(QBĐT) - Bám sát kế hoạch bố trí vốn từ đầu năm và các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh vốn đầu tư công năm 2020, huyện Quảng Ninh đã quán triệt, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện, hoàn thành hồ sơ thủ tục, tháo gỡ vướng mắc kịp thời để triển khai thi công, thực hiện việc tạm ứng, hoàn ứng, nghiệm thu, giải ngân vốn đầu tư công đúng theo quy định. Vì vậy, đến nay, về cơ bản tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện bảo đảm đúng kế hoạch được giao.
Ông Trương Ngọc Quý, Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng (QLDAXD) huyện Quảng Ninh cho biết, thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và Sở Kế hoạch-Đầu tư về đốc thúc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, Ban QLDAXD huyện Quảng Ninh đã tập trung, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác nghiệm thu giai đoạn, tạm ứng hợp đồng, hoàn ứng... Đến nay, về cơ bản, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công bảo đảm đúng theo chỉ đạo của cấp trên.
Cụ thể, hiện tổng số công trình đầu tư công đang thực hiện là 29 công trình (bao gồm công trình chuyển tiếp năm 2019 sang năm 2020 và công trình mới năm 2020). Về kết quả giải ngân nguồn vốn các công trình chuyển tiếp từ năm 2019 sang năm 2020, hiện huyện đã giải ngân được 83,020 tỷ đồng/94,001 tỷ đồng (nguồn Trung ương giải ngân được 1,508 tỷ đồng, đạt 12,07%; ngân sách tỉnh 79,484 tỷ đồng, đạt 100%).
Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, huyện được bố trí 81,283 tỷ đồng (nguồn Trung ương 10,981 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 68,994 tỷ đồng). Tính đến ngày 15-8-2020, các công trình trên địa bàn huyện đã giải ngân được 50,517 tỷ đồng, đạt 60,78% so với kế hoạch vốn năm 2020 (trong đó, giải ngân vốn đầu tư công tỉnh 49,209 tỷ đồng, đạt 71,32%). Đối với nguồn vốn đầu tư công còn lại, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể bảo đảm đến ngày 31-1-2021, giải ngân hết nguồn vốn được cấp theo quy định.
![]() |
Cũng theo ông Quý, đối với một số công trình không thực hiện kịp tiến độ để giải ngân theo quy định, Ban QLDAXD huyện đã báo cáo và có đề xuất, kiến nghị về việc điều chuyển nguồn vốn lên cấp trên xem xét, quyết định.
Cụ thể, công trình đường từ bản Nà Lâm, xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn (tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, vốn cấp năm 2020 là 5,4 tỷ đồng) không thực hiện kịp tiến độ để giải ngân theo quy định, UBND huyện đã báo cáo và có đề xuất, kiến nghị về việc điều chuyển nguồn vốn bố trí trả nợ các công trình đầu tư công đã hoàn thành thiếu vốn do UBND huyện làm chủ đầu tư lên cấp trên xem xét, quyết định.
Cùng với đó, dự án "Xây dựng hệ thống phân phối và xử lý nước 5 xã Hiền-Xuân-Tân-An-Vạn Ninh và khu công nghiệp Áng Sơn" không giải ngân được nguốn vốn tài trợ ODA (10,981 tỷ đồng), UBND huyện đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh cho dừng vốn hỗ trợ ODA, đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để tiếp tục thực hiện dự án. UBND tỉnh đã đồng ý và có văn bản số 1171/UBND-TH, ngày 6-7-2020 về việc dừng bố trí vốn ODA để hỗ trợ vốn địa phương thực hiện.
Theo ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, mặc dù về cơ bản tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của huyện bảo đảm đúng theo chỉ đạo của cấp trên, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, kết quả thực hiện còn phụ thuộc chủ yếu vào một số yếu tố khách quan. Một số công trình đầu tư công trong quá trình thi công gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng, nên sẽ mất nhiều thời gian để tập trung giải quyết. Vì vậy, tiến độ sẽ bị gián đoạn, gây áp lực trong việc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng thời gian quy định.
Việc thực hiện các thủ tục hồ sơ trình duyệt qua nhiều sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xử lý. Mặt khác, một số công trình trong quá trình thẩm định phải điều chỉnh nhiều lần do thay đổi một số quy định, hướng dẫn về thủ tục hành chính, đơn giá…, do đó, sẽ kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn kế hoạch được cấp.
Bên cạnh đó, số công trình đầu tư công có phần diện tích nằm trong phạm vi thi công là đất rừng (bao gồm đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên…) có số lượng hồ sơ thủ tục khá nhiều và phức tạp, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài. Và chưa kể trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc phải tháo gỡ, đặc biệt là thủ tục đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế… Vì vậy, làm chậm tiến độ chung, kể cả việc giải ngân vốn.
Để kịp thời tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nói trên, ông Phạm Trung Đông cho biết, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho kéo dài thời gian thực hiện dự án đường từ bản Nà Lâm, xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn sang thực hiện năm 2020-2022. Cùng với đó, cần bố trí vốn để thanh toán nợ tồn đọng đối với các công trình đầu tư công đã quyết toán hoàn thành và thực hiện các công trình đang triển khai bảo đảm đủ nguồn vốn theo từng giai đoạn đã được phê duyệt.
Ngoài ra, huyện cũng đề nghị các sở, ban, ngành cấp trên quan tâm, tích cực phối hợp, hướng dẫn tận tình để công tác xử lý hồ sơ trình thẩm định, trình phê duyệt kịp thời, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng...,qua đó, sớm triển khai thi công các công trình bảo đảm đúng tiến độ và giải ngân nguồn vốn được cấp theo đúng thời gian quy định...
Bùi Thành