(QBĐT) - Mỗi ngày, có khoảng 2-3 tấn thủy sản các loại được bán ra thị trường từ “chợ đầu mối” ở Cảng cá Nhật Lệ (TP. Đồng Hới). “Chợ đầu mối” đóng vai trò thu gom thủy sản từ các tàu cá đánh bắt ngoài khơi và các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, sau đó, cung ứng cho người buôn bán ở các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh. Người bao tiêu một số lượng lớn thủy sản ấy chính là anh Trương Văn Bảo, Giám đốc TNHH Biển Khơi (TP. Đồng Hới).
Chị Trần Thị Hà-người đã nhiều năm gắn bó với “chợ đầu mối” cho biết: “Mỗi sáng, tôi có mặt tại Cảng từ 1-2 giờ sáng để chọn hàng chở lên các huyện miền núi bán. Địa bàn tôi hay bán nhất là huyện Minh Hóa. Phải đi tầm giờ đó mới nhập được thủy sản tươi ngon. Và cũng nhờ có “chợ đầu mối” của anh Trưởng Văn Bảo mà chúng tôi luôn yên tâm về số lượng, chất lượng nguồn hàng, không lo thiếu hàng, không sợ bị ép giá ở mọi thời điểm”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu “chợ đầu mối” của mình, anh Trương Văn Bảo chia sẻ: “Nơi này là khu thu mua và bao tiêu thủy sản cả đầu ra, lẫn đầu vào; tất cả đều được trang bị hệ thống đông lạnh với sức chứa khoảng 300 tấn thủy sản các loại. Bình thường vào thời điểm nắng ráo, lượng thủy sản thu mua hàng ngày gần như được phân phối hết, số còn lại trữ đông rất ít. Thường thì lượng thủy sản được trữ đông nhằm phòng khi thời tiết thay đổi, biển động, hay mùa đông tàu thuyền khó ra khơi…”
Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thủy sản, năm 2019, anh Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Biển Khơi được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT chọn “chuyển giao” dự án xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm thủy sản trên địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch) và xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn). Dự án này lấy nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020.
Công ty TNHH Biển Khơi được biết đến là cơ sở thu mua có uy tín, bảo đảm khả năng tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các hộ thực hiện dự án, có khả năng thu mua, bảo quản 100-150 tấn thủy hải sản các loại/năm. Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm thủy sản có uy tín, trách nhiệm, quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của người sản xuất, xây dựng được chiến lược kinh doanh rõ ràng, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm của dự án. Đối với thu mua sản phẩm, Công ty đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, như: bể chứa cá, hệ thống sục khí…
![]() |
Ông Lê Minh Tứ, Trưởng phòng Nuôi trồng và Phát triển nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, đa số người dân tự chủ động trong sản xuất, thu hoạch sản phẩm. Sản phẩm sản xuất thường bán cho thương lái tư nhân hoặc tại các chợ xung quanh vùng nuôi. Nên vào thời gian thu hoạch, người nuôi bị thương lái thu mua ép giá, xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”.
Anh Trương Văn Bảo là người đầu tiên của tỉnh xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thủy sản lớn, có quy mô và giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là tiêu thụ cá lồng là rất cần thiết, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm cho người nuôi và bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở thu mua, tiêu thụ trên địa bàn, góp phần phát triển thủy sản bền vững.
Ông Hoàng Văn Thái, thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) cho hay: "Gia đình tôi là một trong những hộ tham gia dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản do anh Trương Văn Bảo làm chủ dự án. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tiêu thụ cá chình và cá trắm đến kỳ thu hoạch gặp nhiều khó khăn, nhờ có chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm thủy sản của Công ty TNHH Biển Khơi, mỗi ngày trung bình chúng tôi xuất được 2-3 tấn cá trắm".
Sắp tới, Công ty TNHH Biển Khơi dự kiến đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR; nâng cấp hệ thống kho đông sẵn có của Công ty (với diện tích là 300m2); đầu tư hệ thống băng chuyền cấp đông tiên tiến, công nghệ mới...
Anh Bảo khẳng định: "Công ty TNHH Biển Khơi sẽ tiếp tục phối hợp với các hộ nuôi cá lồng vùng triển khai dự án để hướng dẫn người dân nuôi theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng chất kháng sinh để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, các năm tiếp theo, Công ty sẽ thu mua khoảng trên 50 tấn cá được sản xuất của vùng nuôi Quảng Minh, Sơn Trạch và mở rộng thu mua đối với vùng nuôi cá lồng trong tỉnh như vùng nuôi Duy Ninh, Phù Hóa, Hưng Trạch”.
Hiền Phương