã chỉ đạo các đảng ủy viên phụ trách địa bàn, Ủy ban MTTQVN xã, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương bảo vệ rừng, phát triển sản xuất có hiệu quả trên đất rừng. Nhờ đó, diện tích đất ở, đất rừng được giao đến bà con đồng bào ngày càng được quản lý, bảo vệ và sử dụng tốt hơn, từng bước hạn chế nạn phá rừng, đốt rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn.
Sau khi được giao đất rừng, anh Nguyễn Văn Thạch, ở bản Km14 đã mạnh dạn trồng rừng, trồng cao su và phát triển chăn nuôi. Từ quỹ đất được cấp kết hợp với đất khai hoang trước đó, đến nay, anh đã có trong tay gần 20ha rừng, 2ha cao su. Gia trại của anh nuôi hàng chục con lợn, trâu, bò. Mô hình kinh tế tổng hợp này đã cho gia đình anh Thạch thu lãi ròng mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Anh Thạch chia sẻ: “Đất đai ở đây phù hợp với việc trồng rừng và chăn nuôi. Tôi nghĩ chỉ cần chịu khó, chăm chỉ học hỏi, mạnh dạn đầu tư thì ai cũng làm được. Rất mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, bóc tách đất rừng của các công ty để giao lại cho bà con phát triển sản xuất”.
Gia đình ông Hồ Ngưn ở bản Khe Giữa cũng được giao hơn 1ha đất rừng sản xuất. Từ khi có đất, ông đã trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gà, trâu, bò nên kinh tế hộ gia đình từng bước được nâng lên, giúp gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Ngưn tâm sự: “Trước đây, chưa có đất sản xuất nên miềng phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết. Nhưng từ khi được giao đất, gia đình đã yên tâm định cư, phát triển sản xuất, thu nhập gia đình cũng đã được tăng lên đáng kể. Năm vừa rồi, miềng cũng làm được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm được cả ti vi, tủ lạnh rồi đó…!”
Hiện xã Ngân Thủy còn có hàng chục hộ dân, như: hộ ông Hồ Thương, Nguyễn Văn Đức ở bản Cửa Mẹc; Trần Đình Huệ ở bản Cẩm Ly; Hồ Văn Bôn ở bản Còi Đá… đều phát huy lợi thế từ đất rừng để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết thêm: “Nhờ thực hiện chủ trường giao đất ở, đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn từng bước được giải quyết, giúp cho nhiều hộ gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.
Có thể khẳng định, chủ trương giao đất ở, đất sản xuất tại xã Ngân Thủy là hết sức đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao. Đến nay, xã Ngân Thủy đã đạt được 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân hàng năm 5,44%, đến năm 2020 xã còn 183/672 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,8%...
Xuân Vương
(QBĐT) - Thời gian qua, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã tập trung thực hiện việc giao đất ở, đất sản xuất cho người dân. Nhờ đó, bà con đã yên tâm định cư, sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển…
Ngân Thủy là xã miền núi rẻo cao của huyện Lệ Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên trên 16.500ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương xác định công tác giao đất ở, đất sản xuất cho bà con là việc làm rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngay sau khi UBND tỉnh có các quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại và Công ty Cổ phần Lệ Ninh giao cho xã quản lý, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai thực hiện công tác giao đất ở, đất sản xuất cho bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết: “Tính đến nay, tổng diện tích đất được UBND tỉnh thu hồi từ các công ty đạt trên 1.200ha, trong đó đã giao 72ha đất rừng sản xuất cho 72 hộ và 4,8ha đất sản xuất nông nghiệp cho 42 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Khe Giữa. Hiện xã đang triển khai thi công quy hoạch 23ha làm khu tái định cư ở bản Km19; giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, duy trì với diện tích 200ha rừng cho 62 hộ, bình quân 3ha/hộ”.
Sau khi giao đất ở, đất rừng, UBND xã đã chỉ đạo bà con tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục hồi rừng. Đồng thời, xã rà soát lại việc giao đất ở và đất sản xuất cho đồng bào nhằm bổ sung, điều chỉnh phù hợp; gắn trách nhiệm cho những người trực tiếp tham gia trồng rừng sản xuất để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Để đất ở, đất rừng phát huy hiệu quả, Đảng ủy xã Ngân Thủy đã chỉ đạo các đảng ủy viên phụ trách địa bàn, Ủy ban MTTQVN xã, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương bảo vệ rừng, phát triển sản xuất có hiệu quả trên đất rừng. Nhờ đó, diện tích đất ở, đất rừng được giao đến bà con đồng bào ngày càng được quản lý, bảo vệ và sử dụng tốt hơn, từng bước hạn chế nạn phá rừng, đốt rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn.
Sau khi được giao đất rừng, anh Nguyễn Văn Thạch, ở bản Km14 đã mạnh dạn trồng rừng, trồng cao su và phát triển chăn nuôi. Từ quỹ đất được cấp kết hợp với đất khai hoang trước đó, đến nay, anh đã có trong tay gần 20ha rừng, 2ha cao su. Gia trại của anh nuôi hàng chục con lợn, trâu, bò. Mô hình kinh tế tổng hợp này đã cho gia đình anh Thạch thu lãi ròng mỗi năm trên 300 triệu đồng.
Anh Thạch chia sẻ: “Đất đai ở đây phù hợp với việc trồng rừng và chăn nuôi. Tôi nghĩ chỉ cần chịu khó, chăm chỉ học hỏi, mạnh dạn đầu tư thì ai cũng làm được. Rất mong các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, bóc tách đất rừng của các công ty để giao lại cho bà con phát triển sản xuất”.
Gia đình ông Hồ Ngưn ở bản Khe Giữa cũng được giao hơn 1ha đất rừng sản xuất. Từ khi có đất, ông đã trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gà, trâu, bò nên kinh tế hộ gia đình từng bước được nâng lên, giúp gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Ngưn tâm sự: “Trước đây, chưa có đất sản xuất nên miềng phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống nhưng cái nghèo vẫn cứ bám riết. Nhưng từ khi được giao đất, gia đình đã yên tâm định cư, phát triển sản xuất, thu nhập gia đình cũng đã được tăng lên đáng kể. Năm vừa rồi, miềng cũng làm được ngôi nhà mới khang trang, mua sắm được cả ti vi, tủ lạnh rồi đó…!”
Hiện xã Ngân Thủy còn có hàng chục hộ dân, như: hộ ông Hồ Thương, Nguyễn Văn Đức ở bản Cửa Mẹc; Trần Đình Huệ ở bản Cẩm Ly; Hồ Văn Bôn ở bản Còi Đá… đều phát huy lợi thế từ đất rừng để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết thêm: “Nhờ thực hiện chủ trường giao đất ở, đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn từng bước được giải quyết, giúp cho nhiều hộ gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.
Có thể khẳng định, chủ trương giao đất ở, đất sản xuất tại xã Ngân Thủy là hết sức đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng cao. Đến nay, xã Ngân Thủy đã đạt được 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân hàng năm 5,44%, đến năm 2020 xã còn 183/672 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,8%...
Xuân Vương