ATTP trong nuôi trồng, khai thác thủy sản: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức

  • 08:08, 22/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, ngày 25-12-2018 của Bộ Nông nghiệp-PTNT, Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND, ngày 25-11-2019 của UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã triển khai kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), cấp giấy chứng nhận ATTP trong nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.
 
Mặc dù trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và ý thức chấp hành của các tàu cá, doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản…
 
Còn nhiều khó khăn
 
Theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải được cấp giấy chứng nhận ATTP với điều kiện đáp ứng đủ chỉ tiêu, điều khoản đề ra, như: thiết bị làm lạnh trên tàu cá phải có công suất đủ mạnh để giữ hải sản ở nhiệt độ thích hợp và ổn định, có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ; hầm bảo quản hải sản được làm bằng vật liệu chống ăn mòn, không độc, cấu trúc chắc chắn, được bọc cách nhiệt, có nắp đậy, không ngấm nước, dễ vệ sinh, khử trùng, sạch sẽ; hải sản sau khi đưa ra khỏi tủ cấp đông phải được bao gói và đưa ngay vào kho lạnh bảo quản; thuyền viên, lao động nghề cá phải được phổ biến kiến thức ATTP… 
 Quy trình xả thải nước đạt chuẩn tại các hồ tôm là một trong những yêu cầu quan trọng để được cấp giấy chứng nhận ATTP.
Quy trình xả thải nước đạt chuẩn tại các hồ tôm là một trong những yêu cầu quan trọng để được cấp giấy chứng nhận ATTP.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, vấn đề bảo đảm ATTP trên một số tàu cá trong tỉnh vẫn còn hạn chế, bất cập. Việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa hải sản và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển chưa được ngư dân quan tâm thực hiện thường xuyên. Đa số ngư dân chỉ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển. Hầm bảo quản hải sản bằng gỗ truyền thống không bảo đảm vệ sinh cũng như cách nhiệt hiệu quả cho sản phẩm hải sản. Việc ghi chép nhật ký khai thác của ngư dân còn chưa bảo đảm. Nhiều thuyền viên hoặc thậm chí thuyền trưởng, thuyền phó không có giấy xác nhận kiến thức ATTP; nhiều tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định…
 
Thực hiện Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND, ngày 25-11-2019 của UBND tỉnh về việc phân công cơ quan thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP…, Chi cục Thủy sản đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ trong phạm vi được phân công. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác triển khai nhiệm vụ của đơn vị.
 
Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch thực hiện công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận bảo đảm ATTP trong nuôi trồng, khai thác thủy sản đã bị ảnh hưởng về tiến độ và các nội dung triển khai.
 
Cụ thể, để phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có khuyến cáo hạn chế việc tụ tập đông người, do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP, Luật Thủy sản… cho các cơ sở, ngư dân chỉ thông qua văn bản, chưa triển khai được các hội nghị, đợt tập huấn tuyên truyền trực tiếp.
 
Ngày 9-4-2020, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng có Công văn số 2499/BNN-QLCL, trong đó, yêu cầu các đơn vị tạm hoãn tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, thẩm định các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch cho đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và có chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng chưa “mặn mà” với việc tham gia thực hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận ATTP, đặc biệt là các tàu thuyền khai thác bị thua lỗ.
 
Nâng cao chất lượng sản phẩm
 
Ông Nguyễn Thế Lanh, Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Thế Lanh (thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Công ty chúng tôi có 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 6ha (hiện đang tạm ngừng nuôi do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ khó khăn). Với việc chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP, như: có kho bỏ thức ăn nuôi tôm; thuốc, giống đều được qua kiểm dịch; nước xả thải thực hiện đúng quy định qua 3 hồ lắng…, Công ty đã đề nghị Chi cục Thủy sản tiến hành thẩm định và được cấp giấy chứng nhận ATTP đầu năm 2020”.
 
Thị trường tiêu thụ tôm của Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Thế Lanh chủ yếu là các chợ ở TP. Hà Nội. Việc mua bán chủ yếu dựa trên chất lượng thực tế của tôm chứ không có yêu cầu khắt khe về các giấy tờ, thủ tục kiểm định. Tuy nhiên, theo ông Lanh, muốn giữ uy tín, thương hiệu thì chất lượng tôm phải luôn đặt lên hàng đầu, việc được cấp giấy chứng nhận ATTP sẽ là động lực để Công ty duy trì, thực hiện tốt các khâu trong sản xuất, nuôi trồng, nâng cao chất lượng tôm, mở rộng thị trường.
 
Đồng quan điểm với ông Lanh, ông Nguyễn Ngọc Cảnh (phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn), chủ 3 tàu cá có chiều dài 15m cho rằng: “Việc cấp chứng nhận ATTP là động lực nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trong việc chấp hành tốt các quy định về ATTP. Đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ như chúng tôi, việc bảo đảm ATTP trong khâu khai thác, bảo quản hải sản sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành khi tiêu thụ…”
Theo quy định, các tàu cá khai thác xa bờ phải có túi đựng rác, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo quy định, các tàu cá khai thác xa bờ phải có túi đựng rác, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT, UBND tỉnh, từ khi triển khai công tác kiểm tra, thẩm định (đầu năm 2020) đến nay, toàn tỉnh có 1 cảng cá (toàn tỉnh chỉ có 1 cảng cá duy nhất là cảng cá Quảng Bình được hợp nhất từ cảng Nhật Lệ và cảng Gianh), 3/13 cơ sở nuôi trồng thủy sản (là các cơ sở do UBND tỉnh hoặc BQL các khu kinh tế tỉnh ra quyết định thành lập), 164/1.043 tàu cá (tàu 15m trở lên được cấp giấy phép hoạt động) được cấp giấy chứng nhận ATTP.
 
Dẫu bước đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy công tác cấp giấy chứng nhận ATTP trong nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Thông qua việc tuyên truyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra ATTP, ý thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản cũng như các ngư dân đối với vấn đề ATTP đã được nâng cao, việc tuân thủ các quy định về ATTP ngày càng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc cấp giấy chứng nhận ATTP sẽ là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Lê Mai

tin liên quan

Đa dạng hình thức nuôi tôm càng xanh
Đa dạng hình thức nuôi tôm càng xanh

(QBĐT) - Năm 2018 và 2019, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã đưa giống tôm càng xanh về nuôi thử nghiệm với nhiều hình thức như nuôi bán thâm canh trong ao đất, nuôi trên đất lúa chuyển đổi vùng nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả. Qua những mô hình trên đã khẳng định được tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh ta, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Lệ Thủy: Năng suất lúa vụ hè-thu ước đạt 44,13 ta/ha
Lệ Thủy: Năng suất lúa vụ hè-thu ước đạt 44,13 ta/ha

(QBĐT) - Theo thống kê ban đầu, năng suất lúa toàn huyện Lệ Thuỷ năm nay ước đạt 44,13 ta/ha, tăng 5,63 tạ/ha so với vụ năm ngoái.

Quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến: "Mạnh ai nấy chạy"
Quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến: "Mạnh ai nấy chạy"

(QBĐT) - Rất cần thắt chặt hơn nữa sự liên kết trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, nhất là từ phía các cơ quan chức năng.