(QBĐT) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải.
Trước thực tế đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp kịp thời để giúp DN tháo gỡ khó khăn. Quảng Bình cũng đã có Ban Chỉ đạo chuyên trách để vượt khó cùng DN. Đáng chú ý, vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành được nâng cao, nhất là tính chủ động trong xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý...
Thời gian qua, các DN trong tỉnh đã phải hứng chịu rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Điều đó thể hiện rõ nhất trong thời gian toàn xã hội phải thực hiện các biện pháp giãn cách do dịch bệnh Covid-19, hầu hết các cơ sở du lịch, dịch vụ phải đóng cửa; lao động phải tạm nghỉ, luôn phiên hoặc cắt giảm; các cơ sở sản xuất thiếu nguyên liệu, hàng hóa không tiêu thụ, xuất khẩu được, chi phí tồn kho, bảo quản tăng, sản xuất ngưng trệ, áp lực thuế, vay ngân hàng tăng... Mặc dù các DN đã chủ động phòng ngừa và có phương án sản xuất kinh doanh để hạn chế thiệt hại, nhưng khó vẫn chồng khó.
![]() |
Bên cạnh đó, vấn đề vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), quy định xây dựng nhà ở đối với các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị đã gây ra không ít khó khăn cho DN..., đặc biệt trong bối cảnh thị trường kém sôi động do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngoài ra, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, DN phải tuân thủ nhiều điều kiện kinh doanh và nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, gây khó khăn tốn kém thời gian và chi phí; các thủ tục hành chính về tiếp cận đất đai còn rườm rà, thời gian giải quyết chậm...
Cùng với việc kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để trợ giúp DN, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang làm Trưởng ban cùng thành viên là lãnh đạo các, sở, ngành liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngày 17-6-2020, Ban Chỉ đạo đã họp phiên đầu tiên để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn mà DN kiến nghị và đã thống nhất giao trách nhiệm cho các sở, ngành, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp cụ thể để giải quyết kiến nghị đã nhận được của DN.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã giao Sở Du lịch tìm kiếm các giải pháp để kích cầu du lịch, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, bổ sung thêm các dịch vụ để phục vụ du khách, thiết kế các chương trình tour ưu đãi, hấp dẫn, tìm kiếm sản phẩm mới, thị trường, khách mới, giúp các doanh nghiệp du lịch hạn chế thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Sở Công thương cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối thị trường, liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa... Sở Kế hoạch-Đầu tư chủ trì, cùng các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; các thủ tục đầu tư, rà soát, cân đối vốn hàng năm để trả nợ cho các công trình hoàn thành...
Sở Xây dựng tham mưu vấn đề đề nghị tạm thu tiền sử dụng đất trước thời điểm giao đất từ 10-15% mức tiền sử dụng đất theo giá ước tính của khu đất để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp đối với các dự án mới về nhà ở thương mại, khu đô thị; tổ chức đấu giá theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP; đối với các dự án tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện việc giãn thu tiền sử dụng đất theo giá sơ bộ đối với các dự án chưa được GPMB, chưa giao đất...
Các địa phương, ngành, Mặt trận Tổ quốc thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình để kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp và người dân trong tiêu thụ sản phẩm hàng Việt Nam và các mặt hàng do doanh nghiệp, người dân trong tỉnh sản xuất để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ ngân sách với tỉnh...
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành Quy chế hoạt động. Theo đó, Quy chế nhấn mạnh, các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phải nâng cao trách nhiệm, tính chủ động trong việc xử lý, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý; đề xuất ý kiến, giải pháp liên quan đến nhiều ngành, những vấn đề phức tạp trong thực hiện nhiệm vụ được giao về tháo gỡ khó khăn cho DN. Ban Chỉ đạo chỉ xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mang tính liên ngành, phức tạp, vượt thẩm quyền của các sở, ngành hoặc thuộc thẩm quyền của Trung ương. Nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn của DN, Ban Chỉ đạo tổ chức họp định kỳ 1 lần/tháng và bất thường khi cần thiết để rà soát, cho ý kiến tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của DN liên quan đến ngành, liên ngành và của tỉnh...
Để được giải quyết kịp thời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của mình, DN có thể gửi phản ánh đến sở, ngành, đơn vị, địa phương có thẩm quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực mình hoạt động hoặc thông qua Sở Kế hoạch-Đầu tư, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.
Bùi Thành