Doanh nghiệp vượt khó mùa Covid-19

  • 08:05, 03/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bố Trạch vừa gồng mình duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa đồng hành sẻ chia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và xã hội để vượt qua giai đoạn khó khăn.
 
Toàn huyện Bố Trạch hiện có 457 DN và trên 30 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiêp... Ông Hà Vĩnh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều DN, đơn vị, HTX sản xuất trên địa bàn huyện Bố Trạch bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống người dân, công nhân, người lao động bị đảo lộn.
 
Nhưng với ý thức, trách nhiệm và sự đồng lòng, các chủ DN, HTX vừa chấp hành tốt việc phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ nhịp độ sản xuất cho công nhân trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội nhằm đẩy lùi dịch bệnh, qua đó, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Dù khó khăn trong việc xuất bán hàng hóa, nhưng nhiều DN, HTX vẫn nỗ lực, thậm chí chịu rủi ro để chi trả tiền lương cơ bản cho công nhân, người lao động, cùng nhau vượt qua khó khăn”.
 
Tại thôn Đồng Sơn (xã Sơn Lộc), Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình (Công ty Nông nghiệp xanh) những năm qua đã khẳng định được sức sống của một DN với các ngành nghề, như: trồng rừng và chăm sóc rừng, trồng cây gia vị, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống thủy sản, chế biến và bảo quản rau quả... Đặc biệt, doanh nghiệp đã gieo thành công các loại dược liệu quý, như: sâm Bố Chính, cà gai leo trên vùng đất khó của huyện Bố Trạch.
 
Ông Phan Văn Tiến, đại diện Công ty Nông nghiệp xanh cho hay, Công ty vừa đầu tư xuống giống 9ha sâm Bố Chính, 1ha cà gai leo. Dự kiến trong thời gian tiếp theo sẽ xuống giống 10ha cà gai leo, 2ha kim tiền thảo và 1ha chè vằng. Từ mô hình này, Công ty Nông nghiệp xanh đã tạo được việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 30 lao động thời vụ, mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH sản xuất composite miền Trung cố gắng tạo việc làm nhỏ, phân tán cho người lao động có thêm thu nhập.
Công ty TNHH sản xuất composite miền Trung cố gắng tạo việc làm nhỏ, phân tán cho người lao động có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh, các đơn hàng xuất bán của Công ty đều đình trễ, thậm chí dừng hẳn, khiến nguồn thu vào hạn hẹp. Để duy trì hoạt động của DN, Công ty vẫn tạo điều kiện để công nhân có việc làm, như: chăm sóc cây trồng, vật nuôi quy mô nhỏ, làm việc phân tán, không tập trung... Đơn vị cũng cân đối nguồn thu để chi trả lương cơ bản và hỗ trợ hợp lý cho anh chị em trong Công ty.
 
Những năm gần đây, Công ty TNHH sản xuất composite miền Trung (đóng trên địa bàn xã Thanh Trạch) được nhiều người biết đến là một trong những DN tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Ông Trần Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất composite miền Trung, cho biết, với mô hình sản xuất công nghiệp về sử dụng vật liệu và công nghệ mới (composite) thay thế cho nguyên vật liệu cũ, như: gỗ, sắt thép, xi măng..., Công ty đã cho ra đời 20 sản phẩm phục vụ đời sống xã hội, như: thùng xe chở rác, chắn cống thủy lợi, thùng chứa nước, xăng, dầu, bể bơi.
 
Đặc biệt, Công ty đã sản xuất trên 800 chiếc tàu thuyền để phục vụ chống lụt bão, du lịch, ca nô tuần tra và khai thác thủy, hải sản có công suất 120CV. Với trên 15 năm hoạt động, Công ty có doanh thu khoảng 15-18 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động thường xuyên với mức lương từ 4,5 đến 8,5 triệu đồng/người/tháng.
 
“Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động của Công ty dần bị giảm sút; trong đó, nguồn hàng, nguồn nguyên liệu xuất, nhập đều thiếu hụt, dẫn đến công nhân lao động không có việc làm. Công ty phải tạm dừng hoạt động một thời gian. Nhận thấy những khó khăn của người lao động vì không có thu nhập, sau những đắn do, lãnh đạo Công ty đã tạo ra nhiều việc làm nhỏ, như: sơn, sửa chữa tàu thuyền, tu bổ nhà xưởng... Dù nguồn thu không bảo đảm nhưng Công ty vẫn cân đối, chi trả thù lao, chia sẻ một phần khó khăn với người lao động.
 
Bên cạnh đó, để chung tay phòng, chống dịch bệnh, Công ty cũng đã ủng hộ cho khu cách ly của huyện các loại thực phẩm và vật dụng, như: cá ngừ tươi (giá trị 5 triệu đồng) và cho mượn 4 bể dùng chứa nước...”, ông Trần Đình Tĩnh chia sẻ thêm.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc, nếu như trước đây mỗi tháng HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường tương đương 14 tấn nấm thì trong những tháng qua, các đơn hàng bị ngưng lại, chỉ đạt gần 50%. Doanh thu, sản lượng giảm sút đồng nghĩa với việc người lao động không có việc làm; đặc biệt là số lao động gián tiếp. Để chia sẻ cùng người lao động, HTX đã đưa ra các phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để có thể tiếp tục đứng vững trong thời gian chờ dịch bệnh được khống chế.
 
Trong đó, HTX duy trì sản xuất phần thô, sửa chữa, vệ sinh nhà xưởng, máy móc thiết bị là những giải pháp mà HTX đang làm. Đồng thời, đơn vị chi nguồn kinh phí dự phòng, duy trì các khoản lương cho người lao động với mong muốn cùng nhau vượt qua khó khăn.
 
Không những xoay xở duy trì bộ máy hoạt động của đơn vị sản xuất kinh doanh, các DN, HTX sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Bố Trạch còn sẻ chia, đồng hành cùng cấp ủy chính quyền địa phương trong chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Một số đơn vị đã trao hỗ trợ bằng tiền mặt, gạo và các nhu yếu phẩm...
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bố Trạch Lê Duy Hưng cho biết, sau khi nhận được lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN huyện về việc “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, tính từ 25-3 đến nay, Ủy ban MTTQVN huyện đã tiếp nhận 1,6 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa có giá trị trên 1,1 tỷ đồng của các tập thể, đơn vị và cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện; trong đó, có sự đóng góp, hỗ trợ đáng kể của các DN, HTX. Việc làm ý nghĩa của các DN, HTX trong mùa đại dịch đã thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của bản thân DN đối với cộng đồng xã hội, góp phần không nhỏ cùng địa phương, cả tỉnh, cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
 
“Để các DN, HTX từng bước ổn định, duy trì hoạt động, huyện Bố Trạch đã nắm bắt cụ thể khó khăn của từng loại hình DN, HTX nhằm kịp thời có hướng tháo gỡ. Mặt khác, huyện cũng giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp DN tập trung sản xuất, kinh doanh. Nếu cần thiết, huyện sẽ có kiến nghị các ban, ngành cấp tỉnh đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời gian phục hồi sau dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Hà Vĩnh Trung chia sẻ.
 
Hương Trà
 

tin liên quan

Các hãng hàng không châu Á áp dụng một loạt quy định mới để chống dịch
Các hãng hàng không châu Á áp dụng một loạt quy định mới để chống dịch
Các hãng hàng không châu Á sẽ sắp xếp chỗ ngồi trên các chuyến bay kiểu giãn cách xã hội, kiểm tra thân nhiệt, giảm hoặc loại bỏ các dịch vụ bán đồ ăn, thức uống và sản phẩm miễn thuế.
 
Ngân hàng nỗ lực hoàn thiện chuẩn quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19
Ngân hàng nỗ lực hoàn thiện chuẩn quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn, thế nhưng không vì thế mà ảnh hưởng lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II (Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng).
 
Trái phiếu Chính phủ - Lời giải bài toán cân đối ngân sách năm 2020
Trái phiếu Chính phủ - Lời giải bài toán cân đối ngân sách năm 2020
Việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau để đảm bảo cân đối ngân sách là nhiệm vụ cấp thiết và huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ được coi là một trong những kênh quan trọng nhất.